Vì sao sức hút đầu tư nước ngoài của Malaysia thua kém các nước láng giềng?

Sự ổn định chính trị, quản trị tốt, tham nhũng thấp và nỗ lực thúc đẩy phối hợp là nhân tố chính giúp Singapore, Indonesia và Việt Nam thu hút thành công các hồ sơ đầu tư ở khâu đoạn mấu chốt nhất.

Vì sao sức hút đầu tư nước ngoài của Malaysia thua kém các nước láng giềng? Ảnh: TTXVN phát

Vì sao sức hút đầu tư nước ngoài của Malaysia thua kém các nước láng giềng? Ảnh: TTXVN phát

Theo Giáo sư Kim Yeah Leng, giảng viên đại học Sunway (Malaysia), triển vọng tăng trưởng dài hạn thuận lợi, môi trường đầu tư hấp dẫn và các chính sách nhất quán là những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư quốc tế lựa chọn các nước ASEAN khác thay vì Malaysia.
Chuyên gia kinh tế này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ổn định chính trị, quản trị tốt, tham nhũng thấp và một nỗ lực thúc đẩy phối hợp, ưu tiên cấp cao nhất là các nhân tố chính giúp Singapore, Indonesia và Việt Nam thu hút thành công các hồ sơ đầu tư ở khâu đoạn mấu chốt nhất.
Theo số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong năm 2019, ba quốc gia này đã nhận được hơn 80% trong tổng số kỷ lục 156 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà các nhà đầu tư quốc tế đã rót vào khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý, Malaysia chỉ thu hút được có 5%, tương đương 31,7 tỷ ringgit (7,8 tỷ USD).
Trao đổi với tờ FreeMalaysia Online, Giáo sư Yeah cho rằng Malaysia sẽ phải nâng cao hiệu suất của mình cả về các nhân tố cứng và mềm để thu hút các loại hình đa dạng các nhà đầu tư từ tìm kiếm hiệu quả, thị trường và nguồn lực.
Ông cũng lưu ý rằng những nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng của Indonesia đã giúp cải thiện rõ ràng vị trí của quốc gia này trên bảng xếp hạng toàn cầu cùng với việc Tổng thống Joko Widodo tái đắc cử năm 2019 đã kích thích sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế đối với các kế hoạch thúc đẩy phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và công nghiệp hóa của nước này.
Theo vị giảng viên đại học Sunway, đồng thời nguyên là cựu trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại tổ chức xếp hạng tín nhiệm RAM Holdings, chiến lược xúc tiến đầu tư phối hợp của Indonesia đã giúp chính phủ nước này thu hút được các công ty hàng đầu thế giới trên nền tảng thị trường khổng lồ 270 triệu dân đang phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, Giáo sư Yeah cũng nhấn mạnh các tập đoàn quốc tế hiện đang tìm kiếm cơ hội đầu tư dựa trên nguồn tài nguyên cũng để mắt tới tiềm năng phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú của quốc gia Đông Nam Á này.

Trước đó, trên trang Facebook cá nhân, cựu Thủ tướng Najib Razak cho rằng trong hai năm qua Malaysia thiếu nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Theo ông Najib, các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ Mỹ như Tesla, Amazon và Google đã chú ý tới Indonesia như một lựa chọn đầu tư và đặt câu hỏi tại sao các cơ quan đã thu hút được vốn đầu tư FDI.
FDI vào Malaysia tăng 3,1% từ 30,7 tỷ ringgit (75,5 tỷ USD) năm 2018 lên 31,7 tỷ ringgit (7,8 tỷ USD) trong năm 2019. Đây là sự sụt giảm nếu so sánh với con số 41 tỷ ringgit (gần 101 tỷ USD) trong năm 2017 và 47,2 tỷ ringgit (116 tỷ USD) năm 2016.

Nhà kinh tế cao cấp Firdaos Rosli thuộc Tập đoàn Rating Malaysia lưu ý Malaysia có các cơ quan thương mại, ủy ban đầu tư cùng đội ngũ nhân viên làm nhiệm vụ quảng bá hình ảnh của đất nước, nhưng ông không đồng tình với việc các các cơ quan đầu tư Malaysia chưa làm đủ để thu hút đầu tư. Ông giải thích các cơ quan này chỉ làm nhiệm vụ của mình trong phạm vi quy định và nhấn mạnh tới lợi thế so sánh của Malaysia.
Theo chuyên gia này, Malaysia có các quy định hoàn hảo nhằm thu hút các khoản đầu tư giá trị thấp. Tuy nhiên, khi các nước khác cũng cung cấp những ưu đãi tương tự, Malaysia đang tự giới hạn mình để cạnh tranh trong một không gian thua thiệt hơn.
Giáo sư Nazari Ismail thuộc Trung tân Chiến lược và Chính sách Kinh doanh, Đại học Malaya cũng cho rằng quy mô khổng lồ của thị trường nội địa Indonesia là lý do chính mà các nhà đầu tư quốc tế đổ dồn đến quốc gia này, trong đó chi phí hoạt động thấp hơn cũng là một yếu tố chính.
Theo ông, Indonesia với 267 triệu người nên Malaysia rất khó trong so sánh về tiềm năng thị trường cũng như chi phí hoạt động với quốc gia láng giềng. Điều này giải thích tại sao ba tập đoàn công nghệ khổng lồ của Mỹ cũng bỏ qua Singapore, quốc gia đắt đỏ hơn khi so sánh với Indonesia. Do đó đây không phải là lỗi từ Chính phủ Malaysia khi quy mô dân số thấp hơn./.

Mạnh Tuân (TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/vi-sao-suc-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-cua-malaysia-thua-kem-cac-nuoc-lang-gieng/181577.html