Vì sao Rạng Đông không phải di dời trước năm 2020?

Chuyên gia đề nghị Hà Nội công khai các tiêu chí di dời các cơ sở gây ô nhiễm để người dân nắm rõ và giám sát.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về lộ trình di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành, cho đến nay, việc di dời các cơ sở này còn chậm do doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch...

Sau khi xem xét, hiện danh mục cơ sở sản xuất công nghiệp được đề xuất di dời do không phù hợp quy hoạch được rút gọn xuống còn 90 cơ sở.

Trước đó, báo cáo của UBND TP Hà Nội về lộ trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường gửi Bộ Xây dựng hồi tháng 6/2019 cho biết, theo kế hoạch vạch ra năm 2016, đến năm 2020 sẽ có 117 cơ sở sản xuất phải di dời khỏi địa bàn 12 quận.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 113 cơ sở chưa thể di dời. Trong danh sách nhà máy thuộc nhóm gây ô nhiễm môi trường của UBND TP Hà Nội có Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu đường (Trần Quý Cáp), Công ty Thuốc lá Thăng Long (Nguyễn Trãi)....

Riêng Công ty Rạng Đông - nơi vừa xảy ra vụ cháy gây thiệt hại và ô nhiễm môi trường mới đây không nằm trong nhóm này.

Trao đổi với Đất Việt về lý do Công ty Rạng Đông không nằm trong danh sách phải di dời trước năm 2020, một số ý kiến đều cho rằng, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi nội thành đều phải dựa trên các tiêu chí do UBND TP xác định và được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Vấn đề là cần phải công khai các tiêu chí này để người dân nắm rõ và giám sát.

Theo PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ lại có Quyết định 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 về việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Sau đó UBND TP Hà Nội đã chủ động hướng dẫn di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị.

Nhà máy của Công ty Rạng Đông lại không nằm trong danh sách phải di dời trước 2020.

Nhà máy của Công ty Rạng Đông lại không nằm trong danh sách phải di dời trước 2020.

"Về nguyên tắc, các cơ sở gây ô nhiễm đều phải di dời khỏi nội thành bởi từ Trung ương đến địa phương đều thống nhất một nguyên tắc, mục tiêu phát triển của Việt Nam là phát triển bền vững, không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, vì sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân.

Hà Nội có thể cân nhắc cơ sở nào di dời trước, cơ sở nào di dời sau tùy theo mức độ ô nhiễm, dựa trên các tiêu chí đã có. Hơn nữa, việc di dời phải được chuẩn bị các điều kiện về đất đai, cơ sở vật chất... Tuy nhiên, dù thế nào cũng không thể chần chừ được nữa", PGS.TS Bùi Thị An nói.

Một cái tên nằm trong danh sách phải di dời trước năm 2020 được bà Bùi Thị An dẫn ra là Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu đường thuộc Bộ GTVT có địa chỉ tại số 460 đường Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, hoạt động từ năm 1962.

Doanh nghiệp này nằm trong diện phải di dời để phục vụ cho dự án giao thông đô thị của Bộ GTVT và theo đúng chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi nội đô của TP Hà Nội.

Chủ trương đã có, kế hoạch đã được đề ra nhưng phương án đền bù vẫn chưa thống nhất nên dự án bị treo nhiều năm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ trên báo chí, lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí cầu đường, cũng cho biết doanh nghiệp đã chuyển một phần hoạt động sản xuất về huyện Thanh Trì (Hà Nội).

Tại số 460 Trần Quý Cáp, công ty chưa được đền bù nên chưa có tiền để di dời toàn bộ nhà máy về nơi mới. Nhiều năm không di dời được, doanh nghiệp không thể chủ động các kế hoạch kinh doanh, trong khi đó vẫn phải chi trả tiền thuê đất ở khu mới. Chính cái vòng luẩn quẩn ấy đã kéo doanh nghiệp ở lại nội đô.

Do chưa chốt được phương án đền bù, nhiều doanh nghiệp nằm trong diện di dời song cũng không biết chính xác đến thời điểm nào khu đất của mình sẽ bị thu hồi, trong khi muốn chuyển đi nơi mới lại thiếu nguồn lực. Do vậy, tạm bợ là tâm lý chung của cả doanh nghiệp có đất cho thuê và những người đi thuê đất.

Tuy nhiên, dù là tạm bợ nhưng doanh nghiệp vẫn phải tiến hành sản xuất, thế nên nhiều nhà máy lâu ngày không được đầu tư, có nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm đối với khu dân cư vẫn hiển hiện ngay giữa Hà Nội.

"Tới đây đây phải công bố minh bạch, công khai các tiêu chí di dời, tại sao cơ sở này di dời trước, tại sao cơ sở kia di dời sau... trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân giám sát. Phải thống nhất rằng: không ai được phép chây ì nữa, cơ sở nào chây ì thì phải có biện pháp xử lý", bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng cho rằng việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm khỏi nội thành phải dựa trên các tiêu chí nhất định. Ngoài ra, có thể có một số cơ sở sản xuất chưa phải di dời song đã chuyển sản xuất sang nơi khác.

Trong trường hợp doanh nghiệp chưa di dời, ông đề nghị doanh nghiệp phải cam kết không sản xuất ở địa điểm đó nữa. Nếu thành phố chấp nhận phương án đó thì phải có biện pháp để buộc doanh nghiệp thực hiện.

Một nguyên nhân mang tính chủ quan mà TS Hoàng Dương Tùng nghi ngại các cơ sở sản xuất công nghiệp chậm di dời, đó là những diện tích đất đai mà các cơ sở này nắm giữ đều là đất vàng nên họ cố tình chây ì.

Phải tính đến trường hợp doanh nghiệp tìm cách hợp tác với những đối tác có tiềm lực kinh tế để tìm cách biến diện tích đất vàng mà doanh nghiệp đang nắm giữ để chuyển đổi mục đích sử dụng thành chung cư, nhằm thu lời sau di dời.

"Chuyện di dời bắt buộc phải làm, vấn đề là làm thế nào vì trong đó có rất nhiều lợi ích của nhiều người trong đó", TS Hoàng Dương Tùng lưu ý.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/vi-sao-rang-dong-khong-phai-di-doi-truoc-nam-2020-3392047/