Vì sao phim tư nhân phía Bắc ít mặn mà với thị trường điện ảnh?

Trong khi các nhà sản xuất phía Nam cạnh tranh nhau quyết liệt để phá vỡ kỷ lục doanh thu, thì các hãng phim tư nhân phía Bắc vẫn ngập ngừng với thị trường.

 Bộ phim "Cha cõng con" là tác phẩm hiếm hoi của phim tư nhân phía Bắc tham gia thị trường điện ảnh. Ảnh: HPCC.

Bộ phim "Cha cõng con" là tác phẩm hiếm hoi của phim tư nhân phía Bắc tham gia thị trường điện ảnh. Ảnh: HPCC.

Xã hội hóa điện ảnh là một chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển nghệ thuật thứ bảy nước nhà. Thế nhưng, thực tế ở các rạp chiếu phim cho thấy các hoạt động sản xuất do tư nhân đầu tư vẫn tập trung chủ yếu ở phía Nam, còn không khí trường quay ở các tỉnh phía Bắc vẫn khá im ắng. Thực trạng này nói lên điều gì, và có hướng khắc phục hiệu quả không?

Ngay giữa mùa dịch Covid-19, có một giao dịch đáng chú ý: Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm ký kết bán bản quyền tiểu thuyết “Bắc Cung hoàng hậu” cho hãng phim tư nhân S18 với giá 150 triệu đồng.

Câu chuyện ở đây, không nằm ở số tiền, mà nằm ở hy vọng khác, đó là hãng phim tư nhân S18 là một đơn vị mới toanh trong giới giải trí Hà Nội. Phải chăng, sự thành công của các nhà sản xuất phim phía Nam đã kích hoạt cuộc chơi cho những nhà sản xuất phim phía Bắc.

Hà Nội hội tụ rất nhiều nghệ sĩ điện ảnh. Và cũng đã có không ít hãng phim tư nhân được thành lập như Đông A của Trần Lực, Việt Nữ của Chiều Xuân hoặc Hồng Ngát Film của Nguyễn Thị Hồng Ngát… Tuy nhiên, nhiều năm qua chỉ có một phim tư nhân phía Bắc tạo được tiếng vang là “Cha cõng con” của hãng phim Tứ Vân.

Vậy, hàng chục hãng phim tư nhân khác tại thủ đô đang sản xuất gì? Ngoài một số hãng phim tư nhân có mối quan hệ đặc biệt để nhận được đơn đặt hàng làm phim từ Cục Điện ảnh, thì hầu hết các hãng phim tư nhân phía Bắc tập trung vào phim truyền hình nhiều tập.

Những sản phẩm do hãng phim tư nhân hợp tác sản xuất có được hiệu ứng xã hội tích cực, có thể kể đến “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng”.

Mỗi người có một chọn lựa riêng, nhưng hệ thống rạp chiếu hiện đại và rộng khắp hiện nay chính là sân chơi cực kỳ hấp dẫn cho các nhà sản xuất. Nếu làm phim truyền hình chỉ được trả kinh phí từng tập khá ít ỏi (hoặc trả bằng quảng cáo) thì một phim điện ảnh thu hút được công chúng sẽ có lãi ngay lập tức.

Tại TPHCM, hầu hết những hãng phim tư nhân đều chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ phim truyền hình sang phim điện ảnh, để tận dụng tối đa ưu điểm ấy của thị trường.

Vì sao những hãng phim tư nhân phía Bắc không muốn hốt bạc thông qua hệ thống rạp chiếu? Đạo diễn Lương Đình Dũng, người đã có bộ phim “Cha cõng con” được hoan nghênh, cho rằng: “Do thị trường điện ảnh phía Bắc có ít nhà sản xuất, nhà đầu tư quan tâm đến điện ảnh. Thêm vào đó, cũng phải thừa nhận các đạo diễn phía Nam nhạy bén với thị trường hơn”.

Muốn phát triển điện ảnh mà chỉ trông chờ vào ngân sách bao cấp, thì gần như bất khả thi. Hơn nữa, thị trường điện ảnh ngày càng sôi động, nếu mỗi năm chỉ sản xuất vài tác phẩm theo đơn đặt hàng, thì dòng phim nước ngoài được nhập khẩu sẽ chiếm lĩnh toàn bộ đời sống tinh thần của người Việt Nam.

Tâm lý xin - cho đã khiến nhiều nghệ sĩ thích làm phim phục vụ tuyên truyền hơn là làm phim phục vụ khán giả. Chính những nhà sản xuất phim tư nhân mới có thể tạo ra sự chuyển động tích cực cho đời sống điện ảnh.

Ở phía Nam, khi khái niệm xã hội hóa điện ảnh vừa manh nha, thì có ngay những nhà sản xuất tiên phong như Lý Huỳnh, Hai Nhất, Đào Thu, Thái Hòa vào thập niên 90 của thế kỷ trước. Bây giờ, thế hệ nhà sản xuất ấy đã nhường chỗ cho những gương mặt trẻ hơn và năng động hơn với khát vọng đưa phim Việt ra thế giới.

Sau khi một đại gia lĩnh vực vận tải đường thủy tham gia vào cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, thì bức tranh xã hội hóa điện ảnh ở phía Bắc lại có thêm không ít xáo trộn.

Nếu nói về tài chính, thì ở đâu cũng có những người giàu. Thế nhưng, dường như những người dư dả ở phía Bắc vẫn chưa nhận ra yếu tố kinh doanh trong các dự án điện ảnh. Vì vậy, những người làm phim trẻ ở phía Bắc rất ít cơ hội để kêu gọi góp vốn cho tác phẩm có xu hướng thị trường.

Bộ phim "Hai Phượng" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đang giữ kỷ lục doanh thu 200 tỷ đồng. Ảnh: HPCC.

Xã hội hóa điện ảnh đang có màu sắc khác biệt ở hai đầu đất nước. Sự dịch chuyển nhân lực điện ảnh cũng thấy rõ. Tuy nhiên, doanh thu trăm tỷ cho mỗi bộ phim của những nhà sản xuất phía Nam vẫn chông chênh giữa hai tiêu chí nhu cầu khán giả và giá trị nghệ thuật.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đánh giá: “Trong nhiều năm qua, tuy âm thầm nhưng khá liên tục diễn ra cuộc chuyển giao thế hệ trong đội ngũ những người làm phim cả nước.

Thế hệ trẻ ngày nay được đào tạo kiến thức có hệ thống, được tiếp cận công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại; lại khá năng động, sáng tạo, biết tự lập thân trong điều kiện cạnh tranh gay gắt. Không ít anh chị em đã và đang gánh vững vàng trên vai mình gánh nặng nghề nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, lớp trẻ cần được trau dồi thêm ý niệm và kiến thức về văn hóa dân tộc; trang bị để tung hoành, sáng tạo đột phá trên nền tảng của tình yêu nước thương nòi cùng trách nhiệm công dân!”.

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vi-sao-phim-tu-nhan-phia-bac-it-man-ma-voi-thi-truong-dien-anh-d259548.html