Vì sao phần lớn người Philippines không muốn tiêm vaccine Covid-19?

Trong khi các chuyên gia y tế nói rằng tiêm chủng là một biện pháp quan trọng để chấm dứt đại dịch Covid-19, nhiều người Philippines vẫn do dự về việc tiêm vaccine. Theo CNN, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở Phillipines đang ở mức rất thấp.

Dịch Covid-19 song hành cùng khủng hoảng đói nghèo

Với 9 người con và 1 người cháu, cuộc sống của Mona Liza Vito cùng gia đình cô đã rất khó khăn ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Bếp ăn cộng đồng cung cấp thức ăn cho những người nghèo đói ở Baseco, Manila (Philippines). Ảnh: CNN

Bếp ăn cộng đồng cung cấp thức ăn cho những người nghèo đói ở Baseco, Manila (Philippines). Ảnh: CNN

Vito từng làm nghề bóc tỏi, kiếm được khoảng 2 USD/ngày và chồng cô làm công nhân xây dựng. Nhưng hiện tại cả hai vợ chồng đều đã mất việc. Đây là hậu quả của suy thoái kinh tế ở Philippines sau nhiều đợt phong tỏa để ngăn chặn Covid-19. Việc kiếm thức ăn cho gia đình đã trở thành một cuộc đấu tranh sinh tồn hàng ngày đối với Vito.

“Chúng tôi không có bất cứ thứ gì cho các con ăn. Chúng tôi cũng không thể trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Đôi khi vào buổi tối không có gì ăn, chúng tôi chỉ có thể chờ sang ngày hôm sau”, Vito nói.

Vito sống tại khu phức hợp Baseco, một trong những khu vực nghèo nhất của Manila, nơi gần 60.000 người sinh sống tại một mảnh đất khai hoang ở khu vực cảng của thủ đô. Khu vực này sinh sống phần lớn dựa vào hoạt động kinh tế xung quanh bến tàu, nhưng hầu hết trong số đó đã tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, lệnh phong tỏa bao gồm lệnh cấm đánh bắt cá trên biển đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.

“Nếu không đánh bắt cá thì họ không có gì để ăn. Một số người chỉ ăn cơm cháy và muối với nước. Số lượng người nghèo đói ở đây vẫn rất nhiều”, Nadja de Vera, người điều phối dự án của tổ chức địa phương Tulong Anakpawis cho biết.

Philippines là một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Thế giới, đến cuối năm 2020, gần 1/4 người Philippines sống trong cảnh nghèo đói với thu nhập khoảng 3 USD/ngày.

Để tránh tình trạng phong tỏa và có thể khởi động lại nền kinh tế đang bị suy thoái, chính phủ Philippines đang đặt hy vọng vào vaccine Covid-19.

Trong khi các chuyên gia y tế nói rằng tiêm chủng là một biện pháp quan trọng để chấm dứt đại dịch, nhiều người Philippines vẫn do dự về việc tiêm vaccine. Theo CNN, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở Phillipines đang ở mức rất thấp.

Tình trạng suy thoái kinh tế ở Philippines bắt đầu từ tháng 3/2020 sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài nhiều tháng ở thủ đô Manila và các khu vực lân cận. Lần phong tỏa thủ đô Manila gần đây nhất vào tháng 3 đã được nới lỏng vào giữa tháng 5, sau khi số ca mắc Covid-19 giảm từ mức hơn 10.000 ca/ngày.

Tuy nhiên, với hơn 5.000 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, Philippines vẫn phải đối mặt với mối đe dọa Covid-19 cũng như khó khăn về kinh tế.

Vera đã tổ chức một bếp ăn cộng đồng cung cấp thức ăn cho những người nghèo đói ở Baseco. Đó là một trong hàng trăm ngân hàng lương thực trên khắp Philippines để giúp ứng phó với cuộc khủng hoảng nghèo đói ngày càng gia tăng. Bếp ăn cộng đồng nhận tiền quyên góp từ nông dân và ngư dân, và bất cứ ai có đủ khả năng, sau đó phân phát thực phẩm cho những người cần nhất.

Khi có thông tin rằng bếp ăn cộng đồng sắp đến, hàng trăm người đã xếp hàng từ sáng sớm để có cơ hội nhận được một túi thức ăn nhỏ. “Nhiều người ở đây chỉ có đủ tiền để ăn một bữa mỗi ngày”, Vera nói.

Trong thời gian đại dịch, chính phủ Philippines đã phân phát các bưu kiện thực phẩm, cung cấp tiền mặt trị giá 4.000 peso (khoảng 80 USD) cho người nghèo. Vito cho biết cô đã dùng số tiền đó để mua thuốc và trang trải một số chi phí sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, Vito nói rằng số tiền đó gần như không đủ để sinh sống, vì vậy bếp ăn cộng đồng đã trở thành hình thức nuôi sống thường xuyên duy nhất của gia đình cô.

“Tôi rất biết ơn. Chúng tôi nhận được cơm và rau miễn phí. Các con tôi không còn đói nữa”, Vito nói.

Sự do dự về vaccine Covid-19

Chính phủ Philippines cho biết, tiêm chủng cho người dân là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay, nhưng họ đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân sử dụng vaccine.

Theo số liệu của CNN, chưa đến 1% trong số 108 triệu dân Philippines đã được tiêm chủng đầy đủ.

Tuần trước, nước này thông báo đã nhận được 8,2 triệu liều vaccine, nhưng cho đến nay mới chỉ có 4 triệu người được tiêm ít nhất 1 liều. Một số người Philippines nói rằng họ sẽ không tiêm vaccine Covid-19.

Theo một cuộc khảo sát của Trạm Thời tiết xã hội (SWS) với 1.200 người vào tháng 5, 68% người được hỏi không chắc chắn hoặc không muốn tiêm chủng. Mối lo ngại lớn nhất của họ là các tác dụng phụ có thể xảy ra hoặc họ có thể tử vong do tiêm vaccine.

Việc người Philippines không đồng ý tiêm vaccine Covid-19 có thể làm sụt giảm hy vọng về việc đất nước đạt được miễn dịch cộng đồng hoặc mục tiêu của chính phủ là tiêm chủng cho 50-70 triệu người vào cuối năm nay.

Chính phủ Philippines bắt đầu triển khai chương trình tiêm vaccine Covid-19 vào tháng 3 nhưng tiến độ rất chậm. Các bác sĩ vẫn đang trong giai đoạn đầu tiêm vaccine cho nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh nền.

Người dân Philippines chờ tiêm vaccine Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng ở Manila. Ảnh: CNN

Để nâng cao niềm tin của công chúng vào vaccine Covid-19, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhận vaccine từ nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm vào đầu tháng 5. Tuy nhiên, ông Duterte đã tạm dừng việc triển khai vaccine Sinopharm vài ngày sau đó sau khi các nhà phê bình chỉ ra rằng loại vaccine này chưa được cơ quan quản lý dược phẩm của Philippines phê duyệt.

Ngoài ra, Philippines cũng đã đặt vaccine từ Sinovac, AstraZeneca, Pfizer và Sputnik của Nga. Chính phủ cho biết hàng triệu liều vaccine dự kiến sẽ được cung cấp vào tháng 6.

Các quan chức và nhân viên y tế đang sử dụng thông điệp công khai để cải thiện niềm tin của người dân trong việc tiêm vaccine Covid-19.

Tiến sĩ Mike Marasigan, một nhân viên y tế của Sở Y tế thành phố Quezon cho biết, những nhóm đối tượng khó tiếp cận nhất là những cộng đồng người nghèo nhất.

“Chúng tôi gặp khó khăn trong việc nhắm mục tiêu đến những người ở các khu vực dễ bị tổn thương và thuyết phục họ đi tiêm chủng”, Marasigan nói.

Letty Zambrona, 65 tuổi, một người thợ may đã nghỉ hưu, đến từ thành phố Paranaque, Manila cho biết sẽ không tiêm vaccine Covid-19 dù bà thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, có bệnh nền như tiểu đường và huyết áp cao.

“Có những tác dụng phụ nên tôi không muốn tiêm chủng. Tôi liên tục nghe những tin tức này trên TV. Một số người đã bị đông máu sau khi tiêm vaccine”, bà Zambrona nói.

Bà Zambrona cho biết, chồng bà cũng không muốn tiêm vaccine và cả hai đều muốn chữa bệnh bằng thảo dược.

“Chúng tôi không lo lắng nếu xuất hiện những triệu chứng mắc Covid-19. Trên thực tế, chúng tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu điều trị bằng gừng, chanh, mật ong”, bà Zambrona nói.

Tiến sĩ Marasigan cho biết, một số người Philippines nghĩ rằng họ không thể nhiễm virus SARS-CoV-2. “Khi họ tiếp xúc với các yếu tố như ô nhiễm và nhiều thứ khác, họ nghĩ rằng họ đã miễn dịch”, ông Marasigan nói.

Trở lại Baseco, chi phí sinh hoạt của gia đình Vito đã tăng lên do mọi người đều ở nhà. Việc học trực tuyến do trường học đóng cửa đồng nghĩa với việc các gia đình phải trả tới 19 USD/tháng cho việc truy cập internet, một khoản tiền đáng kể đối với những người không có thu nhập.

Đây là một quyết định khó khăn giữa việc lựa chọn học trực tuyến và thức ăn. “Nếu chúng tôi không trả tiền internet, các con tôi sẽ không thể học. Tôi thà bỏ ra số tiền đó để bọn trẻ có thể ăn sáng”, Vito nói.

Trở về nhà sau khi nhận được thực phẩm quyên góp từ bếp ăn cộng đồng, một ít đậu xanh, gạo và một vài loại rau khác, Vito biết rằng cô sẽ phải trải qua một chặng đường dài phía trước.

Đối với nhiều gia đình nghèo khó, nỗi sợ hãi về đại dịch Covid-19 sẽ không thể so sánh được với mối đe dọa nghèo đói hàng ngày./.

CTV Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Theo CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/vi-sao-phan-lon-nguoi-philippines-khong-muon-tiem-vaccine-covid-19-860595.vov