Vì sao phần lớn ngoại binh VBA đến từ Mỹ?

Lực lượng ngoại binh người Mỹ chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của VBA (Giải bóng rổ Nhà nghề Việt Nam) suốt chiều dài lịch sử từ 2016.

VBA 2021 có 8 đội tham dự. Ngoại trừ tuyển bóng rổ Việt Nam, 7 đội còn lại đều có 2 suất ngoại binh. Đáng chú ý, 13 trong 14 ngoại binh sẽ thi đấu ở mùa giải mới là người Mỹ.

Hiện trạng này không quá mới mẻ khi lực lượng ngoại binh đến từ Mỹ chiếm đa số ở 5 mùa trước đó. Đây không phải chuyện riêng của VBA, mà các giải bóng rổ lớn trên thế giới đều ưu tiên sử dụng ngoại binh đến từ Mỹ.

"Các đội sử dụng ngoại binh người Mỹ vì phong cách chơi bóng của giải đấu. VBA có nhịp độ thi đấu nhanh nên hoàn toàn phù hợp với trình độ và cách chơi của các ngoại binh người Mỹ", ông Erik Olson, HLV trưởng Hochiminh City Wings lý giải với Zing.

 Ngoại binh người Mỹ luôn chiếm số đông ở các giải bóng rổ hàng đầu thế giới bên ngoài nước Mỹ. Ảnh: Y Kiện.

Ngoại binh người Mỹ luôn chiếm số đông ở các giải bóng rổ hàng đầu thế giới bên ngoài nước Mỹ. Ảnh: Y Kiện.

Góc nhìn từ giới chuyên môn

Quản lý một đội VBA chia sẻ góc nhìn về vấn đề này với Zing. "VBA đi theo mô hình phát triển của NBA (Giải bóng rổ Nhà nghề Mỹ), giải đấu số một và chuyên nghiệp nhất thế giới. Nguồn cung cầu thủ từ Mỹ rất lớn và đa dạng về trình độ, lối chơi, nên việc chọn lựa rất dễ dàng cho các đội".

Cầu thủ Mỹ chiếm gần như tuyệt đối số lượng ngoại binh ở các giải bóng rổ hàng đầu thế giới. Đặc biệt, các giải bóng rổ hàng đầu châu Á như CBA (Giải bóng rổ Nhà nghề Trung Quốc) hay PBA (Giải bóng rổ Nhà nghề Philippines) luôn ưu tiên chọn cầu thủ Mỹ.

Vị này nhấn mạnh trình độ chuyên môn là yếu tố tiên quyết khiến các đội bóng ưu tiên chọn cầu thủ Mỹ. "Mức lương hợp lý với trình độ là điều khiến chúng tôi chọn ngoại binh người Mỹ. Bởi VBA có giới hạn mức lương với từng loại cầu thủ như ngoại binh, Việt kiều và nội binh", vị quản lý cho biết.

Việc giới hạn mức lương là điều tạo nên sự khác biệt giữa VBA với các giải thể thao khác ở Việt Nam. Điều này nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các đội, tránh tình trạng "cá lớn nuốt cá bé".

Lý giải việc tại sao không phải ngoại binh đến từ châu Âu mà là người Mỹ, ông nói thêm: "Ngoại binh người Mỹ dễ dàng thỏa mãn 2 điều kiện mức lương và chuyên môn. Trong khi những ngoại binh đến từ các khu vực khác thường chỉ đáp ứng một trong 2 yêu cầu, trình độ tốt thì không đáp ứng được mức lương và ngược lại".

Ngoại binh người Mỹ đóng vai trò quan trọng với lối chơi của các đội bóng. Ảnh: Y Kiện.

Nguồn cung cầu thủ chất lượng

Mỗi năm, có hàng chục nghìn cầu thủ trên thế giới ra sức tập luyện và thi đấu với hy vọng lọt vào mắt xanh của các tuyển trạch viên NBA. Tuy nhiên, họ rất khó để cạnh tranh với các cầu thủ người Mỹ nếu không sở hữu tài năng thiên bẩm kiểu Luka Doncic (Slovenia), hay thể chất vượt trội như Giannis Antetokounmpo (Hy Lạp).

Nếu chỉ tính bên trong phạm vi nước Mỹ, tỷ lệ chọi để vào NBA là cực cao. Các cầu thủ phải cạnh tranh quyết liệt để chiếm vị trí thi đấu ở đội hình chính từ cấp độ trung học.

Kế đến, các cầu thủ phải là ngôi sao chủ lực mới có thể hy vọng nhận được học bổng hoặc tham gia những đội ở NCAA Division I (giải bóng rổ sinh viên cấp độ cao nhất nước Mỹ).

NCAA là nơi tập hợp những cầu thủ ưu tú nhất từ trung học và con số đó là 4.200 người các cấp độ. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 50 đến 60 cầu thủ từ NCAA được chọn vào NBA mỗi năm.

Trải qua nhiều trận, giải đấu và những đợt tuyển chọn gắt gao, nhóm cầu thủ cuối cùng trụ lại luôn là những người giỏi nhất và khác biệt với phần còn lại.

Tất cả những yếu tố kể trên khiến Mỹ trở thành nơi xuất khẩu cầu thủ chủ lực của nền bóng rổ thế giới. Việc không thể thi đấu ở NBA khiến nhiều cầu thủ người Mỹ quyết định chuyển sang những giải đấu ở châu Âu, châu Á... nhằm tìm kiếm cơ hội mới.

Ông Nguyễn Hoài Nam, chủ sở hữu Cantho Catfish, bày tỏ quan điểm với Zing về việc ưu tiên chọn ngoại binh đến từ Mỹ: "Ai cũng biết Mỹ là cường quốc về bóng rổ. Họ có nền bóng rổ phát triển bậc nhất trên thế giới. Do đó, nguồn cung chất lượng về nhân sự chơi bóng rổ tại Mỹ luôn dồi dào".

Ngoài ra, sự xuất hiện của cầu thủ người Mỹ luôn chiếm đa số ở mọi danh sách đề cử nhân lực từ những nhà môi giới. "Số lượng ngoại binh người Mỹ chiếm đa số trong danh sách nên không quá khó để chọn ra những cầu thủ thỏa mãn các CLB. Đó là lý do chúng tôi chọn họ", ông Hoài Nam nói thêm.

Hình ảnh các cầu thủ Mỹ đối đầu nhau trong các trận ở VBA là điều quá đỗi bình thường. Ảnh: Y Kiện.

Người Mỹ thống trị bóng rổ thế giới

Không giống các môn thể thao khác, bóng rổ có sự chênh lệch rất lớn giữa giải đấu số một và phần còn lại. NBA giữ vị trí độc tôn trong làng bóng rổ thế giới khi có chất lượng cầu thủ, sức hút truyền thông và mức thu nhập vượt trội.

Ngược dòng thời gian trở về hơn một thế kỷ trước, người Mỹ đã tạo ra bóng rổ. Môn thể thao có 10 người tranh nhau ném một quả bóng màu cam vào rổ được giáo viên thể chất người Mỹ James Naismith tạo ra vào năm 1891.

Bóng rổ nhanh chóng trở nên phù hợp với người Mỹ và sớm phát triển không ngừng từ mọi tầng lớp. Người Mỹ thiết lập luật lệ và đưa bóng rổ trở thành môn thể thao chuyên nghiệp.

Trải qua nhiều thập niên cạnh tranh và sáp nhập, NBA trở thành giải bóng rổ duy nhất của Mỹ kể từ năm 1976. Người Mỹ cũng xây dựng hệ thống giải đấu trẻ ở mọi cấp độ từ tiểu học, trung học cho đến đại học để cung cấp nguồn cầu thủ cho NBA.

NBA là thiên đường và giấc mơ của mọi cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp trên thế giới. Ảnh: NBA.

Những giải đấu này là nền tảng giúp bóng rổ Mỹ phát triển và sản sinh rất nhiều thế hệ cầu thủ tài năng. Những cầu thủ giỏi nhất sẽ góp mặt ở NBA trong khi phần còn lại chuyển sang thi đấu và trở thành ngôi sao hàng đầu ở nhiều giải khác trên thế giới.

Khi người Mỹ không ngừng phát triển và xây dựng hệ thống giải đấu dày đặc từ các cấp độ, phần còn lại của thế giới lại là câu chuyện khác. Nhiều nước xem bóng rổ chỉ đơn thuần là trò chơi giải trí và không hứng thú với việc phát triển giải đấu chuyên nghiệp. Cuộc cạnh tranh khốc liệt với bóng đá và bóng bầu dục cũng hạn chế tầm ảnh hưởng của bóng rổ, đặc biệt ở châu Á và châu Phi.

Mãi đến năm 1975, giải bóng rổ chuyên nghiệp thứ hai trên thế giới mới ra đời là PBA của Philippines. Đây là giải bóng rổ chuyên nghiệp đầu tiên ở châu Á và lâu đời thứ hai trên thế giới sau NBA. Nói là lâu đời nhưng PBA mới có hơn 40 năm lịch sử, khó so sánh với các môn thể thao phổ biến thế giới ngày nay.

Những yếu tố kể trên được cho là nguyên nhân lớn khiến NBA và nền bóng rổ Mỹ có khoảng cách chênh lệch lớn với phần còn lại của thế giới. Điều đó cũng góp phần khiến Mỹ trở thành lò xuất khẩu cầu thủ lớn nhất, qua đó tác động tới tình hình ngoại binh ở giải bóng rổ Việt Nam.

Đối thủ bất lực trước tài năng bóng rổ 16 tuổi, nặng 122 kg Jahzare Jackson đang nổi lên là hiện tượng của bóng rổ thế giới. Tài năng 16 tuổi cao 2,13 m và nặng 122 kg nên hoàn toàn vượt trội các đối thủ.

Huỳnh Khoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-phan-lon-ngoai-binh-vba-den-tu-my-post1237692.html