Vì sao phim võ thuật Trung Quốc thất thế?

Dòng phim võ thuật tạo dựng tên tuổi và vị thế của điện ảnh Hoa ngữ trên thị trường châu lục. Điểm thu hút của dòng phim nằm ở tính chân thực trong từng phân cảnh giao đấu.

Những năm gần đây, các nhà làm phim Trung Quốc tìm hướng đi mới cho điện ảnh. Họ không còn chú trọng vào những kịch bản phim võ thuật. Theo Sina, phim võ thuật đang chết dần. Trong quá khứ, dòng phim võ thuật tạo dựng tên tuổi và vị thế của điện ảnh Trung Quốc trên thị trường châu lục.

Bàn về yếu tố làm nên thành công của các tác phẩm xoay quanh đề tài võ thuật truyền thống Trung Hoa, nhiều đạo diễn tên tuổi trong làng điện ảnh nhận định "linh hồn" của dòng phim này nằm ở tính chân thực trong từng phân cảnh giao đấu, chứ không phải bạo lực và phô trương sức mạnh.

Tính chân thực - "linh hồn" của phim võ thuật

"Thời kỳ đầu, vì không có biên đạo võ thuật, nhiều đạo diễn hành động trong kinh kịch Trung Quốc được chọn để dàn dựng các cảnh giao đấu trên phim. Đặc thù khác biệt khiến những phân cảnh vốn gay cấn lại trở nên hoa mỹ, thậm chí không có tiếp xúc cơ thể giữa hai đối thủ.

Phải đến những năm 1960-1970, khán giả mới được chứng kiến những màn chạm trán đúng nghĩa trên phim. Đây cũng là thời kỳ đánh dấu sự trỗi dậy của dòng phim võ thuật Trung Hoa", Lưu Gia Lương - cố diễn viên, chỉ đạo võ thuật nổi tiếng xứ Cảng Thơm chia sẻ trên sóng truyền hình.

 Giai đoạn những năm 1960-1970 đánh dấu sự trỗi dậy của dòng phim võ thuật Trung Hoa.

Giai đoạn những năm 1960-1970 đánh dấu sự trỗi dậy của dòng phim võ thuật Trung Hoa.

Trong cuốn sách Kung Fu: Cinema of Vengeance (1974), Khương Đại Vệ - "chàng đại hiệp" trên màn bạc Hong Kong thập niên 70 cho hay: "Khi đảm nhận vai diễn trong một bộ phim võ thuật, bạn phải biết cách siết tay, rồi tấn công vào đâu, điều khiển lực như thế nào để phát huy tối đa sức mạnh của đòn đấm, nhưng vẫn không làm tổn thương đối phương. Nếu không nắm vững những kỹ năng chiến đấu, cảnh giao đấu hiện ra trên màn ảnh rất gượng gạo, thiếu chân thực".

Tuy nhiên, để cho ra đời những cảnh giao đấu mãn nhãn, đạo diễn làm phim và dàn diễn viên phải đối diện với không ít thách thức.

"The Dragon" Don Wilson - nhà vô địch thế giới bộ môn kickboxing, cũng là ngôi sao phim võ thuật người Mỹ chia sẻ: "Nhiều người nghĩ rằng là nhà vô địch kickboxing, chuyện đóng phim võ thuật với tôi rất dễ dàng. Nhưng sau khi tham gia diễn xuất, tôi phát hiện một võ sĩ điện ảnh khác biệt hoàn toàn so với một vận động viên hay một võ sĩ thực thụ”.

Để cảnh quay đạt hiệu ứng hình ảnh tốt nhất, người diễn viên cần nắm vững những kỹ năng chiến đấu.

Ông nói thêm: "Trong một cuộc giao đấu, người võ sĩ thường che giấu mọi chiêu thức, không để lộ cảm xúc khi chạm trán đối phương. Điều đó trái ngược hoàn toàn với những gì bạn phải làm khi lên phim".

Trả lời phỏng vấn Nhân dân Nhật báo, Trương Hâm Viêm, đạo diễn đứng sau thành công của bộ phim Thiếu Lâm Tự (1982), tiết lộ: "Nếu chỉ dàn diễn viên trong đoàn thực hiện mọi cảnh quay của Thiếu Lâm Tự, hiệu quả hình ảnh khó có thể thỏa mãn khán giả. Vì vậy, tôi nhờ đến sự trợ giúp của các võ sĩ thực thụ.

Tại buổi diễn tập cảnh đánh nhau giữa Lý Liên Kiệt và Vu Thừa Huệ, 11 nhà vô địch võ thuật Trung Quốc cùng ba huấn luyện viên chuyên nghiệp có mặt ở đó. Họ cho lời khuyên khi thừa, thiếu động tác hay có chỗ chưa hợp lý, cảnh quay sẽ được dàn dựng lại".

Lạm dụng hiệu ứng, phô trương

Chia sẻ với Richard James Havis của South China Morning Post (SCMP) về yếu tố làm nên thành công của dòng phim võ thuật, Trương Triệt - "cha đẻ" One-Armed Swordsman (Độc tí đao) cho hay: "Dòng phim võ thuật cũng cần đáp ứng những yêu cầu cơ bản giống như các thể thoại phim khác. Dù là bi kịch hay hài kịch, nhân vật và cốt truyện phải mang tính giải trí để thu hút khán giả. Song không được thiếu giá trị cốt lõi mà một bộ phim cần truyền tải. Hình ảnh, âm thanh, nhịp điệu của phim cũng cần trau chuốt, tỉ mỉ.

Một bộ phim đáp ứng được tất cả những yêu cầu này là một bộ phim hay. Về mặt hành động, chỉ có hành động trong một cảnh quay là chưa đủ. Hành động phải có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ".

Cũng trong cuộc phỏng vấn, đạo diễn Trương Triệt lên án thực trạng nhiều đạo diễn, nhà làm phim đang lạm dụng hiệu ứng trong mọi cảnh quay. "Tính chân thực vốn được coi là thương hiệu của những bộ phim hành động và võ thuật đậm chất Trung Hoa. Tuy nhiên hiện tại, việc sử dụng quá nhiều hiệu ứng đặc biệt đang làm giảm giá trị của dòng phim này. Cũng vì thế, khán giả không còn tin vào võ thuật truyền thống", ông nói.

Hiện, nhiều bộ phim võ thuật Trung Quốc đang lạm dụng hiệu ứng quá đà.

Chia sẻ trên chương trình Cinema AZN, Hồng Kim Bảo - "lão đại" khét tiếng của võ thuật Hong Kong đồng ý với nhận định của đạo diễn họ Trương: "Lần đầu xem các hiệu ứng đặc biệt trong phim võ thuật, tôi rất hào hứng. Và rồi sự thích thú mất dần khi hiệu ứng trở thành thứ 'gia vị' không còn độc đáo. Tôi thích cách người diễn viên tự thực hiện các cảnh hành động, võ thuật mà không phải phụ thuộc vào kỹ xảo".

Lưu Vĩ Cường - người đàn ông cho ra đời The Storm Riders (Phong Vân: Hùng Bá Thiên Hạ) nói trên SCMP: "Cần bảo vệ, gìn giữ tính chân thực đã làm nên thương hiệu của dòng phim võ thuật xứ Trung. Đừng để những thước phim nghệ thuật chỉ còn là những khung hình ảo bạo lực, phô trương sức mạnh trong ấn tượng của khán giả".

Thanh Huyền

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-phim-vo-thuat-trung-quoc-that-the-post1172425.html