Vì sao ta 'sợ Tết'?

Còn ba tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng một lần nữa, lại xuất hiện những lời kêu gọi gộp Tết âm với Tết dương. Thậm chí nhiều người còn đăng tải hình ảnh một cô gái nằm chán chường kèm theo câu nói: 'Đang yên đang lành, tự dưng lại… Tết'. Với không ít người, cái Tết đang... miễn cưỡng đến gần.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Facebook)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Facebook)

Năm mới thường đến trong bồi hồi, ngóng trông. Cái cảm giác đất trời chuyển giao năm cũ - năm mới, cái hồi hộp bên nồi bánh chưng vốn thiêng liêng, ấm áp là thế. Nhưng bây giờ, “sợ Tết” là cảm giác chung của không ít người. Ở thành phố, trước Tết chừng hơn mươi ngày, đường phố lúc nào cũng ken đặc. Người ta, nét mặt ai nấy cũng căng ra. Người ta, lao đi vội vã hơn. Mà lại không vội được, vì tắc đường. Công việc bận rộn là thế, nhưng Tết “bổ sung” cả đống việc cho người ta làm. Quà nội, quà ngoại, quà thầy, quà cô, quà cho những người mình cần cảm ơn, quà cho những mối quan hệ lâu ngày không gặp, quà biếu sếp... Ai cũng lo, nhỡ có gì đó sơ suất. Người Việt vẫn thế. Cả năm mới có ngày Tết mà. Thiếu sót gì dễ bị chê trách lắm.

Quà xong, lại phải nghĩ đến Tết này ăn gì, trang trí gì, mua sắm gì. Xưa cái ăn là cái lo, vì thiếu. Nay cái ăn là cả vấn đề, khi Tết đến, chợ và siêu thị phần nhiều đóng cửa, mua bán không tiện. Quanh năm ăn uống đủ đầy, những món “cổ truyền”, thật sự với nhiều người thành món “cổ hủ”, vì nhiều năng lượng, tốn công chế biến. Giò, giò xào, thịt gà, bánh chưng… suốt cả năm, có lúc mấy khi thiếu thốn? Thành ra phải tốn công lên mạng, tìm mối để “săn” đặc sản, sao cho nó phải khác đi, đỡ ngán, mà cũng phải đỡ tăng cân.

Rồi lại cân nhắc tính toán xem ăn mặc thế nào, lau dọn, trang trí nhà cửa ra sao… Không chỉ người ít tiền, người giàu cũng mệt chẳng kém vì phải tính toán.

Trước Tết là những ngày người ta phải lao động quần quật, vừa bảo đảm công việc bình thường, vừa chuẩn bị Tết. Nhưng rồi Tết là ngày nghỉ, nhưng lại cũng là những ngày… lao động tiếp. Ăn uống, chúc tụng, thăm nom… cũng vì sợ bị tai tiếng trách móc. Chưa kể, còn phải tiếp không ít khách. Thăm nhau, chúc nhau, thì thường có chén rượu đầu xuân. Rất khó chối từ. Và như thế, tai nạn giao thông cứ vùn vụt tăng lên… Những người có quê còn lo hơn. Đi bằng phương tiện gì về quê. Rồi tiền mừng tuổi cũng là “món nợ”.

Người sợ Tết nhất có lẽ là những người làm quản lý. Tết vẫn còn khá xa, nhưng “tinh thần Tết” đã ở rất gần. Ai cũng tính tính toán toán, cân cân nhắc nhắc mua gì, bán gì, quà gì, đi đâu… Tranh thủ thời gian săn tìm thông tin trên mạng. Tranh thủ “tạt, té” khi ra ngoài. Cũng vì cái Tết! Nghỉ Tết chín ngày, nhưng “tinh thần Tết” bắt đầu từ 23 tháng Chạp. Tất nhiên, kéo dài đến vài ngày sau khi đi làm trở lại. Gặp nhau sau Tết, lại chúc tụng, lại kéo nhau đi thăm nhà nhau, đi lễ đầu năm… Ai dám bảo công việc không bị ảnh hưởng.

Nhiều người “trốn Tết” bằng cách đi du lịch. Năm đầu có thể nhận ít lời trách móc. Nhưng rồi thành quen. Nhất là khi ngày càng nhiều người rủ nhau “cùng trốn”.

Tết ra đời trong một xã hội nông nghiệp. Khi ấy, cuộc sống quanh năm thiếu thốn. “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Trông chờ Tết là để được ăn ngon. Trông chờ Tết là để được mặc đẹp. Tết Nguyên đán, trùng với dịp nông nhàn. Người ta có thời gian thăm nom nhau nhiều hơn. Cũng bởi thế mới sinh ra tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi”.

Xã hội đã thay đổi từ lâu. Cuộc sống gấp gáp, bận rộn hơn xưa. Xã hội xưa đề cao quan hệ gia đình, họ tộc, rồi làng xã. Cụ thể là trong cái Tết, nếu không đi thăm nom chúc Tết họ hàng xa gần sẽ bị trách móc. Thời trước, vào ngày Tết, cảnh cả đoàn người trong một gia đình rầm rập đi chúc nhà nọ sang nhà kia được biết đến như là “biểu tượng” của cái Tết ấm cúng. Xã hội nay, đề cao cái “tôi” hơn. Người ta chú tâm hơn đến gia đình nhỏ, thay vì gia tộc. Nhiều người, sau một năm vất vả, kỳ nghỉ Tết cũng muốn dành thời gian cho riêng mình, cho gia đình nghỉ xả hơi. Mặc dù vậy, cái “tinh thần Tết”, “tâm lý Tết” kiểu cũ vẫn được bảo lưu trong nhiều người. Người ta vẫn phải gắng gượng hoàn thành đủ các “nghĩa vụ Tết” với rất nhiều đối tượng khác nhau. Nếu không hoàn thành rất sợ “mang tiếng” với mọi người. Sợ thì trốn Tết thôi, không ít người bảo thế.

Có những phong tục là tốt đẹp. Nhưng có những tục lệ thành gánh nặng khi xã hội đổi thay. Tết thời đại mới cũng cần một tinh thần mới. Đó vẫn là khi người ta hướng về nguồn cội, đó là vẫn là khi người ta “ôn cố, tri tân”, vẫn là khi người ta gửi nhau những lời chúc tụng, nhưng kèm theo đó, là sự sẻ chia, sự cảm thông với tấm lòng rộng mở. Bản sắc văn hóa không nhất thiết phải là hình hài những tục lệ mà là ở tinh thần. Nhất là khi người ta biến những tục lệ thành “món nợ” mà Tết cứ phải hoàn thành.

TUỆ MINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/38891502-vi-sao-ta-%E2%80%9Cso-tet%E2%80%9D.html