Vì sao tàu khoan Thổ Nhĩ Kỳ lại rời vùng kinh tế của Síp?

Tàu khoan 'Yavuz' của Thổ Nhĩ Kỳ đã rời khu vực kinh tế trên biển của Síp. Trước đó, dàn khoan này được đặt ở phía tây nam bờ biển của hòn đảo.

Ảnh minh họa.

Theo một số báo cáo, con tàu đã đến bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Bước đi này chắc chắn là một yếu tố góp phần giảm căng thẳng ở phía đông Địa Trung Hải.

Theo thông tin trên tờ “Yeni Safak” của Thổ Nhĩ Kỳ, tàu nghiên cứu “Oruc Reis” của quốc gia này, đã rời vùng đặc quyền kinh tế của Síp vào giữa tháng 9. Con tàu đã hoàn thành công việc bảo dưỡng ở cảng Antalya và sẵn sàng để đưa vào hoạt động.

Ankara bắt đầu khoan giếng để sản xuất dầu và khí đốt gần Síp vào năm ngoái. Tàu khoan “Yavuz” của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2019. Mới đây, nó đã rời khỏi khu vực phía tây nam của Síp. Theo dữ liệu theo dõi, vào ngày 5/10 vừa qua con tàu đã được quan sát ở gần cảng Tasuku ở tỉnh Mersin của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự nhượng bộ của Ankara ở Đông Địa Trung Hải sẽ giúp "cởi trói cho quốc gia này ở Kavkaz", nơi Thổ Nhĩ Kỳ đang ủng hộ Azerbaijan trong cuộc xung đột với Armenia. Các máy bay Thổ Nhĩ Kỳ đã bị cáo buộc tham gia vào các cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh để hỗ trợ cho Baku, cũng như việc 150 sĩ quan của Thổ Nhĩ Kỳ đang trực tiếp chỉ đạo các hoạt động chiến đấu của quân đội Azerbaijan.

Theo các thông tin trước đó, Síp đã kêu gọi áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì quốc gia này đang tổ chức sản xuất hydrocacbon trên thềm lục địa ở Đông Địa Trung Hải. Nếu quyết định của Ankara "làm yên lòng" Síp, thì Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí có thể chủ động bắt đầu hành động ở Nam Kavkaz mà không sợ các lệnh trừng phạt từ EU.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/vi-sao-tau-khoan-tho-nhi-ky-lai-roi-vung-kinh-te-cua-sip-o4XknzcGR.html