Vì sao pháo sáng vẫn cứ 'đỏ lửa' ở V-League?

Hơn 2 tỷ đồng tiền phạt, hơn 50 án phạt với các hình thức xử lý khác nhau được đưa ra trong 5 năm qua liên quan đến pháo sáng.

Đúng người, đúng tội, nhưng chưa đủ…

Những án phạt được Ban kỷ luật VFF đưa ra dành cho hai đối tượng chính. Thứ nhất, đó là BTC trận đấu để xảy ra tình trạng CĐV quá khích đốt pháo sáng trong sân. Thứ hai, đó là CLB có CĐV sử dụng pháo sáng ở những trận đấu đó. Nhưng vẫn còn một đối tượng thứ ba nhởn nhơ trong vô vàn án phạt ấy. Đó là thủ phạm - những kẻ trực tiếp đốt pháo sáng.

Không bị xử lý về tài chính như CLB, không bị “treo sân” hay phạt tiền như BTC trận đấu, những phần tử quá khích tất nhiên còn có lý do để “hồn nhiên” tạo ra cảnh rối loạn trên khán đài bằng những quả pháo sáng.

Và phải đến khi một quả pháo bắn thẳng từ khán đài B sang khán đài A khiến một CĐV nữ bị bỏng rất nặng ở trận đấu giữa Hà Nội FC và DNH Nam Định ở sân Hàng Đẫy vừa qua, những bức bối về pháo sáng mới như giọt nước tràn ly. Bằng chứng là ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo giao Công an thành phố điều tra, xử lý nghiêm những kẻ gây rối theo đúng quy định pháp luật.

Trách nhiệm chính ở quản lý

Tất nhiên, việc phần tử quá khích bị công an điều tra như ở trường hợp sân Hàng Đẫy xảy ra khi chuyện đã rồi, tức là pháo sáng đã đốt và một CĐV nữ đã bị thương. Nhưng để không xảy ra những sự cố chẳng ai mong muốn ấy thì lại là câu chuyện ở phía trước những cánh cổng vào SVĐ. BTC trận đấu của Hà Nội FC đã nhận lỗi, xin rút kinh nghiệm khi không thể phát hiện và ngăn chặn những kẻ quá khích mang pháo sáng vào sân.

Nhưng sợi dây kinh nghiệm chỉ có thể được rút một cách thực sự khi khâu quản lý của BTC trận đấu dưới sự phối hợp của VFF, VPF và Ban điều hành giải được thực hiện nghiêm chỉnh. Thử đặt câu hỏi, nếu BTC trận đấu của Hà Nội FC chú ý kỹ càng việc đề nghị bộ phận an ninh lắp đặt 4 cổng từ tại các điểm vào SVĐ để kiểm soát CĐV Nam Định thì liệu rằng, hơn 10 quả pháo sáng có được đốt tới tấp như vậy tại Hàng Đẫy vào ngày 11/9 vừa qua?

Nói lại câu chuyện đó không phải để đay nghiến BTC trận đấu của Hà Nội FC. Bởi thực tế, họ đã chịu án phạt nặng: đá 2 trận sân nhà ở V.League không có khán giả và nộp phạt 85 triệu đồng. Mà nhắc lại để các đội bóng khác chứ không riêng gì Hà Nội FC không được chủ quan đi vào “vết xe đổ” đáng tiếc như vậy nữa. Bởi hiện tại, không chỉ sân Hàng Đẫy mà nhiều sân khác tại V.League cũng đang buông lỏng công tác an ninh đầu vào trước mỗi trận đấu của giải.

Có một điều đáng chú ý, mùa giải năm nay, sân Thống Nhất chưa để một quả pháo sáng nào lọt lên khán đài. Điều đó xuất phát từ khâu kiểm soát an ninh chặt chẽ. Các CĐV khách được tách vào khu vực riêng để lực lượng an ninh khám từng người. Riêng CĐV nữ cũng được bộ phận an ninh nữ kiểm tra để tránh khó xử. Thêm vào đó, lực lượng an ninh mặc đồng phục và thường phục được công an TP.HCM và Quận 10 bố trí trên khán đài để kịp thời ngăn chặn, khống chế nếu có phần tử quá khích.

Nếu BTC trận đấu thực hiện chặt chẽ hơn nữa, nếu khán giả có ý thức xây dựng hơn nữa thì chắc chắn, pháo sáng không thể cứ mãi “đỏ lửa” như suốt nửa thập kỷ qua tại V.League.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-phao-sang-van-cu-do-lua-o-vleague-d498356.html