Vì sao sản xuất nông sản theo chuẩn GAP khó tiêu thụ?

Trong khi người tiêu dùng vẫn đang kêu than về vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan và khó nhận biết thì tại các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) lại không được đón nhận.

Mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ tưới nhỏ giọt Israel tại Cần Thơ Farm.

Câu chuyện đầu ra và giá cả luôn là bài toán khó giải khiến người trồng rau bao năm chạy theo các tiêu chuẩn phải lắc đầu ngao ngán và con đường duy nhất để tự cứu lấy mình là trở về canh tác theo phương thức cũ.

Gian nan chuẩn VietGAP

Sản xuất rau theo chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu để nâng cao chất lượng nông sản, đây cũng là “giấy thông hành” để đưa nông sản vào thị trường khó tính trên thế giới. Tuy nhiên, giấc mơ thoát khỏi cảnh được mùa mất giá hay bị thương lái chèn ép khi nông sản được công nhận chuẩn GAP đã nhanh chóng tan biến. Hơn 10 năm qua, những sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn chịu cảnh bán “trôi nổi”, giá thấp, thậm chí bị người tiêu dùng quay lưng.

Được công nhận Hợp tác xã (HTX) đủ điều kiện sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP từ năm 2009 nhưng hiện nay, HTX Rau an toàn Long Tuyền (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) vẫn loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Công Đỉnh, Giám đốc HTX Rau an toàn Long Tuyền cho biết: “HTX có 18 thành viên, sản xuất trên diện tích 9,8ha, chủ yếu là các mặt hàng rau ăn lá như: Cải xanh, cải ngọt, rau dền và các loại bầu, bí, mướp, dưa leo... Sản lượng rau an toàn mỗi ngày của HTX đạt 2-3 tấn nhưng tôi chỉ bán được cho các cửa hàng rau sạch khoảng 70kg. Số còn lại dù được trồng theo tiêu chuẩn an toàn cũng chỉ bán ra chợ như các loại rau thông thường. Siêu thị yêu cầu chứng nhận an toàn, đa dạng chủng loại nhưng số lượng mỗi đơn hàng rất ít, thời gian thanh toán tiền chậm khiến giá thành sản xuất, sơ chế và cả chi phí vận chuyển đều cao nên xã viên không đồng tình”.

Thực tế, sản xuất rau theo VietGAP thì người nông dân phải ghi chép nhật ký, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, như: Ngày giờ bón phân, phun thuốc… Hầu hết thuốc sử dụng đều là chế phẩm vi sinh. Chính vì thế, chi phí 1kg rau VietGAP cao hơn rau bình thường 500-1.000 đồng/kg, mẫu mã lại không đẹp mắt nên ít được người tiêu dùng lựa chọn.

Ngoài giá cả, chưa có sự khác biệt trong cách bao tiêu và mất niềm tin trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp cũng là nguyên nhân khiến nông dân sản xuất theo chuẩn an toàn từ bỏ GAP. Hầu hết họ đều phải “tự sản, tự tiêu” nên giá trị nông sản và thu nhập không cao. Doanh nghiêp chưa mặn mà dẫn dắt nông dân làm theo kế hoạch hay đơn hàng của họ. Ông Ngô Tấn Phong, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Đại Thắng (xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) cho biết: “Năm 2015, 18 thành viên HTX đăng ký tham gia nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP. Mấy chục tiêu chí để đạt được VietGAP đều được các thành viên của HTX thực hiện đầy đủ. Mỗi thành viên đầu tư hơn 8 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 180 triệu đồng cho HTX thực hiện VietGAP. Ban đầu, xã viên phấn khởi lắm. Nhưng cật lực mấy năm trời mới được chứng nhận, giá bán cá VietGAP bằng với cá thường do doanh nghiệp không bao tiêu, vì vậy xã viên cũng nản lòng”.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Hậu Giang cho biết: “Sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGAP là không khó về kỹ thuật. Tuy nhiên, giữa người trồng, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng chưa “gặp nhau” nên để nhân rộng mô hình, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân rất gian nan”.

Xây dựng lòng tin, chủ động liên kết

Để giải quyết đầu ra cho nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu, các điểm bán, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực xúc tiến tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản được sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm tại địa phương. Theo đó, tỉnh đã trực tiếp đứng ra làm cầu nối giúp nông dân đưa nông sản vào trong bếp ăn tập thể của các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang thông tin: “Chúng tôi tin tưởng, với cách làm này sẽ giúp bà con giải quyết được một lượng nông sản lớn. Minh chứng cụ thể là tại Công ty TNHH Lạc Tỷ II, trung bình mỗi ngày bếp ăn của đơn vị phục vụ 7.800 suất ăn cho cán bộ, công nhân làm việc tại đây. Chỉ tính riêng mặt hàng rau xanh, bình quân mỗi tuần đơn vị sử dụng khoảng 3.000kg”.

Tại TP Cần Thơ, để người tiêu dùng an tâm lựa chọn nông sản chuẩn VietGAP, anh Nguyễn Văn Phong, chủ trang trại Cần Thơ Farm (phường Long Hòa, quận Bình Thủy) cùng cộng sự đã mạnh dạn xây dựng nông trại ứng dụng công nghệ cao. Tất cả sản phẩm của Cần Thơ Farm đều có mã QR truy xuất nguồn gốc. Anh Phong nói. “Cách quảng bá tốt nhất chính là để khách hàng tự nhìn thấy và cảm nhận. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ kết hợp thuyết trình về quy trình sản xuất. Đồng thời tổ chức cho khách hàng tham quan và trải nghiệm thực tế về quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó thúc đẩy quá trình tiêu thụ sản phẩm hướng đến phát triển bền vững”.

THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/vi-sao-san-xuat-nong-san-theo-chuan-gap-kho-tieu-thu-517069