Vì sao Samsung không trang bị chip cao cấp cho điện thoại tầm trung?

Dù được định hình ở phân khúc tầm trung nhưng iPhone SE 2022, Google Pixel 6A vẫn được trang bị bộ vi xử lý cao cấp. Tại sao Samsung lại không làm như vậy?

Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2016 khi Apple lần đầu tiên giới thiệu iPhone SE. Phiên bản này được thiết kế nhắm vào đối tượng người dùng ở phân khúc tầm trung, mới chuyển sang sử dụng iPhone và yêu thích sự nhỏ gọn.

Máy có khả năng chụp ảnh và quay video xuất sắc, tốt hơn bất kì chiếc flagship Android nào vào thời điểm đó. Đặc biệt, iPhone SE được trang bị bộ vi xử lý A9 (chipset cao cấp nhất của Apple vào năm 2016), đưa hiệu suất của điện thoại lên một tầm cao mới.

Thiết kế cổ điển của iPhone SE có thể khiến nhiều người cảm thấy không hấp dẫn, tuy nhiên, Apple vẫn là công ty duy nhất dám đánh đổi ngoại hình và các tính năng hiện đại cho một bộ vi xử lý hàng đầu, so với các mẫu điện thoại tầm trung.

iPhone SE 2016 vẫn có thể hoạt động tốt ở thời điểm hiện tại. Ảnh: TIỂU MINH

iPhone SE 2016 vẫn có thể hoạt động tốt ở thời điểm hiện tại. Ảnh: TIỂU MINH

Theo thống kê của Canalys, iPhone SE 2020 và iPhone 11 là 2 mẫu điện thoại bán chạy nhất thế giới. Hầu hết những người mua iPhone SE 2020 đều nâng cấp từ các mẫu iPhone cũ, đơn cử như iPhone 6, iPhone 7… và chuyển từ Android sang iOS.

Mới đây, Google đã ra mắt Pixel 6A, mẫu điện thoại Android tầm trung nhưng được trang bị bộ vi xử lý cao cấp cùng mức giá dễ tiếp cận. Điều này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao Samsung, một ông lớn trên thị trường smartphone lại chỉ trang bị chip tầm trung cho các dòng smartphone tầm trung?

Ở thời điểm hiện tại, iPhone SE 2016 vẫn có thể hoạt động tốt với các tác vụ cơ bản dù đã có tuổi đời khoảng 6 năm. Điều này cũng không có gì khó hiểu khi Apple rất biết cách tối ưu điện thoại cũ, và cải thiện phần mềm thông qua các bản cập nhật liên tục.

Trong khi đó, các mẫu smartphone Android có cùng mức giá hoặc được ra mắt vào năm 2016 gần như đã không thể sử dụng ở thời điểm tại hiện tại vì hiệu suất quá chậm, không được hỗ trợ cập nhật bảo mật.

Tóm lại, giá cả, thời gian hỗ trợ cập nhật (5-6 năm) và bộ vi xử lý cao cấp là những thứ khiến iPhone SE nổi bật hơn các mẫu smartphone Android tầm trung.

Việc Google đưa chip Tensor cao cấp xuống điện thoại tầm trung (Pixel 6A) là một bước tiến lớn. Mặc dù hiệu suất không bằng Apple A15 Bionic, nhưng Tensor vẫn nhanh hơn và thông minh hơn so với hầu hết chipset được trang bị trên các mẫu điện thoại tầm trung khác.

Trước đó không lâu, Samsung đã trình làng mẫu điện thoại tầm trung Galaxy A53 (5G) với bộ vi xử lý Exynos 1280, RAM 8 GB, bộ nhớ trong 128 GB. Tuy nhiên, có khá nhiều thành viên trên Reddit và Twitter phàn nàn về việc điện thoại rất chậm và đơ.

Galaxy A53 (5G) có vẻ là chiếc điện thoại có giá trị tốt nhất, nhưng chipset Exynos 1280 được cho là kém hơn so với Snapdragon 778G (được trang bị trên A52s vào năm ngoái), và chắc chắn chậm hơn nhiều năm so với chipset cao cấp được sử dụng trên iPhone SE và Pixel 6A.

Điện thoại tầm trung của Samsung tụt hậu so với đối thủ

Theo Geekbench 5 và AnTuTu 9, Exynos 1280 của Galaxy A53 có hiệu suất CPU kém hơn 135% và GPU kém gần 100% khi so sánh với chip A15 Bionic trên iPhone SE (2022).

Tuy nhiên, kẻ thách thức thật sự của Samsung trong thế giới Android chính là Pixel 6A. Bộ vi xử lý Tensor có hiệu suất CPU cao hơn 50% và GPU cao hơn 75% so với Exynos 1280.

Nhiều người sẽ cho rằng điểm số chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, có khá nhiều thành viên trên diễn đàn Reddit phàn nàn về việc chiếc Galaxy A53 thường xuyên bị chậm và đơ khi chuyển đổi giao diện, mở camera, chụp ảnh…

Samsung Galaxy A53 (5G) hiện đang được bán với giá 8,79 triệu đồng. Ảnh: Internet

Có lẽ không ai muốn sử dụng một chiếc điện thoại thường xuyên bị chậm và đơ, dù có cùng mức giá như iPhone SE 2022 và Pixel 6A.

Bộ vi xử lý nhanh hơn cũng có thể giúp bạn chụp ảnh và quay video tốt hơn. Bên cạnh đó, thuật toán phần mềm cũng là một trong những lí do giúp Google Pixel 6A nổi trội hơn khi so sánh với các thiết bị tầm trung của Samsung, OnePlus, Xiaomi…

Một ví dụ khác về cách bộ xử lý ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh là khả năng quay video của iPhone SE (2022). A15 Bionic giúp iPhone quay video tốt hơn bất kì điện thoại Android nào trên thị trường (đặc biệt là trong điều kiện ánh sáng tốt), bất kể giá cả.

Có lẽ đã đến lúc Samsung nên đầu tư nhiều hơn vào phân khúc smartphone tầm trung, chú trọng đến việc nâng cao hiệu suất, đi kèm với khả năng hỗ trợ cập nhật phần mềm mà hãng đang làm rất tốt.

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-samsung-khong-trang-bi-chip-cao-cap-cho-dien-thoai-tam-trung-post683387.html