Vì sao S-300V4 Nga bất động khi tên lửa Ukraine tấn công Belgorod?

Kể từ khi bắt đầu chiến sự, đã ghi nhận ít nhất 2 lần tên lửa Ukraine tấn công vùng Belgorod nằm sát biên giới, nhưng tổ hợp S-300V4 đều không đưa ra được phản ứng nào.

Toàn bộ các hệ thống phòng không lục quân tối tân nhất đều đã được Nga huy động tham gia chiến dịch quân sự trên đất Ukraine, trong đó bao gồm từ Tunguska-M1 tầm ngắn, Buk-M3 tầm trung cho tới tổ hợp S-300V4 tầm xa hiện đại.

Toàn bộ các hệ thống phòng không lục quân tối tân nhất đều đã được Nga huy động tham gia chiến dịch quân sự trên đất Ukraine, trong đó bao gồm từ Tunguska-M1 tầm ngắn, Buk-M3 tầm trung cho tới tổ hợp S-300V4 tầm xa hiện đại.

Theo phân công, những tổ hợp Tunguska-M1 và Buk-M3 sẽ đi theo bảo vệ đội hình tiến quân của các đơn vị cơ giới, trong khi đó S-300V4 trấn giữ biên giới nhằm phòng thủ từ xa trước không quân và tên lửa Ukraine.

Tuy vậy, thực tế Quân đội Ukraine đã thực hiện ít nhất 3 vụ tấn công vào căn cứ quân sự của Nga tại vùng Belgorod và không phải hứng chịu bất cứ hành động phản kháng nào từ phòng không Nga.

Ngoại trừ vụ tập kích bằng trực thăng Mi-24 nằm ngoài phạm vi đánh chặn của tổ hợp phòng không S-300V4 vì vũ khí này tối ưu hóa cho việc tiêu diệt tên lửa đạn đạo, nhưng 2 vụ tấn công khác vào sân bay quân sự và địa điểm trú quân bằng tên lửa Tochka-U để lại rất nhiều câu hỏi.

Tochka-U là tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ cũ, nó không có khả năng thực hiện đường bay phức tạp nhằm đánh lừa phòng không đối phương mà quỹ đạo chỉ như một viên đạn pháo cỡ lớn, đáng lẽ phải bị S-300V4 bắn hạ một cách dễ dàng.

Nhưng thực tế tên lửa Ukraine đã gây thiệt hại đáng kể, khi nó bắn trúng khu vực đỗ máy bay Nga làm "cháy rụi" một chiếc Su-30SM, trong khi vụ tập kích vào địa điểm trú quân cũng được cho là gây tổn thất nặng về nhân sự.

Việc tổ hợp phòng không S-300V4 bố trí sát biên giới nhưng lại không đưa ra được phản ứng thích hợp khiến cho giới chuyên gia quân sự đi tới nhận định rằng, tính năng kỹ chiến thuật của vũ khí này không được như Nga quảng cáo.

Trong nhiều cuộc diễn tập, các tổ hợp phòng không S-400 hay S-300V4 đều đánh chặn bia bay hành trình mô phỏng tên lửa đạn đạo chứ chưa từng phá hủy một quả đạn loại này đúng nghĩa, đây được cho là nguyên nhân chính dẫn tới màn thể hiện chưa được như mong muốn trên chiến trường.

Theo giới thiệu của Nga, hệ thống phòng không S-400V4 có thể tấn công đa dạng các loại mục tiêu, bao gồm cả đối tượng cấp chiến thuật - chiến lược, và cả đầu đạn tên lửa dạng tàu lượn siêu vượt âm loại tối tân nhất hiện nay.

Tên lửa đánh chặn mới dành cho S-300V4 có tốc độ siêu thanh và đủ khả năng bắn trúng tất cả các loại vũ khí tấn công đường không hiện có cũng như sẽ xuất hiện trong tương lai, ở tầm bắn lên đến 400 km.

S-300V4 nâng cấp với tên lửa phòng không thế hệ mới được nhận xét đã tiệm cận S-500 Prometheus, đây là điều không gây ngạc nhiên bởi công nghệ của S-500 được cho là sự nâng cấp sâu từ chính Antey-4000.

Thậm chí trong tương lai, không loại trừ khả năng S-300V4 sẽ bắn được cả tên lửa đánh chặn dòng 77N6 của S-500, đặc biệt khi đạn 9M82M của nó có rất nhiều điểm tương đồng, chỉ cần trang bị radar mới là sẽ tận dụng hết tầm bắn tối đa.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300V4 được tạo ra cho Lực lượng mặt đất. Tổ hợp được trang bị 3 loại tên lửa đánh chặn. Khi chiến đấu với các mục tiêu đạn đạo, nó có khả năng bắn trúng 16 tên lửa bay ở tốc độ lên tới 4.500 m/s.

Hiện tại, đây là hệ thống phòng thủ duy nhất trên thế giới có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo có tầm phóng lên tới 2.500 km một cách hiệu quả. Đây là phiên bản thứ tư trong quá trình hiện đại hóa hệ thống phòng không lục quân S-300V.

Ngoài phục vụ nhu cầu của nội địa, S-300V4 còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều khách hàng khắp thế giới, nó được nhận xét sẽ là sự bổ sung đáng giá cho S-400 Triumf hay S-300 Favorit, nhưng với thực tế diễn ra, tiềm năng xuất khẩu của nó đang bị đặt dấu hỏi rất lớn

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-s-300v4-nga-bat-dong-khi-ten-lua-ukraine-tan-cong-belgorod-post500462.antd