Vì sao Singapore là nơi con thuyền lợi ích muốn thả neo?

Singapore đã phát huy được mọi nguồn lực cho phát triển, bên cạnh đó là đã xây dựng được cơ chế đảm bảo sự ổn định tốt nhất cho xã hội...

Việc Mỹ đề xuất và Triều Tiên đồng ý, lựa chọn Singapore là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên trong lịch đã khiến cho sự kiện chính trị này vốn đã đặc biệt lại càng đặc biệt hơn.

Có nhiều quốc gia đánh tiếng sẵn sàng đứng ra tổ chức và đảm bảo thành công mỹ mãn cho sự kiện lịch sử này, có nhiều địa danh là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện quốc tế như Viena, Geneva hay Paris… nhưng đã không được lựa chọn.

Điều đó cho thấy sức hút của rất lớn từ đảo quốc Sư tử và việc tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ- Triều không chỉ nâng tầm cho Singapore trên trường quốc tế, mà còn mang lại lợi ích rất lớn cho người dân và đất nước này.

Singapore đã trở thành bến đậu tốt nhất cho những con thuyền lợi ích

Điều đó cũng là một minh chứng rằng Singapore đã trở thành một trong những bến đậu tốt nhất cho những con thuyền lợi ích thả neo, như khát vọng của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong quá trình lãnh đạo quốc gia này.

Điều gì đã giúp Singapore tạo ra sức hấp dẫn như vậy? Thủ tướng Lý Quang Diệu đã có những quyết định gì và hành động như thế nào mà có thế biến đảo quốc Sư tử trở thành một bến đậu tốt nhất cho những con thuyền lợi ích như vậy?

Thứ nhất, chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến để đảm bảo tính độc lập, bảo vệ nền độc lập và đi tắt đón đầu trong việc khai thác những giá trị của văn minh nhân loại phục vụ cho phát triển đất nước.

Khi tách khỏi Vương quốc Malaysia để thành lập nên Cộng hòa Singapore, thành phần dân số tại đảo quốc nhỏ bé này phần lớn là người gốc Hoa và người Mã Lai. Do đó tiếng Hoa và tiếng Mã Lai là hai ngôn ngữ thông dụng nhất tại đất nước này.

Lúc đó có lẽ ai cũng nghĩ rằng nhà lập quốc Lý Quang Diệu sẽ chọn một trong hai ngôn ngữ đó làm ngôn ngữ chính, hoặc chọn cả hai ngôn ngữ đó làm ngôn ngữ giao tiếp xã hội.

Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu cùng những nhà lãnh đạo đất nước Singapore lúc đó lại quyết định chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến trong giao tiếp xã hội và làm ngôn ngữ chính trong giáo dục tại quốc gia này.

Đây là một quyết định hết sức bất ngờ của chính quyền Singapore thời lập quốc và chắc chắn gặp không ít khó khăn khi đưa nó vào áp dụng trọng quản lý và điều hành đất nước.

"Bởi dù từng là thuộc địa của Anh, là quốc gia nằm trong khối Thịnh vượng chung, nhưng Singapore vốn là một thực thể chính trị nằm trong Liên bang Malaysia nên bị ảnh hưởng rất lớn bởi quốc gia này.

Đặc biệt cộng đồng người Mã Lai, nói tiếng Mã Lai lại là một trong những thành phần dân cư lớn của Singapore thời lập quốc", theo The New York Times ngày 2/12/1990.

Ông Lý Quang Diệu đã có tầm nhìn vượt thời gian giúp cho Singapore hóa rồng

Tuy nhiên, ông Lý Quang Diệu đã chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến, ngay từ ngôn ngữ sử dụng trong bộ máy công quyền đến ngôn ngữ chính trong hoạt động kinh doanh và thương mại, chứng tỏ ông muốn Singapore độc lập với Mã Lai.

Mặt khác, khi lập quốc thì có tới 75% dân số Singapore là người gốc Hoa, sử dụng tiếng Hoa để giao tiếp và làm ăn. Bởi vậy nếu Singapore chọn tiếng Hoa làm ngôn ngữ phổ biến cũng là một sự hợp lý, thuận tiện cho cả nhà nước và người dân.

Với những khó khăn thời lập quốc, nếu sử dụng tiếng Hoa, Singapore sẽ được chia sẻ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hay Trung Hoa Dân quốc. Đặc biệt là cộng đồng người Hoa khắp thế giới sẽ hướng về Singapore, giúp đỡ những người anh em.

Nghĩa là nếu chọn tiếng Hoa thì Singapore có nhiều thuận lợi, nhận được nhiều sự giúp đỡ của người Hoa trên thế giới. Nhưng ông Lý Quang Diệu lại chọn tiếng Anh, nên sự giúp đỡ của cộng đồng người Hoa đối với Singapore gần như không còn nữa.

Ông Lý Quang Diệu là người gốc Hoa nhưng lại lựa chọn tiếng Anh, điều đó cho thấy Singapore chọn độc lập hẳn với “mẫu quốc” Trung Hoa, đảm bảo tính độc lập cho thể chế chính trị tại đảo quốc nhỏ bé với diện tích chỉ vỏn vẹn hơn 719 km2.

Và không chỉ đảm bảo tính độc lập, việc lựa chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ phổ biến còn giúp cho Cộng hòa Singapore có thể "đi tắt đón đầu" một cách hiệu quả nhất trong việc khai thác giá trị của nền văn minh nhân loại vào việc phát triển đất nước.

Bởi ngoài việc là một ngôn ngữ chính được sử dụng tại LHQ, tiếng Anh còn là ngôn ngữ phổ biến trong lưu giữ và giao tiếp ở tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, kỹ thuật đến văn hóa, xã hội. Điều đó đã giúp cho Singapore hòa nhập rất nhanh với thế giới.

Thứ hai, biến lòng trung thành với Tổ quốc thành nền tảng cho mọi chuyển động chính trị-xã hội, xây dựng cơ chế công luận hóa dư luận, đảm bảo cho mọi người dân đều có thể góp phần xây dựng đất nước, tránh lãng phí nhân tài.

Singapore là quốc gia duy nhất trên thế giới mà tất cả Nghị sĩ Quốc hội được dân bầu phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc trước khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật nhà nước Cộng hòa Singapore.

Thủ tướng Lý Qaung Diệu đã biến lòng trung thành với Tổ quốc thành nền tảng cho mọi thành công của Singapore

Điều này đảm bảo cơ quan công quyền là cơ quan đại diện ý chí và quyền lực của nhân dân Singapore. Bởi trung thành với Tổ quốc không bị ràng buộc bởi đảng phái, phe cánh, không bị chi phối bởi những lợi ích nhỏ nhen hay những toan tính thấp hèn.

Việc thể hiện lời thề về lòng trung thành với Tổ quốc là một trong những yếu tố làm nên sức mạnh của chế độ chính trị tại Cộng hòa Singapore. Có thể xem đây là cội nguồn cho đoàn kết dân tộc và từ đó làm nên những kỳ tích của đảo quốc này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-singapore-la-noi-con-thuyen-loi-ich-muon-tha-neo-3359867/