Vì sao quan hệ vợ chồng được nâng lên thành 'đạo'?

'Đã rằng tình nghĩa vợ chồng/Dù cho nghiêng núi cạn sông chẳng rời'. Chính từ việc xem trọng tình chồng vợ nên ông bà ta đã nâng mối quan hệ này lên thành 'đạo', xem nó là 'đạo': Đạo vợ chồng. Và khuyên chúng ta rằng: 'Việc lương duyên ngàn vàng khó đổi/ Đạo vợ chồng tính vội không nên'.

Ông bà ta xưa bao giờ cũng coi trọng, gìn giữ mối quan hệ bền chặt của tình nghĩa vợ chồng. Nó xuất phát từ nền tảng đạo đức, phẩm hạnh con người trong một tổ ấm có gia phong, một xã hội có trật tự. Hơn thế nữa, không những nó bảo vệ hạnh phúc vợ chồng, con cái mà cho những người thân trong gia đình không phải muộn phiền, hệ lụy. Vì bao giờ hễ "Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn". Nên ta đọc sách xưa rất ít thấy cụm từ ly dị, ly hôn, ly thân.

Ngày nay do có ít nhiều thay đổi về quan niệm tự do nên hôn nhân thường xuyên đổ vỡ. Thiết nghĩ xét ở góc độ giá trị chuẩn mực về đạo đức thì hãy vị tha, "chín bỏ làm mười" để giữ cho gia đình hạnh phúc bao giờ vẫn hơn. Nhất là những đôi vợ chồng trẻ.

Chính từ việc xem trọng tình chồng vợ nên ông bà ta nâng mối quan hệ này lên thành "đạo", xem nó là "đạo" – Đạo vợ chồng. Và khuyên chúng ta rằng:"Việc lương duyên ngàn vàng khó đổi/ Đạo vợ chồng tính vội không nên".

Mối quan hệ vợ chồng từ xưa đã được ông bà ta nâng lên thành Đạo vợ chồng

Thiết nghĩ ngày xưa khi vợ chồng chia tay hệ lụy đến con cái một, thì bây giờ hệ lụy đến mười. Vì xã hội hiện nay có nhiều điều cám dỗ, dễ sa ngã rất tai hại không lường trước được. Hay nói cách khác, hiểm họa luôn rình rập những đứa con còn nhỏ dại, bất hạnh khi cha mẹ ly dị. Thực tế ấy đã diễn ra trong xã hội hằng ngày đến nhức nhối. Nào trẻ em lang thang, bỏ học, phạm tội… đa số là nạn nhân của những cặp vợ chồng ly dị.

Có nhiều cặp vợ chồng trẻ tan vỡ vì lý do rất đơn giản. Mà lẽ ra hai bên chẳng khó khăn gì việc cùng nhau khắc phục. Tuy nhiên, cũng không ít đôi vợ chồng tóc đã ngã màu bạc, thậm chí tuổi đã xế chiều cũng "kéo nhau" ra tòa ly dị. Trường hợp nào cũng có muôn ngàn lý do để ngụy biện, phân trần. Trong đó chắc rằng có việc "thay lòng đổi dạ", đi tìm duyên mới khi đã dư thừa vật chất. Sự băng hoại đó thiết nghĩ xuất phát từ sự muốn hưởng thụ. Bất chấp giá trị đạo đức, xem nhẹ trách nhiệm với con cháu. Hay do tâm tính hay đổi, họ không thể chịu đựng lẫn nhau về sự hà khắc, hành hạ được nữa. Con cái đau buồn đành phải chấp nhận sự ly hôn của cha mẹ…

Xét ở mặt này mặt khác, đa phần những vụ hôn nhân đổ vỡ thường là những cặp vợ chồng trẻ. Bởi họ vội vã kết hôn, dễ dãi trong sự chọn lựa, nên khi bất hòa, xung đột dễ đi đến xem thường đạo nghĩa vợ chồng, mặc cho con cái ra sao thì ra. Ở trường hợp này là do tính tự ái, sống ích kỷ, thiếu sự rộng lượng. Gánh nặng trên vai gia đình và xã hội mỗi ngày một chồng chất. Tác động không nhỏ đến đạo đức mà còn làm cho trật tự xã hội thêm rối ren.

"Đã rằng tình nghĩa vợ chồng/Dù cho nghiêng núi cạn sông chẳng rời"

Cho dù mỗi ngày các cơ quan chức năng luôn tăng cường tuyên truyền, dùng nhiều biện pháp hòa giải. Nếu ai cũng bình tâm, cân đong đo đếm đến sự mất mát và vì tương lai con cái mà nghĩ lại, thì tỷ lệ số vụ ly hôn hàng năm ắt sẽ giảm. Nếu ai cũng nhìn ra lỗi ở mình và vị tha thì tương lai con cái sẽ tươi sáng hơn . Ông bà ta cũng từng đưa ra lời khuyên rất chí lý: "Chén trong sóng còn khua" nhằm khuyên chúng ta hãy bỏ lỗi cho nhau. Vì không ai toàn bích cả. "Nhân vô thập toàn" cơ mà!

Tôi có anh bạn, ngày đám cưới con gái, trước quan viên, hai họ, anh khuyên răn, dạy bảo con gái mình và chàng rễ mới một điều như vầy: "Khi về sống với nhau lúc nào có xảy ra "cơm không lành, canh không ngọt" thì hai con hãy nhớ tới ông bà, cô bác thương cháu, nghèo khó mà bỏ công bỏ việc ngồi xe hàng trăm cây số để đến dự đám cưới mà xử sự tử tế với nhau là đủ".

Xem ra lời khuyên ấy mộc mạc, chân thành mà thực tiễn trong cuộc sống, rất đáng để chúng ta suy gẫm.

Giá như cặp vợ chồng nào trước khi đến tòa án ký đơn ly dị hình dung, khái quát được những mất mát, hệ lụy về hành động của mình mà thay đổi quyết định thì cuộc đời này sẽ bớt đi nhiều nỗi đau.

PHẠM BỘI ANH THUYÊN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/vi-sao-quan-he-vo-chong-duoc-nang-len-thanh-dao-12537.html