Vì sao start-up gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn hỗ trợ?

Dù có cơ hội tiếp cận các nguồn hỗ trợ về tài chính, nhân lực và kinh nghiệm quản lý từ các tổ chức phát triển, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể xác định mục tiêu chung để tận dụng hiệu quả lợi thế này.

 Nhiều start-up chưa tận dụng được nguồn hỗ trợ tiềm năng từ các tổ chức phát triển.

Nhiều start-up chưa tận dụng được nguồn hỗ trợ tiềm năng từ các tổ chức phát triển.

Theo bà Phạm Kiều Oanh – Nhà sáng lập và giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) hiện nay chưa xác định rõ mục tiêu tạo tác động của mình. Do đó, các tổ chức phát triển khó xác định được hình hình thức hỗ trợ hợp lý cho doanh nghiệp. Trong khi đó, sự hợp tác này rất cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của hai bên. Thống kê cho thấy, 15-20% start-up có tiềm năng tạo dựng giá trị cho cộng đồng khi khởi nghiệp trở thành trào lưu. Các tổ chức phát triển hiện nay cần chào đón các mô hình đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, các doanh nghiệp được tiếp cận thêm với các mối quan hệ hợp tác để cùng giải quyết các vấn đề xã hội.

Nội dung trên được đề cập tại hội thảo “Thu hút nguồn lực từ tổ chức phát triển (INGO/NGO) hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Mục tiêu của sự kiện là kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các tổ chức phát triển, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các bên, thúc đẩy việc tiếp nhận các giải pháp đổi mới công nghệ, áp dụng trong triển khai các dự án phát triển.

Các chuyên gia trao đổi kinh nghiệm tại hội thảo “Thu hút nguồn lực từ tổ chức phát triển (INGO/NGO) hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Theo các chuyên gia tại hội thảo, khi các start-up tìm kiếm sự hỗ trợ, nhà sáng lập cần nhận thức rằng các tổ chức phát triển có nhiều điểm khác biệt so với các tập đoàn lớn và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Chuyên gia khuyến nghị, doanh nghiệp nên xác định rõ mục tiêu chung giữa hai bên, bởi các tổ chức phát triển luôn tìm kiếm các doanh nghiệp cùng định hướng với họ. Việc hợp tác cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST giúp các tổ chức phát triển áp dụng phương pháp đổi mới trong việc xử lý vấn đề nhanh hơn so với việc tự phát triển nội bộ.

Tại Việt Nam, mặc dù mô hình hợp tác giữa các tổ chức phát triển và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST còn khá mới, song đã có những điển hình thành công như sáng kiến ứng dụng trí tuệ nhân tạo tăng cường tiếp cận thông tin cho người dân về dịch vụ công hay giải pháp mới hỗ trợ nhóm người yếu thế trong xã hội.

Từ góc độ quản lý nhà nước, ông Từ Minh Hiệu - Phó trưởng phòng Khởi nghiệp, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ KH&CN – đã có những đánh giá cụ thể. Ông cho biết, nhà nước đóng vai trò “vừa gây dựng, vừa tham gia” trong quá trình hợp tác giữa các tổ chức phát triển và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Thông qua việc xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển, nhà nước cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực quốc tế để giải quyết các bài toán xã hội như vấn đề môi trường, bình đẳng giới.

Trong thời gian tới, văn phòng Đề án 844 dự kiến sẽ hướng đến hình thành mạng lưới các tổ chức phát triển (INGO/ NGO) trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Khánh Linh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vi-sao-start-up-gap-kho-khan-khi-tiep-can-nguon-ho-tro-post141452.html