Vì sao tạm dừng phiên tòa xét xử 'đại gia'Trịnh Sướng và 38 bị cáo?

Sau 10 ngày xét xử, HĐXX - TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên tạm dừng phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Trịnh Sướng và 38 bị cáo, trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để làm rõ một số vấn đề.

Chiều 20/4, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên bố tuyên bố tạm dừng phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Trịnh Sướng và 38 bị cáo về tội "Sản xuất buôn bán hàng giả".

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo đó, trong quá trình xét xử nhận thấy có nhiều mâu thuẫn, đặc biệt trong số lượng xăng giả, số tiền thu lợi bất chính của các nhóm bị cáo nên HĐXX - TAND tỉnh Đắk Nông đã quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra làm rõ thêm một số vấn đề.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với 4 người trực tiếp chỉ đạo sản xuất, buôn bán xăng giả ở các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang, TP HCM, Đắk Nông là: Trịnh Sướng 12 đến 13 năm tù, Đinh Chí Dũng 7 đến 8 năm tù, Nguyễn Ngọc Quan 5 đến 6 năm tù, Nguyễn Thị Thu Hòa 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù.

Các bị cáo còn lại trong nhóm của Sướng, Dũng, Quan và Hòa, người bị đề nghị mức án thấp nhất là từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù, người cao nhất 7 đến 8 năm tù.

Riêng bị cáo Lưu Văn Nguyện, giám đốc Công ty cổ phần dầu khí Bình Minh, đơn vị bán dung môi cho Trịnh Sướng, Dũng và Hòa bị đề nghị mức án 5 đến 6 năm tù.

Theo cáo trạng, ngày 22/01/2019, Cơ quan Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang 2 nhóm đối tượng có hành vi bán dung môi công nghiệp cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại tỉnh Đắk Nông pha trộn với xăng để bán ra thị trường do Hồ Thị Nhẫn (trú tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) và Nguyễn Văn Hướng (trú tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cầm đầu.

Qua điều tra, cơ quan Công an xác định, nguồn dung môi Nhẫn có để bán được mua của vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan, Hoàng Thụy Minh Việt ở tỉnh Đồng Nai. Nguyễn Văn Hướng và Loan, Việt mua dung môi của Công ty TNHH Phạm Sơn ở Cần Thơ do Nguyễn Thị Thu Hòa (trú tại TP Cần Thơ) quản lý, điều hành.

Tiến hành điều tra mở rộng vụ án, cơ quan Công an xác định, Hòa còn bán dung môi cho rất nhiều tổ chức, cá nhân khác.Trong đó, có Nguyễn Ngọc Quan (trú tại TP HCM) sử dụng Công ty TNHH thương mại hóa chất Tâm Quang (gọi tắt là Công ty hóa chất Tâm Quang), Công ty hóa chất Tâm Quang - Chi nhánh Vĩnh Long và nhiều cá nhân để mua dung môi của Hòa. Công ty TNHH Phạm Sơn của Hòa mua dung môi từ Công ty cổ phần dầu khí Bình Minh (gọi tắt là Công ty Bình Minh) do Lưu Văn Nguyện (trú tại TP HCM) trực tiếp làm Chủ tịch HĐQT, điều hành hoạt động.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử đối với 39 bị cáo về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Quá trình đấu tranh, từ ngày 28-30/5/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp các nhóm đối tượng Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Trịnh Sướng đang thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang.

Cũng theo cáo trạng, Công ty Mỹ Hưng do Trịnh Sướng Giám đốc, với ngành nghề kinh doanh chính là mua bán xăng dầu và các sản phẩm có liên quan; mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng. Công ty này sở hữu 8 Cửa hàng xăng dầu trực thuộc, 12 xe ô tô xi téc, 9 tàu thủy. Ngoài ra, năm 2007, Sướng tiếp tục thành lập và điều hành hoạt động của Công ty TNHH Gia Thành (Công ty Gia Thành) nhưng cho Trương Như Tuyết (em vợ của Sướng) làm Giám đốc. Ngoài ra, Sướng còn sở hữu 75% cổ phần của Công ty CP thương mại hóa dầu Ressol (do con trai là Trịnh Thành Hưng đứng tên). Các doanh nghiệp này đều là thương nhân phân phối xăng dầu.

Trong quá trình kinh doanh, đến cuối năm 2016, Sướng biết được cách sản xuất xăng bằng cách pha chế các dung môi với xăng nền, hóa chất tăng RON và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5 RON 92 giả bán ra thị trường sẽ thu lợi cao hơn so với việc bán xăng do các thương nhân đầu mối sản xuất. Vì vậy, đầu năm 2017, Trịnh Sướng nảy sinh ý định sản xuất xăng A95, A92, E5 giả để bán ra thị trường.

Để thực hiện việc sản xuất, buôn bán xăng giả ra thị trường, Trịnh Sướng thuê và phân công Trương Như Tuyết (trú tại tỉnh Sóc Trăng) - Giám đốc Công ty Gia Thành phụ trách việc xuất hóa đơn giá trị gia tăng giúp Trịnh Sướng bán xăng pha trộn được qua Công Gia Thành, quản lý tiền mặt, thanh toán tiền mua dung môi, chấm công... Lê Ngọc Lý (trú tại tỉnh Sóc Trăng) theo dõi số lượng nguyên liệu mua vào dùng để pha trộn với xăng giả; lập phiếu xuất nhập kho và theo dõi lượng xăng giả tồn kho tại kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng, nhập số liệu vào máy tính, cân đối đầu vào, đầu ra... Nguyễn Thành Trung quản lý kho, chỉ đạo người làm thuê thực hiện việc pha trộn xăng giả tại kho xăng dầu Phú Mỹ Hưng thuộc Công ty Mỹ Hưng....

Để có nguyên liệu pha trộn sản xuất xăng giả và tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Trịnh Sướng không trực tiếp đứng ra mua dung môi, hóa chất mà thông qua các cá nhân, tổ chức khác mua dung môi cho Trịnh Sướng. Cụ thể, từ năm 2017-2019, Trịnh Sướng đã thông qua Mai Trung Hậu, chủ Nhà phân phối Thành Long (TP Cần Thơ), Công ty TNHH Tấn Phúc - Chi nhánh Vĩnh Long do Hồ Xuân Cường – Giám đốc Công ty CP TMDV Petro Tấn Phúc (TP Hồ Chí Minh) và Cửa hàng sơn Gia Hưng Phát đã chi hơn 2.000 tỉ đồng để mua dung môi và hóa chất các loại...

Sau đó, Trịnh Sướng đã tổ chức pha chế, sản xuất ra hơn 137 triệu lít xăng giả, tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.492 tỉ đồng. Trong đó, Trịnh Sướng đã bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả thông qua 337 cửa hàng thuộc đại lý bán hàng của Công ty Mỹ Hưng, Công ty Gia Thành và Công ty Ressol, thu lợi bất chính với tổng số tiền hơn 102 tỉ đồng.

Cũng trong vụ án này còn có các doanh nghiệp và nhiều bị can khác đã tổ chức sản xuất hơn 30 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 34 tỉ đồng.

Nguyễn Chính

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/vi-sao-tam-dung-phien-toa-xet-xu-dai-gia-trinh-suong-va-38-bi-cao-104311.html