Vì sao Saudi Arabia mở lại rạp chiếu phim?

Sau gần bốn thập kỷ, giờ đây người dân Saudi Arabia mới có thể thoải mái thưởng thức 'nghệ thuật thứ bảy' với những bộ phim siêu anh hùng như Black Panther của hãng Marvel.

Sau 35 năm đóng cửa, rạp chiếu phim đầu tiên ở Saudi Arabia được mở cửa lại vào ngày 18/4 tại thủ đô Riyadh, nhà chức trách cho biết vào ngày 4/4. Chính phủ quốc gia vùng Vịnh này đã hợp tác với Tập đoàn AMC Entertainment Holdings để mở 40 rạp chiếu phim trong 5 năm tới.

Saudi Arabia từng có các rạp chiếu phim vào thập niên 1970, nhưng các rạp này đã bị các giáo sỹ Hồi giáo quyền lực buộc phải đóng cửa. Năm 2017, Chính phủ Saudi Arabia tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh cấm các rạp chiếu phim hoạt động trong chiến lược cải tổ kinh tế và xã hội đầy tham vọng do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng.

Phụ nữ Saudi Arabia tại một buổi chiếu phim ngắn ở Riyadh, năm 2017. (Nguồn: AFP)

Cải cách từ trên

Kể từ thế kỷ XX, triều đại trị vì lâu đời Al Saud đã điều hành đất nước Saudi Arabia dựa trên hai nguồn lực chính: dầu mỏ và một hiệp ước không chính thức với các giáo sỹ Hồi giáo bảo thủ.

Thế nhưng, bước vào thế kỷ XXI, chính quyền quốc gia Hồi giáo này nhận ra rằng, để thích ứng kịp thời với những thay đổi nhanh chóng của thế giới, thì dầu mỏ không thể đủ để chi tiêu cho chính phủ và tạo ra công ăn việc làm cho giới trẻ. Hơn nữa, các giáo sỹ bảo thủ không còn nhiều ảnh hưởng tới các nhà lãnh đạo mới của gia đình hoàng gia như ngày trước.

Cũng giống như các quốc gia Trung Đông khác, phần lớn dân số Saudi Arabia đang ở độ tuổi rất trẻ, gần một nửa dân số dưới 30 tuổi. Đó cũng là lý do Vua Salman quyết định phong một trong những hoàng tử trẻ nhất của mình - Mohammed bin Salman - làm Thái tử và cử giữ chức Phó Thủ tướng thứ nhất ở tuổi 32. Tất nhiên, Thái tử Mohammed bin Salman biết rằng quyền lực lớn thì trách nhiệm lớn. Nhiệm vụ của ông là giám sát quá trình chuyển đổi của Saudi Arabia sang một nền kinh tế ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn, theo đó những người Saudi trẻ tuổi có lẽ sẽ không được hưởng cuộc sống sung túc như thế hệ trước. Họ sẽ phải tìm việc làm ở các công ty tư nhân, chứ không được đảm bảo công ăn việc làm trong khu vực công nữa. Ngoài ra, giá bất động sản tăng cao cũng là một mối lo ngại không nhỏ, trong khi y tế và giáo dục đang bắt đầu được tư nhân hóa.

Các nhà quan sát phương Tây cho rằng Saudi Arabia sẽ phải cắt giảm các khoản tài chính phát cho dân và điều này dễ dẫn đến sự phản ứng từ dân chúng. Thế nhưng, hướng đi của Thái tử Mohammed bin Salman lại khác. Ông khuyên giới trẻ: “Hãy làm việc nhiều hơn, không chỉ trích hệ thống, và sống vui vẻ hơn.”

Giống như người láng giềng Dubai, Thái tử Salman đang đẩy mạnh xã hội tự do hơn chứ không phải chính trị tự do hơn. Và rạp chiếu phim là một phần của mô hình đó.

Saudi Arabia đã chính thức ra mắt rạp chiếu phim thương mại đầu tiên. (Nguồn: Reuters)

Dỡ bỏ lệnh cấm điện ảnh là xác đáng

Nhờ sự phát triển của công nghệ, lệnh cấm điện ảnh gần như trở nên vô dụng. Một cuộc khảo sát năm 2014 cho thấy 2/3 số người Saudi sử dụng Internet xem ít nhất một bộ phim trên mạng hàng tuần. Không dừng lại ở đó, người Saudi có thể đáp các chuyến bay giá rẻ sang Bahrain hoặc Dubai chỉ để đến rạp xem các bộ phim mới nhất.

Hãng hàng không quốc gia Saudi Airways cũng tổ chức chiếu phim trên các chuyến bay của mình, tuy rằng các hình ảnh không thích hợp với đạo Hồi như cánh tay trần hay rượu vang thường hay bị che mờ. Thậm chí, các liên hoan phim vẫn được tổ chức bằng cách sử dụng các màn chiếu di dộng.

Một số người Saudi Arabia còn bắt đầu sản xuất các bộ phim độc lập. Trong số đó có bộ phim hài tình cảm đầu tiên của quốc gia này mang tên Bakarah Meets Bakarah, sản xuất năm 2016. Đặc biệt hơn, Wadjda - bộ phim đầu tiên của một nữ đạo diễn người Saudi - được trình chiếu tại các liên hoan phim quốc tế như Venice, Cannes… và được đề cử Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Giải Điện ảnh Hàn lâm Anh quốc BAFTA 2014.

Ước tính, năm 2017, người Saudi đã chi 30 tỷ USD cho ngành giải trí ở các quốc gia khác ở Trung Đông. Số tiền này gần bằng 5% tổng GDP của Saudi Arabia, cho thấy quốc gia này đang bỏ phí một nguồn thu lợi nhuận khổng lồ, giúp tạo ra không ít việc làm mới, trong tình thế Saudi Arabia đang tìm kiếm các lĩnh vực kinh tế mới để phát triển. Và ngành giải trí là một câu trả lời xác đáng.

Một trở ngại mà chính phủ Saudi vấp phải, đó chính là các giáo sỹ Hồi giáo bảo thủ, những người cho rằng phim phương Tây mang những quan điểm “phi đạo đức”. Thế nhưng, vai trò chính trị và xã hội của những giáo sỹ này đang dần thay đổi, đương nhiên họ vẫn còn giữ chức quyền quan trọng, nhưng ảnh hưởng của họ tới chính phủ đã không còn sâu sắc như trước nữa.

Kể từ khi thành lập đất nước, các giáo sỹ được xem là những người xây dựng ý kiến quan trọng, những người có thể giúp đảm bảo xã hội thống nhất hoặc sự tôn kính đối với các nhà lãnh đạo. Tuy vậy, ảnh hưởng xã hội của các giáo sỹ cũng có nghĩa là họ có thể dễ dàng xoay chuyển phần lớn công chúng. Chính quyền Saudi hiện nay cho rằng các giáo sỹ quyền lực có thể gây nguy hiểm về mặt chính trị - cho dù là truyền cảm hứng Hồi giáo cực đoan hay những yêu cầu thanh bình hơn về chia sẻ quyền lực chính trị. Chính vì thế, qua việc xây dựng một xã hội tự do hơn, chính phủ cũng cảm nhận được rằng họ sẽ có ít quyền lực và ảnh hưởng hơn trong quá khứ.

Như vậy, buổi chiếu phim đầu tiên sau 35 năm bị cấm đoán ở Riyadh cho thấy ngành giải trí có thể chỉ ra được những thay đổi chính trị, kinh tế và xã hội sâu sắc thế nào!

Quang Đào

(theo BBC)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/vi-sao-saudi-arabia-mo-lai-rap-chieu-phim-69869.html