Vì sao sẹo mổ đẻ người nhỏ như sợi chỉ, người lồi như ngón tay?

Một vết sẹo mổ đẻ có thể sẽ dài từ 10-15cm. Tuy nhiên, độ dài vết sẹo và sẹo lồi hay đẹp do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Khổ sở vì sẹo mổ

Chị Đào Việt Nga (34 tuổi, La Khê, Hà Đông) cho biết sinh chị sinh thường con đầu lòng, nhưng bé thứ hai phải mổ đẻ. Sau mổ, vết sẹo của chị Nga ngày càng lồi to ra như ngón tay út khiến chị vô cùng khó chịu. Đặc biệt là vào những ngày trở trời mưa nắng, thời tiết thay đổi thì sẹo gây ngứa muốn gãi không được, cắt không xong.

Chị Nga muốn đi cắt sẹo nhưng lại sợ do cơ địa sinh sẹo lồi nên vẫn chần chừa chưa dám quyết định. Cách đây 1 tháng, chị Nga còn thấy sẹo của mình đổi màu nên hơi lo lắng.

TS BS Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên bộ môn Sản, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết rất nhiều chị em phụ nữ sau mổ đẻ than phiền với bác sĩ vì sao sẹo mổ của em to thế, vì sao sẹo lại như ngón tay…

TS Trung cho biết bản chất của sẹo lồi là do sự tăng sinh quá mức, kể cả về số lượng lẫn trật tự của các mô sợi trong lớp bì. Sẹo lồi thường không gây cảm giác khó chịu ngoại trừ vấn đề thẩm mỹ.

Trường hợp gây sẹo lồi của chị Nga, bác sĩ Trung cho rằng có thể do một số sẹo lồi gây ngứa, hơi đau hoặc cảm giác căng cứng. Đó là khi những vết sẹo này chưa ổn định, tình trạng lồi của sẹo đang diễn tiến ngày càng nhiều hơn. Trường hợp này chị Nga có thể tiến hành tiêm thuốc chống sẹo quá phát.

Sẹo chủ yếu do cơ địa.

Sẹo chủ yếu do cơ địa.

Nguyên nhân gây sẹo

BS Trung cho biết nguyên nhân dẫn tới sẹo lồi khi mổ sinh chủ yếu là do cơ địa của người bệnh có gây sẹo lồi. Còn các nguyên nhân khác có thể gặp nữa đó là:

Thứ nhất - nhiễm khuẩn. Nhiễm khuẩn vết thương sẽ làm tăng khả năng để lại sẹo bất thường. Việc nhiễm khuẩn xảy ra có thể do chăm sóc vết khâu mổ sau sinh không đúng cách hoặc do nguyên tắc vô trùng trong phẫu thuật không được tuân thủ đúng.

Thứ hai - do bác sĩ. Vết sẹo của đường mổ ngang vùng bụng dưới thường lành tốt và ít để lại sẹo lồi hơn so với sẹo của đường mổ dọc thành bụng. Vùng da ở vết mổ dọc thành bụng hay bị căng hơn so với vùng da vết mổ ngang. Do đó để đảm bảo thẩm mỹ, khi sinh mổ, các bác sĩ thường chọn đường mổ ngang bụng dưới sẽ tốt hơn so với mổ dọc thành bụng. Kỹ thuật mổ của bác sĩ cũng vô cùng quan trọng.

Thứ ba - các dị vật rơi vào vết thương. Bụi, sợi và nang lông, tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi có thể gây ra phản ứng trên vết mổ sinh, dẫn đến vết mổ lành không tốt tạo sẹo xấu, sẹo lồi, sẹo phì đại.

BS Trung chuẩn bị thực hiện một ca mổ.

Thứ tư - không kiêng cữ sau sinh. Việc kiêng cữ sau sinh không đúng cách cũng là nguyên nhân hình thành sẹo lồi ở sản phụ. Một số thực phẩm kích thích sự tái tạo mô mới quá mức làm hình thành sẹo lồi như: thịt bò, rau muống, đồ nếp, hải sản…

Thứ năm - vệ sinh vết mổ: Vết mổ sinh thường được xếp vào nhóm vết mổ vô khuẩn nên không cần thiết vệ sinh và thay băng hằng ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp mổ sinh vì nhiễm trùng ối, chuyển dạ kéo dài, ối vỡ lâu… nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cao. Khi đó, việc thay băng và vệ sinh vết mổ mỗi khi băng vết mổ bị ướt bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn như Povidone sẽ giúp vết mổ không bị nhiễm trùng và đây cũng là cách hạn chế sẹo lồi sau sinh đầu tiên.

Cuối cùng là dinh dưỡng, TS Trung cho biết chưa có nghiên cứu khẳng định dinh dưỡng gây sẹo lồi nhưng theo dân gian vẫn kiêng một số thực phẩm có thể gây sẹo.

Sản phụ cần tuyệt đối không ăn các thức ăn có vị cay, nóng như tỏi, hành tây, ớt…, những thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, cá ngừ…vì nó cũng là nguyên nhân gây sẹo lồi. Không nên ăn quá nhiều trứng (lòng trắng) nhưng sản phụ không cần kiêng tới mức không được ăn trứng vì đây là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, lành tính cho mẹ mới sinh con.

Ăn nhiều rau muống sẽ làm tăng quá trình hình thành tế bào sợi gây sẹo lồi ở vết mổ. Vì vậy, thay vì ăn rau muống sản phụ có thể thay bằng các loại rau khác như rau ngót, rau diếp, các loại củ quả có tính mát khác…

K.Chi

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/phu-nu-dep/vi-sao-seo-mo-de-ke-min-nhu-soi-chi-nguoi-loi-nhu-ngon-tay-283083.html