Vì sao Pháp nhờ Mỹ can dự điện hạt nhân Trung Quốc?

Lò phản ứng Đài Sơn là lò phản ứng năng lượng tiến hóa (EPR) đầu tiên do Pháp thiết kế...

Mới đây, CNN đăng một bản tin độc quyền cho thấy một công ty Pháp đã gửi một báo cáo tới Chính phủ Mỹ về "mối đe dọa phóng xạ" tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn ở Thành phố Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Pháp lo nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn đang hoạt động ở mức cảnh báo và trốn tránh để được tiếp tục hoạt động.

Pháp lo nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn đang hoạt động ở mức cảnh báo và trốn tránh để được tiếp tục hoạt động.

Công ty Framatome, vốn sở hữu một phần và giúp vận hành nhà máy trên đã gửi báo cáo lên Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy trên đang rò rỉ khí phân hạch hạt nhân (fission gas). Công ty này cáo buộc cơ quan quản lý an toàn của Trung Quốc đang nâng giới hạn về lượng khí có thể xả ra bên ngoài nhà máy với mức chấp nhận được, để tránh phải đóng cửa nhà máy.

Các nguồn tin cho biết, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn tin rằng nhà máy trên chưa ở "mức khủng hoảng".

Sau đó, Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) đã phát đi thông báo là đang điều tra nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến báo cáo mà Framatome đã phản ánh. Framatome là công ty con của EDF.

EDF cho biết, hiện tượng tích tụ các khí krypton và xenon đã ảnh hưởng đến mạch chính lò phản ứng số 1 của nhà máy Đài Sơn. Các phạm vi này đã vượt quá tiêu chuẩn của Pháp.

Theo EDF, tình trạng này “đã được biết đến, nghiên cứu và đề cập trong quy trình vận hành lò phản ứng”. EDF đã đề xuất tiến hành một cuộc họp với đối tác của họ là Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) liên quan đến cuộc điều tra, nhưng chưa ấn định ngày cụ thể.

Vấn đề mâu thuẫn giữa EDF với đối tác Trung Quốc là các tiêu chuẩn an toàn có sự khác biệt. Với tiêu chuẩn của Trung Quốc thì các tiêu chí này vẫn ở ngưỡng bình thường.

CGN cho biết, các hoạt động tại nhà máy đáp ứng các quy tắc an toàn. Theo dữ liệu của Cơ quan quản lý An toàn hạt nhân Trung Quốc (CNSA), mức độ bức xạ ở khu vực lân cận vẫn ở ngưỡng bình thường vào ngày 14/6.

Tập đoàn Pháp liên doanh Trung Quốc trong dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn.

Đáng chú ý là ngay cả Mỹ cũng đánh giá thấp nguy cơ nói trên. CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, vụ việc không gây ra mối đe dọa an toàn nghiêm trọng đối với công nhân tại nhà máy hay người dân sống ở khu vực xung quanh.

Các khí hiếm như krypton và xenon được tạo ra trong quá trình phân rã phóng xạ. Những khí này xuất hiện khi có một vài thanh nhiên liệu hạt nhân bị xuống cấp. Khi các thanh hạt nhân bị hỏng chúng sẽ giải phóng những chất khí như xenon vào dòng nước chảy qua chúng và tới các tuabin sản xuất điện. Việc phát hiện các khí này ở khu vực bên ngoài là một cảnh báo sớm cho thấy một trong những hệ thống an toàn của nhà máy đang gặp trục trặc. Nhưng những sự cố như vậy không phải là hiếm hoặc không đáng quá lo ngại.

Theo một nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, tại Mỹ cũng đã có hơn 2% tổ hợp nhiên liệu hạt nhân bị hư hỏng theo cách tương tự trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến 2006. Các nhà máy điện hạt nhân đều có rất nhiều hệ thống đảm bảo an toàn dự phòng. Trong trường hợp chất khí không bị rò rỉ ra bên ngoài, các nhân viên nhà máy có thể thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, dù việc tiếp nhiên liệu có thể trở nên phức tạp hơn và chí phí bảo trì gia tăng.

CGN - công ty hạt nhân nhà nước lớn nhất Trung Quốc đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào tháng 8/2019 với cáo buộc mua công nghệ và vật liệu tiên tiến của Mỹ để sử dụng cho mục đích quân sự tại Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Framatome – hiện đang có các hoạt động tại Mỹ, sẽ cần sự miễn trừ của Mỹ để cho phép họ giúp CGN khắc phục các vấn đề về công nghệ.

Mỹ có thể cho phép Framatome hỗ trợ kỹ thuật để giúp giải quyết vấn đề, nhưng Trung Quốc mới là bên quyết định nhà máy điện hạt nhân này được xử lý như thế nào.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã mở rộng việc sử dụng năng lượng hạt nhân và nước này chiếm hơn 10% sản lượng điện hạt nhân của thế giới. Theo Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc, tính đến tháng 3/2021, có 16 nhà máy hạt nhân đang hoạt động với 49 lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc, với tổng công suất phát điện là 51.000 megawatt.

Nhà máy Đài Sơn là một dự án uy tín được xây dựng sau khi Trung Quốc ký thỏa thuận sản xuất điện hạt nhân với công ty Électricité de France (EDF) của Pháp. Lò phản ứng Đài Sơn là lò phản ứng năng lượng tiến hóa (EPR) đầu tiên do Pháp thiết kế. Công nghệ này cũng đang được triển khai ở Pháp, Phần Lan và tại dự án Hinkley Point C ở Anh

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/vi-sao-phap-nho-my-can-du-dien-hat-nhan-trung-quoc-3433902/