Vì sao Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn?

Theo Tổng thư ký Quốc hội, lấy phiếu tín nhiệm là đánh giá dựa trên quá trình dài. Do đó, nếu tiến hành sau khi chất vấn thì có thể dẫn đến nhìn nhận không khách quan.

Chiều 18/10, tại buổi họp báo trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhận được nhiều câu hỏi về nội dung lấy phiếu tín nhiệm.

Tại kỳ họp, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Theo đó, Quốc hội thực hiện quy trình này với 48 người, trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, do lúc lấy phiếu, 2 vị trí này mới bầu xong, chưa công tác đủ 9 tháng theo quy định.

Lấy phiếu là đánh giá cả quá trình làm việc

Trả lời câu hỏi tại sao việc lấy phiếu tiến hành trước khi chất vấn, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết không phải thành viên Chính phủ nào cũng được chất vấn. Lấy phiếu là đánh giá dựa vào cả một quá trình dài. Đánh giá dựa vào việc thực hiện nhiệm vụ, căn cứ vào kết quả công việc và vào cả ý kiến cử tri...

"Nếu chất vấn trước khi lấy phiếu, có nội dung nọ, nội dung kia, có cả nội dung không hoàn thành. Cũng có người trả lời tốt, có người trả lời không tốt, dẫn đến nhìn nhận không khách quan, không công bằng", ông Phúc nói.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về kỳ họp. Ảnh: Thắng Quang.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin về kỳ họp. Ảnh: Thắng Quang.

Tổng thư ký Quốc hội cũng thông tin 48 người được lấy phiếu tín nhiệm đều đã gửi báo cáo đánh giá hoạt động của mình tới Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã chuyển đến đại biểu từ ngày 20/9.

Mỗi báo cáo được giới hạn trong 5 trang giấy, do đó ông tin rằng các đại biểu có đủ thời gian để nghiên cứu và có cái nhìn khách quan về người được lấy phiếu tín nhiệm.

Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ vào ngày 23/10

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trong ngày khai mạc, Quốc hội khởi động quy trình bầu Chủ tịch nước. Việc bầu và công bố kết quả kiểm phiếu diễn ra trong ngày 23/10. Tân Chủ tịch nước dự kiến tuyên thệ nhậm chức vào chiều 23/10.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhân sự duy nhất được Ban chấp hành Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước. Hiện, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ chức quyền Chủ tịch nước, sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần.

"Đây là lần đầu tiên Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư sang Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Đây là một điểm mới", ông Phúc nói.

Trả lời báo chí về việc liệu tân Chủ tịch nước có tổ chức họp báo sau khi tuyên thệ hay không, Tổng thư ký Quốc hội cho biết điều đó tùy thuộc vào quyền của tân Chủ tịch nước, tuy nhiên ông sẽ chuyển yêu cầu.

Cũng về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét miễn nhiệm Bộ trưởng Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn và xem xét, phê chuẩn Bộ trưởng mới. Quy trình diễn ra trong ngày 23-24/10.

Xem xét nhiều vấn đề lập pháp và hành pháp quan trọng

Dự kiến, Quốc hội họp trong 24 ngày (khai mạc ngày 22/10 và bế mạc vào 21/11). Thời gian xây dựng pháp luật khoảng 9,5 ngày. Thời gian cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày; xem xét quyết định nhân sự là 1,5 ngày. Thời gian dành cho giám sát chuyên đề và các vấn đề khác là 10 ngày.

Về các nội dung khác, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Quốc hội thảo luận tại hội trường và dự kiến thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Đặc xá (sửa đổi), Luật Giáo dục đại học...

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng xem xét phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hiện đã có quốc hội 4 nước phê chuẩn hiệp định này. Nếu Quốc hội Việt Nam thông qua thì là nước thứ 5, dự kiến vào ngày 12/11.

Ngoài ra Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Về hoạt động giám sát, vì là kỳ họp cuối năm và giữa kỳ, Quốc hội thực hiện giám sát các nghị quyết của Quốc hội kể từ kỳ họp thứ 2 đến nay. Đại biểu có thể chất vấn thành viên Chính phủ về lời hứa qua những kỳ chất vấn trước.

Dự kiến có 15 buổi họp của Quốc hội được tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh và truyền hình quốc gia. Tổng thư ký Quốc hội đánh giá đây là một trong những kỳ họp có thời lượng tường thuật trực tiếp nhất. Ông cũng nhấn mạnh, các thành viên của Quốc hội sẽ tăng cường gặp gỡ báo chí để trao đổi thông tin.

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-quoc-hoi-lay-phieu-tin-nhiem-truoc-khi-chat-van-post885412.html