Vì sao sao hạng A TVB thường chỉ đóng vai phụ khi rời Hong Kong?

Diễn viên hàng đầu TVB không được xem trọng ở Đại lục. Họ khó cạnh tranh sòng phẳng với đồng nghiệp địa phương dù có kinh nghiệm diễn xuất.

"Nếu không có TVB sẽ không có Hồ Hạnh Nhi, khán giả không xem TVB cũng sẽ chẳng có Hồ Hạnh Nhi. Cảm ơn mọi người đã công nhận quá trình trưởng thành của tôi", người đẹp Hong Kong xúc động chia sẻ.

Trong tập mới nhất của chương trình Diễn viên mời vào chỗ 2, cô vào vai cảnh sát Lạp Uẩn trong trích đoạn phim Ngộ sát. Nữ diễn viên nhận được vô số lời khen từ dàn giám khảo gạo cội. Trong đó có thẻ S, dành cho diễn viên có trình độ xuất sắc, từ nhà văn Quách Kính Minh.

Diễn xuất được khen ngợi của Hồ Hạnh Nhi.

Trang QQ gọi sao nữ TVB là "ngựa ô" của chương trình năm nay. Trước đó, cô từng bị chê cười vớt vát sự nghiệp đã qua thời vàng son bằng lựa chọn tham gia show truyền hình giải trí ở Đại lục. Diễn viên mời vào chỗ 2 đang là một trong những chương trình ăn khách nhất Trung Quốc.

Á hậu Hong Kong thoát mác "bình hoa di động"

"Chúng ta đã đánh giá thấp kỹ năng diễn xuất của Hồ Hạnh Nhi và tôi một người từng xem không biết bao nhiêu bộ phim cô ấy đóng cũng từng có suy nghĩ giống đại đa số khán giả", cây viết Bàng Hoằng Ba của tờ TMT Post cho biết.

Không chỉ Hồ Hạnh Nhi, tất cả diễn viên bước ra từ đài TVB thường không được đánh giá cao trên thị trường phim ảnh Đại lục. Trong mắt nhà sản xuất, những ngôi sao đến từ Hong Kong không có sức hút với lượng người hâm mộ ít ỏi.

Đạo diễn và nhiều khán giả Đại lục chưa bao giờ đánh giá cao diễn xuất của Hồ Hạnh Nhi.

Còn với khán giả, nhắc đến diễn viên "xuất ngoại" từ TVB, ấn tượng của họ là các nghệ sĩ luống tuổi đã qua thời hoàng kim và sang Đại lục kiếm tiền bằng danh tiếng xưa cũ còn sót lại của mình.

"Hồ Hạnh Nhi đã thay đổi tất cả. Những diễn viên Hong Kong bị coi thường đang dùng kỹ năng diễn xuất vốn trước nay không được đánh giá cao để đánh bại nhiều ngôi sao tại Đại lục", Bàng Hoằng Ba nhận xét.

Trong chương trình Diễn viên mời vào chỗ 2, sau khi xem xong trích đoạn Con thân yêu diễn bằng phương ngữ vùng An Huy của Hồ Hạnh Nhi, đạo diễn Trần Khải Ca đã quay sang hỏi Nhĩ Đông Thăng với vẻ mặt ngạc nhiên: "Cô ấy có phải người Hong Kong không? Có phải ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Quảng Đông?".

Cái gật đầu của nhà sản xuất họ Nhĩ khiến Trần Khải Ca chỉ dùng 2 chữ "xuất sắc" để thay nghìn lời tán thưởng hoa đán TVB. Năm 2014, lúc đóng chính bộ phim này, Triệu Vy bỏ cuộc chỉ sau một tháng khi phải diễn xuất bằng phương ngữ Sơn Đông. Cô phải thảo luận với đạo diễn Trần Khả Tân chuyển sang ngôn ngữ quê nhà An Huy.

Chính vì vậy, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, việc Hồ Hạnh Nhi thoại mượt mà, tự nhiên một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ được đánh giá rất cao. Diễn xuất của Hồ Hạnh Nhi cũng được khen ngợi khi không có gánh nặng hình ảnh, tiết tấu nhịp nhàng, cảnh khóc lột tả được nội tâm nhân vật.

Những phản ứng tích cực từ khán giả cho thấy Hồ Hạnh Nhi đã thành công trong việc thay đổi cách nhìn của nhà sản xuất và công chúng Đại lục.

Thế nhưng, câu chuyện cố hữu trước nay vẫn là nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Hong Kong, có sự nghiệp rực rỡ bị phân biệt khi đến Đại lục đóng phim.

Thị đế, Thị hậu TVB đóng vai phụ

Hồ Hạnh Nhi là minh chứng. Cô gia nhập giới giải trí sau khi đoạt ngôi vị Á hậu 2 Hoa hậu Hong Kong 1999. 16 năm gắn bó với TVB, sao nữ trở thành hoa đán hàng đầu. Năm 2015, Hồ Hạnh Nhi từ chối gia hạn hợp đồng với nhà đài, quyết định “Bắc tiến” tìm kiếm cơ hội phát triển mới.

Dù có kinh nghiệm dày dặn, từng được ghi nhận năng lực với giải Nữ diễn viên chính xuất sắc qua vai hoàng hậu đạo đức giả, độc ác trong Vạn phụng chi vương, sao nữ cũng chỉ được giao đóng vai thứ chính trên màn ảnh khi sang Đại lục. 5 năm qua, cô có duy nhất vai phụ Hồ Vịnh Mai - một người phụ nữ si tình, thủ đoạn trong Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn - lưu dấu ấn với công chúng.

Theo Sohu, hầu hết diễn viên TVB sang Đại lục phát triển gần như không thể cạnh tranh sòng phẳng với diễn viên bản địa. Họ chỉ có thể đóng vai phụ.

"Đóng vai phụ là một bước lùi của nghệ sĩ Hong Kong. Việc này chẳng khác nào quay trở lại thời còn làm quần chúng tại TVB", On bình luận.

Hồ Hạnh Nhi lên ngôi Thị hậu TVB năm 2011.

Bằng chứng là Thái Thiếu Phân từng đóng vai hoàng hậu độc ác, mưu mô trong Chân Hoàn truyện, Đặng Tụy Văn vào vai hoàng hậu ghen tuông, đố kỵ trong bản phim Tân Hoàn Châu cách cách và mới nhất là Tuyên Huyên với vai Mã Phức Phương - người đàn bà nham hiểm, thủ đoạn đã gây ra hàng loạt sóng gió cho nhà họ Bạch trong Sóng gió Bạch gia.

Nổi tiếng nhất trong dàn Thị hậu đóng vai phụ phải kể đến Xa Thi Mạn, sang Đại lục hoạt động từ năm 2016, nhưng 2 năm sau cô mới thành công gây tiếng vang.

Nhờ vai diễn thứ chính Nhàn phi trong Diên Hi công lược, tên tuổi người đẹp được biết đến rộng rãi. Sau ngày rời nhà đài Hong Kong, cô chấp nhận đóng vai phụ để tiếp cận khán giả.

“20 năm ở TVB của Xa Thi Mạn chỉ đáng để làm nền cho một tên tuổi kém tiếng, non nớt về diễn xuất Ngô Cẩn Ngôn”, một khán giả bình luận chua chát trên Sina, nhưng là hiện thực phải đối mặt của nghệ sĩ Hong Kong khi sang Đại lục hoạt động.

Tuy nhiên, nếu như Xa Thi Mạn, Thái Thiếu Phân may mắn gặp được bộ phim truyền hình ăn khách, không ít “Bắc đẩu bội tinh TVB” bị xem như những ngôi sao vô danh trên thị trường. La Gia Anh, Lê Diệu Tường vốn là hai Thị đế nổi tiếng hàng đầu Hong Kong, đặt chân đến Đại lục cũng đành trở về “kiếp ve sầu” đóng vai phụ cho dàn diễn viên trẻ.

Không được đánh giá cao vì thiếu đào tạo bài bản

QQ cho biết định kiến của giới làm phim và khán giả đối với nghệ sĩ TVB đều xuất phát từ quy trình đào tạo của nhà đài. Thực tế, một nửa giới giải trí Hong Kong đều bước ra từ các cuộc thi tuyển chọn nhan sắc, lớp đào tạo diễn xuất ngắn hạn 6 tháng của TVB.

“Thời gian đào tạo chỉ nửa năm, 3 tháng học lý thuyết, 3 tháng cuối thực tập. Trong khi đó, phần lớn nghệ sĩ Đại lục muốn đóng phim đều học hành bài bản nhiều năm, tốt nghiệp từ những trường danh tiếng. Rào cản đầu vào thấp cùng hệ thống giảng dạy nghiệp dư của TVB khiến các ngôi sao của đài không được đánh giá cao. Nói thẳng ở đây chúng tôi coi trọng ‘bằng cấp’ hơn kinh nghiệm”, nhà sản xuất Vương Tiểu Súy nói.

Xa Thi Mạn từng bị chế giễu thoại yếu ớt, khóc như “tiếng gà kêu” trong lần đầu diễn xuất trong Tuyết sơn phi hồ hay Hồ Hạnh Nhi bị mỉa mai vì khóc quá xấu trong Trên cả tình yêu. Lịch sử đen này để lại ấn tượng xấu trong lòng nhiều khán giả.

Bên cạnh đó, việc các bộ phim truyền hình của TVB có đề tài rập khuôn mang tính gia đình, vấn đề xã hội đơn giản cùng những âm mưu phù phiếm được làm đi làm lại hơn chục năm trên màn ảnh cũng vô hình khiến nghệ sĩ của đài bị đánh giá “không có kỹ năng diễn xuất cao cấp”.

Xa Thi Mạn có cú hit về mặt danh tiếng ở Đại lục sau thành công của Diên Hi công lược.

Ngoài ra, yếu tố khách quan đến từ phim truyền hình TVB đã dần suy yếu ảnh hưởng tại Đại lục và việc sao Hong Kong không biết tiếng Quan Thoại cũng là một trong những viên gạch ngáng đường nhiều nghệ sĩ.

"Tôi có thể là hạng A, nhưng những kịch bản phim truyền hình hay chưa chắc đã rơi vào tay tôi, vì sự cạnh tranh ở đây lớn đến mức tôi có thể cảm nhận được sức nóng khi dự án vừa rục rịch trên giấy. Diễn xuất của tôi có thể được khẳng định, nhưng ngay cả khi đóng vai chính tôi chắc chắn mình cũng không thể giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc ở đây. Hơn nữa tôi cũng không biết nói tiếng Quan Thoại", Xa Thi Mạn thừa nhận khó có thể lặp lại thành công trên đất Đại lục.

"Tôi là nữ diễn viên hàng đầu ở Hong Kong, không có nghĩa là cũng sẽ hàng đầu ở Đại lục. Quan niệm của tôi là không có vai nhỏ chỉ có diễn viên có tư duy hạn hẹp”, Hồ Hạnh Nhi chia sẻ với Bắc Kinh nhật báo về khoảng thời dài đóng vai phụ trên màn ảnh.

Di Hy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-sao-hang-a-tvb-thuong-chi-dong-vai-phu-khi-roi-hong-kong-post1147774.html