Vì sao phóng sinh Rằm tháng 7 nên chọn nơi vắng vẻ?

Không chỉ Rằm tháng Giêng, nhiều gia đình cũng thường phóng sinh nhân dịp Rằm tháng 7. Giáo lý nhà Phật cho rằng, hành động này có ý nghĩa và mang lại phước báu to lớn nhưng phóng sinh phải biết cách, nếu không sẽ tạo nghiệp sát.

Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo tránh để con vật sợ hãi. Ảnh: T.L

Âm thầm phóng sinh, chọn nơi vắng vẻ

Theo Ban thông tin truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, vào những dịp Tết, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7 hay những dịp cầu nguyện cho bản thân hay gia quyến, người ta hay tổ chức phóng sinh. Phóng sinh là một việc làm thể hiện lòng từ bi bác ái, mục đích phóng sinh là để đánh thức tâm Bồ đề của chúng sinh (con vật) trước khi phóng sinh, là thể hiện lòng từ bi của người con Phật, tâm không mong cầu lợi ích cho riêng bản thân mình nhưng phước báu lại to lớn vô cùng.

Kinh Dược sư Lưu Ly bổn nguyện công đức dạy rằng người thường xuyên cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn. Người thường xuyên phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn, vận hạn xấu, con cháu đông đúc, hưởng an lành…

Để đạt được điều này, khi làm lễ phóng sinh vào dịp Rằm tháng 7, bạn nên:

- Khi phóng sinh, bạn phải xuất phát từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi (như cầu sống thọ, cầu may mắn, giải trừ tật bệnh…). Vì nếu không như vậy, việc phóng sinh tuy có tốt, nhưng hiệu quả lại rất hạn chế. Vì tâm từ bi không khởi sinh, còn nói gì đến chuyện nuôi dưỡng.

- Phóng sinh là tự do, không phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều, không chọn ngày giờ tốt xấu… vì các loại động vật bị săn bắt phục vụ cho người ăn thịt lúc nào, ngày nào cũng có; mà thời lượng nào thì sự nguy cấp cũng đều như nhau. Nên khi bạn phát tâm từ bi thì liền thực hiện - tùy vào khả năng từ một, hai con đến muôn ngàn con cũng phải lập tức cứu thoát chúng – càng nhanh càng tốt, mà chẳng cầu được ai biết đến.

- Khi phóng sinh cần thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ càng tốt, vì pháp sự này không nên kích thích lòng tham của những người săn bắt, tạo thêm nghiệp chướng cho họ mà chính chúng ta cũng bị giảm phần công đức.

“Phóng sinh là cơ hội để con vật có điều kiện quy y Tam Bảo và sám hối nghiệp chướng, việc làm tốt trong Đạo Phật, thể hiện lòng Đại từ Đại bi nên trong nghi thức phóng sinh có lễ quy y, sám hối cho con vật trước khi phóng sinh. Nhưng chúng ta cũng không nên quá tin vào hình thức, tiến hành những nghi lễ rườm rà, câu nệ. Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo; nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ; không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm; có khi chúng phải mất mạng trước khi được ta phóng thích”, Ban thông tin truyền thông, Giáo hội Phật giáo khuyến cáo.

Lưu ý gì khi phóng sinh?

Theo giáo lý nhà Phật, phóng sinh là khi gặp một con vật bị nạn như thấy đàn kiến bị ngập nước, thấy con giun nằm chỗ đất khô, thấy con ốc bò trên đường đi, thấy tổ chim non bị rớt, thấy các loài chim, loài thú bị mắc nạn… chúng ta lập tức tìm cách giải thoát cho chúng, đưa chúng về môi trường sống tự nhiên. Hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, mình bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Tuy nhiên, từ trước đến nay mọi người hay chọn chim, cá, lươn, ốc… để phóng sinh. Theo dân gian thì khi chọn mua vật phóng sinh, nên mua cả mớ. Nếu không có điều kiện mua cả mớ to thì nên chọn mớ vừa phải để tránh tình trạng “con đi con ở”. Dân gian còn kiêng phóng sinh loài nào thì không nên ăn ngay loài đó (thể hiện tâm từ bi không phân biệt chỗ cứu, chỗ ăn).

Theo các nhà tâm linh, khi phóng sinh, bạn cũng nên lưu ý những việc sau để đảm bảo việc phóng sinh của mình không vô nghĩa hoặc hủy hoại môi trường:

-Đảm bảo con vật được phóng sinh có môi trường rộng rãi, an toàn trước khi được phóng sinh. Tránh trường hợp mua vài trăm con cá đựng chật chội trong một chiếc xô, khi phóng sinh thì ắt sẽ có cá chết. Do đó không nên tham về số lượng. Có thể chỉ cần phóng sinh một con cá, quan trọng là đảm bảo nó vẫn mạnh khỏe khi thả. Khi thả không nên cầm cả xô hay túi vứt xuống ao, hồ, sông, suối mà nên bốc từng nắm nhẹ nhàng thả xuống ở nhiều nơi, không tập trung một chỗ.

- Tìm hiểu môi trường sinh tồn của sinh vật. Chọn nơi con vật được phóng sinh có thể sống ở đó lâu dài không bị bắt, hay do môi trường xấu quá mà chết. Ví dụ không thả cá nước mặn (biển) xuống môi trường nước ngọt (ao hồ).

- Không phóng sinh vào môi trường lắm động vật ăn thịt, khó sinh tồn, hay môi trường sát hại động vật khác. Ví như không thả rùa chuyên ăn cá vào ao cá, cũng như không thả cá vào ao hồ toàn rùa ăn cá. Hoặc không phóng sinh rùa tai đỏ, ốc bươu vàng.

- Không nhất thiết thả ở ao hồ quanh chùa (nhất là chùa đô thị sẽ làm người tham đánh bắt lại và thêm tội).

- Khi mua lễ vật phóng sinh cần nhanh chóng chở loài phóng sinh đi thả ngay để tránh chúng sinh giảm sợ hãi, ngột ngạt, tù túng và tránh cho chúng sinh không bị chết trước khi được phóng sinh.

Hà Châu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vi-sao-phong-sinh-ram-thang-7-nen-chon-noi-vang-ve-20170905084924549.htm