Vì sao tăng trưởng tín dụng chậm lại?

Tín dụng giảm tốc để kìm lạm phát dẫn đến chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room) 'bó hẹp'. Không được nới chỉ tiêu này, các ngân hàng phải gồng mình để 'co kéo'.

Cạn room tín dụng cuối năm

Theo số liệu của NHNN, tính đến hết tháng 6/2018, nhóm các ngân hàng tốp đầu đã và đang dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm. Như TPBank đạt 14,5% so với đầu năm, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Con số này sát với mức trần đã được NHNN duyệt trước đó là 15%. Với VIB Bank, kế hoạch tổng dư nợ tín dụng được chia thành 2 phương án: Phương án 1 (đã được NHNN phê duyệt), tổng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 95.960 tỷ đồng, tăng trưởng 14%, trong đó dư nợ cho vay đạt 91.045 tỷ đồng. Phương án 2, tổng dư nợ tín dụng đạt 105.220 tỷ đồng, tăng trưởng 25%, trong đó dư nợ cho vay đạt 99.830 tỷ đồng, với điều kiện là có các phê duyệt bổ sung room từ NHNN. Tại MB, đến quý II đạt mức tăng trưởng 89% mục tiêu năm nay. Trong khi tại Vietcombank, KienLong Bank, Nam A Bank, AB Bank, Eximbank cũng có mức tăng từ 9 -12%.

Giao dịch tại Chi nhánh Vietcombank Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Nếu là trước đây các ngân hàng sẽ "xin" NHNN để được nới chỉ tiêu, tuy nhiên Chỉ thị 04 mới đây của Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho thấy NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng toàn hệ thống theo đúng mục tiêu định hướng đề ra, đồng thời không xem xét điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Đặt trong bối cảnh còn nhiều lo ngại về lạm phát và tỷ giá tăng mạnh, khả năng nới "room" tín dụng lại càng khó, thậm chí có thể còn bị siết chặt hơn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, với hạn mức được cấp từ đầu năm thì nhiều ngân hàng có thể chỉ có thể giải ngân thêm vài ngàn tỷ đồng cho những tháng còn lại. Thanh khoản sẽ không được dư giả tại một số thời điểm nhất định, nhất là trong giai đoạn cao điểm chi trả nhu cầu thanh toán vào cuối quý IV. Nhiều ngân hàng bị khống chế trần tăng trưởng tín dụng sẽ khó khăn trong việc cân đối hiệu quả kinh doanh.

"Room tín dụng không được nới, lãi suất huy động có thể tăng lại trong những tháng cuối năm và nhiều biến động khó lường khác, lợi nhuận nửa cuối năm của các ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức." - TS Nguyễn Trí Hiếu

Để đối phó, một số ngân hàng bắt buộc phải giảm nguồn huy động, đồng thời, các ngân hàng cũng cần tìm kiếm thêm các nguồn thu ngoài lãi như phí dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm... để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận cả năm. Thậm chí, "nếu nới room tín dụng khó, buộc ngân hàng phải mua trái phiếu cấp 2 cho các NHTM Nhà nước để họ đáp ứng các chỉ số an toàn vốn theo quy định hiện hành" - Tổng Giám đốc một NHCP có trụ sở ở Hà Nội than thở.
Nắn dòng vốn vào sản xuất
Theo TS Nguyễn Xuân Thành, trường Đại học Fulbright Việt Nam, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Nguyên nhân chính là do xuất phát điểm của nền kinh tế ở mức thấp, tích lũy vốn của tất cả các chủ thể trong nền kinh tế đều rất ít. Do vậy, mọi nguồn vốn cả ngắn, trung và dài hạn phục vụ nhu cầu của DN gần như đều phải dựa phần lớn vào ngân hàng. Vấn đề quan trọng để đảm bảo tăng mục tiêu tăng trưởng, tín dụng sẽ được chuyển thể vào tăng trưởng kinh tế cao hơn và bền vững hơn trong tương lai, đảm bảo được dòng vốn vào đúng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Các chuyên gia nhận định, từ giờ đến cuối năm, tín dụng sẽ tăng chậm. Trong bối cảnh TTCK đang trong giai đoạn ảm đạm như hiện nay thì các ngân hàng sẽ rất khó huy động thêm được nguồn vốn tự có cấp 1. Vì vậy, câu chuyện về chất lượng tín dụng sẽ được ưu tiên hơn so với số lượng. Theo đó, nhiều ngân hàng phải điều chỉnh cơ cấu cho vay theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp hơn. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. "Với diễn biến tăng trưởng tín dụng như hiện nay, đến cuối năm 2018, tín dụng có thể đạt 14 - 15% hoặc có thể cao hơn nhưng tối đa chỉ ở mức 17%. Điều quan trọng nhất đối với vấn đề này không phải là con số tăng bao nhiêu mà là đảm bảo dòng vốn vào đúng nơi sản xuất, kiểm soát vốn vào các lĩnh vực rủi ro như BOT, chứng khoán, bất động sản” - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) ngày 15/8 công bố quyết định điều chỉnh một số chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh năm 2018, đây là ngân hàng đầu tiên giảm các chỉ tiêu kinh doanh tương ứng với room tín dụng. Lý do điều chỉnh là để tương ứng với room tín dụng năm 2018 theo hạn mức của NHNN (kế hoạch đầu năm xây dựng là tăng trưởng 20% tăng trưởng tín dụng, phê duyệt là 14%).

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vi-sao-tang-truong-tin-dung-cham-lai-323170.html