Vì sao rừng Bắc Trà My liên tục bị tàn phá?

Hàng loạt cây gỗ rừng tự nhiên, quý hiếm tại nhiều khu vực rừng tự nhiên huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam liên tục bị tàn phá. Nhiều vụ việc còn diễn ra công khai, gần các khu vực có người qua lại, ngay sát bờ sông.

Dấu hiệu tại các vụ phá rừng cho thấy vụ việc diễn ra trong thời gian dài thế nhưng chỉ khi báo chí phanh phui thì cơ quan chức năng mới “hay biết”. Phải chăng cơ quan chức năng yếu kém hay quản lý lỏng lẻo, có những dấu hiệu bất thường, tiếp tay?

Điểm "nóng" phá rừng

Đầu tháng 3, chúng tôi có mặt hiện trường vụ phá rừng phòng hộ lưu vực thủy điện Nước Oa, tại các khoảnh 4,5, tiểu khu 809; khoảnh 1,2 tiểu khu 810 (thôn 2, xã Trà Giác) và khoảnh 8, tiểu khu 756 (thôn 3, xã Trà Tân).

Ngay từ khu vực Trạm bảo vệ, xử lý nước đầu nguồn Nhà máy Thủy điện Nước Oa, chúng tôi đã có thể nhìn thấy hiện trường vụ phá rừng ngay tại bờ sông, chỉ cách Trạm này chưa đầy 70m. Tại đây, cây gỗ rừng đã bị chặt hạ, xẻ phách, đưa ra khỏi rừng. Chỉ còn các nhánh cây, cành, vỏ, vụn cây nằm la liệt khắp các mỏm đá bờ sông. Những vụn cây còn rất tươi, nhựa còn chảy cho thấy cây chỉ vừa chặt hạ cách đây không lâu.

Lần sâu vào khu vực rừng già, hiện trường vụ phá rừng kinh hoàng dần dần hiện ra. Nhiều cây gỗ xoan đào, chò, chuồng,… đã bị chặt hạ. Một số gỗ đã bị “xẻ thịt” mang đi, một số còn để lại tại hiện trường. Các dấu vết mới có, cũ có, chứng tỏ việc tàn phá rừng ở khu vực này đã diễn ra trong thời gian dài. Trong khu rừng, các dấu vết trâu kéo gỗ tạo thành đường mòn cũng chạy ngang dọc khắp khu rừng.

Không chỉ vậy, chúng tôi còn phát hiện có một số đối tượng ngang nhiên dùng cưa máy “xẻ thịt” gỗ rừng. Tiếng cưa máy inh ỏi cả cánh rừng già, những cây gỗ hàng chục năm tuổi lần lượt bị cưa đổ. Các đối tượng ngang nhiên hoạt động, bất chấp vi phạm pháp luật, sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Nhiều cây rừng tại khu vực rừng phòng hộ lưu vực thủy điện Nước Oa bị tàn phá.

Nhiều cây rừng tại khu vực rừng phòng hộ lưu vực thủy điện Nước Oa bị tàn phá.

Người dân địa phương cho biết, khu rừng này trước đây có rất nhiều loại gỗ quý nhưng giờ đây những cây gỗ này đã bị triệt hạ gần hết. Nay các đối tượng tiếp tục chuyển qua đốn hạ những cây có chất lượng gỗ thấp hơn như chua, chuồn, chò... Thường vận chuyển vào ban đêm.

Qua kiểm tra của lực lượng chức năng, kết quả kiểm tra phát hiện 16 cây gỗ bị chặt hạ trái pháp luật. Trong đó 13 cây Xoan đào (nhóm VI); 1 cây Chò (nhóm VI); 1 cây Chuồn (nhóm III); 1 cây Gõ (nhóm IIA). Tổng khối lượng gỗ tròn bị thiệt hại hơn 41m³, trong đó số lượng gỗ còn lại hiện trường: gỗ tròn 25,967m³, gỗ xẻ 0,07m³.

Khu vực này thuộc rừng tự nhiên quy hoạch chức năng rừng phòng hộ thuộc lâm phận Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My đang thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng (lưu vực thủy điện Nước Oa).

Không chỉ vụ phá rừng này, trước đó, năm 2019, nhiều vụ phá rừng cũng liên tục bị phanh phui trên địa bàn huyện Bắc Trà My. Tháng 11-2019, một vụ khai thác rừng trái pháp luật xảy ra tại khoảnh 6, tiểu khu 815, thôn 1, xã Trà Giác, bị phát hiện. Đây cũng là khu vực do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Bắc Trà My quản lý.

Lâm sản thiệt hại gồm 8 cây gỗ có đường kính gốc từ 45cm đến 65cm, chủng loại Cà ổi, Chuồn, Mít nài nhóm III, VI; khối lượng gỗ thiệt hại là 15,495m³. Toàn bộ gỗ thiệt hại trên đã bị cắt thành đoạn, cưa, xẻ, một số đã bị vận chuyển khỏi hiện trường, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là 11,180m³ gỗ tròn.

Trong tháng 8-2019, đã phát hiện đến 2 vụ phá rừng. Đầu tháng, phát hiện 18 cây gỗ rừng tự nhiên thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 781 (thôn 1, xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My) bị chặt hạ. Đến cuối tháng 8, tiếp tục phát hiện 10 cây gỗ lớn trong rừng tự nhiên xã Trà Nú (huyện Bắc Trà My) bị “xẻ thịt”, số gỗ còn nằm lại hiện trường còn 13 khúc gỗ tròn, khối lượng gần 9 m³; 46 tấm gỗ xẻ, khối lượng hơn 2m³.

Tháng 3-2019, khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà Mỹ) bị lâm tặc tàn phá nghiêm trọng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định khu vực rừng bị đốn hạ thuộc khoảnh 6, khoảng 7, tiểu khu 752, xã Trà Bui. Tại đây có 20 cây gỗ bị đốn hạ, trong đó có 2 cây chò, 18 cây gỗ chuồn. Tổng khối lượng gỗ bị tàn phá 18.86 m³, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là 13.8m³.

Hiện trường vụ phá rừng Trà Nú.

Yếu kém trong công tác quản lý?

Theo ông Thái Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, nguyên nhân xảy ra tình trạng nêu trên là do Ban Quản lý rừng phòng hộ, cấp ủy, chính quyền xã thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; yếu kém trong công tác quản lý.

Ông Vũ cho biết, nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, UBND huyện yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian qua. Rà soát cán bộ, viên chức, nhân viên trong cơ quan được phân công phụ trách tại các địa phương để điều chỉnh phụ trách địa bàn cho phù hợp; đảm bảo công tác kiểm tra không để xảy ra tình trạng phá rừng.

Kiểm tra, rà soát xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ bị xâm hại để xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra, truy quét, chốt giữ kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Dụng cụ kéo gỗ lâm tặc bỏ lại tại hiện trường.

Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ theo thẩm quyền; thường xuyên theo dõi, kiểm tra định kỳ và đột xuất về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản vi phạm các quy định.

UBND các xã, thị trấn tiếp tục tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn theo đúng quy định. Tổ chức họp với các hộ, cộng đồng được giao khoán bảo vệ rừng yêu cầu cam kết thực hiện đúng chức trách trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục về lâm nghiệp cho nhân dân; vận động nhân dân không tham gia, hỗ trợ, tiếp tay, bao che cho các đối tượng phá rừng. Khi phát hiện có dấu hiệu phá rừng báo ngay cho cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

Còn theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam, qua các vụ vi phạm xảy ra trên địa bàn huyện Bắc Trà My gần đây cho thấy còn nhiều bất cập quản lý bảo vệ rừng.

Khu vực bị khai thác gỗ trái phép thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My triển khai chi trả dịch vụ môi trường rừng và đang triển khai lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, nhưng việc tổ chức theo hướng người ở xã nào thì giám sát tài nguyên rừng ở xã đó.

Khu vực rừng khai thác gỗ trái pháp luật là rừng phòng hộ lưu vực thủy điện Nước Oa, việc khai thác gỗ trái pháp luật gần Trạm bảo vệ, xử lý nước đầu nguồn Nhà máy Thủy điện Nước Oa, thậm chí có tập kết gỗ khai thác trái pháp luật và vị trí gốc chặt cách Trạm bảo vệ, xử lý nước đầu nguồn khoảng 70m. Tuy nhiên công tác phối hợp cung cấp thông tin của Trạm cho Ban Quản lý và cơ quan chức năng chưa kịp thời để sớm ngăn chặn.

Các con đường trâu kéo gỗ ngang dọc trong rừng.

Hạt Kiểm lâm Bắc Trà My cũng chưa triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ rừng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm. Chậm phát hiện, ngăn chặn và để kéo dài tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm yêu cầu Hạt kiểm lâm Bắc Trà My phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My tăng cường kiểm tra, chốt chặn các tuyến đường mòn vào rừng và phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn huyện tổ chức điều tra, xác minh để sớm khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.

Hà Vy

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/vi-sao-rung-bac-tra-my-lien-tuc-bi-tan-pha-585528/