Vì sao Phú Lê cùng đàn em được trả tự do?

Pháp luật quy định nếu bị hại có thương tích dưới 11% rút yêu cầu xử lý hình sự, cơ quan tố tụng có căn cứ để đình chỉ vụ án, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn với Phú Lê và đàn em.

Ngày 12/12, TAND huyện Đan Phượng, Hà Nội, cho biết Lê Văn Phú (còn gọi là Phú Lê, 40 tuổi) cùng 2 đồng phạm đã được trả tự do sau khi bị khởi tố, bắt tạm giam về tội Cố ý gây thương tích.

Ông Doãn Văn Tuyến, Chánh án TAND huyện Đan Phượng, giải thích phía bị hại trong vụ án rút đơn đề nghị xử lý hình sự Phú Lê và đàn em nên theo quy định, vụ án bị đình chỉ. Sau đó, cơ quan tố tụng đã trả tự do cho Lê Văn Phú và 2 người còn lại.

Vậy luật hiện hành quy định như thế nào về việc đình chỉ vụ án và trả tự do cho bị can khi nạn nhân bị gây thương tích rút đơn đề nghị xử lý hình sự người gây ra vụ việc?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội, phân tích theo Điều 155 Bộ luật hình sự, bị hại có tỷ lệ thương tích dưới 11% có đơn đề nghị xử lý hình sự thì cơ quan tố tụng mới xử lý.

"Còn trong quá trình giải quyết, bị hại rút đơn thì vụ án bị đình chỉ. Đây là quy định thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại", ông Cường cho hay.

 Lê Văn Phú bị bắt hồi đầu tháng 8. Ảnh: N.H.

Lê Văn Phú bị bắt hồi đầu tháng 8. Ảnh: N.H.

Theo luật sư, pháp luật quy định việc khởi tố vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích đòi hỏi phải có đơn yêu cầu của người bị hại. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu người yêu cầu khởi tố nhưng sau đó rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp bị hại rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.

Đối với trường hợp của Lê Văn Phú và 2 người vừa được trả tự do, luật sư Cường nhận định họ được đình chỉ vụ án cố ý gây thương tích, không phải hầu tòa nhưng có thể bị xử phạt hành chính 2-3 triệu đồng, theo Điều 5 Nghị định 167/2013 của Chính phủ.

Có cùng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Dũng Tiến (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng việc Phú Lê và "đàn em" được trả tự do sau khi bị hại rút đơn phù hợp các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Khi nạn nhân không yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lê Văn Phú và 2 người còn lại thì cơ quan tố tụng sẽ đình chỉ vụ án. Sau đó, cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và trả tự do cho người đang bị tạm giam.

Luật sư Tiến cũng trích dẫn Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự để liệt kê thêm những trường hợp bị can hoặc người đang bị tạm giữ, tạm giam được hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn. Đó là khi cơ quan tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, đình chỉ điều tra hay vụ án đối với bị can hoặc bị cáo được tòa án tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.

Trước khi được tự do, Phú Lê cùng Hoàng Văn Thụy và Trần Văn Tư bị VKSND truy tố về tội Cố ý gây thương tích. Phiên tòa xét xử 3 bị cáo này dự kiến diễn ra vào ngày 15/12.

Theo cáo buộc, Lã Thúy Kiều (vợ Phú Lê) và Trần Thị Đào (còn gọi là Đào Chi Lê) mâu thuẫn với nhau. Hai bên nhiều lần hẹn gặp để giải quyết xích mích nhưng bất thành.

Tối 2/8, đàn em của Phú là Thụy đề nghị được tìm gặp chị Đào để đánh dằn mặt. Sau khi Phú Lê đồng ý, Thụy rủ Tư đi xe máy về nhà của chị Đào ở huyện Đan Phượng. Tại đây, 2 người này đã đánh mẹ và dì của Đào rồi bỏ trốn.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-phu-le-cung-dan-em-duoc-tra-tu-do-post1162605.html