Vì sao phải tuân thủ dùng thuốc trong điều trị?

Không tuân thủ dùng thuốc là một trong những lý do chính dẫn đến thất bại điều trị.

Trên thực tế, sau khi nhận được thuốc theo đơn cũng chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân điều trị bệnh mạn tính tuân thủ dùng thuốc. Trong một số trường hợp, không tuân thủ có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn như quên một liều hoặc ngừng sớm kháng sinh hoặc thuốc kháng virus có thể dẫn đến các vi khuẩn kháng thuốc.

Tuân thủ điều trị tức là dùng thuốc đúng liều và đúng khoảng cách giữa các lần dùng thuốc được kê. Việc không tuân thủ điều trị là rất phổ biến và có thể gây hậu quả đáng kể như tình trạng bệnh nặng lên, biến chứng, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.

Tuân thủ điều trị có 3 giai đoạn: bắt đầu dùng thuốc liều đầu tiên, tiếp tục dùng thuốc theo phác đồ và ngừng dùng thuốc khi kết thúc phác đồ. Tương tự, việc không tuân thủ điều trị có thể chia làm 3 loại: bệnh nhân không bắt đầu dùng thuốc, bệnh nhân dùng thuốc không đúng cách và ngừng dùng thuốc khi chưa kết thúc phác đồ.

Lý do không tuân thủ

Chỉ có khoảng một nửa số bệnh nhân rời khỏi phòng mạch bác sĩ sẽ dùng theo chỉ dẫn của đơn thuốc. Lý do không tuân thủ khá đa dạng và bắt nguồn từ cả 2 phía: bệnh nhân và chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Đối với bệnh nhân, có thể kể đến các yếu tố chính: hết triệu chứng bệnh, thiếu nhận thức về vấn đề sức khỏe, thiếu tin tưởng vào liệu pháp điều trị cũng như các vấn đề liên quan đến chi phí thuốc và chi phí điều trị cao.

Tuân thủ dùng thuốc tốt sẽ giúp đạt hiệu quả cao trong điều trị.

Tuân thủ dùng thuốc tốt sẽ giúp đạt hiệu quả cao trong điều trị.

Với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, việc thiếu thời gian có thể ảnh hưởng đến quá trình tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân, làm tăng tỷ lệ không tuân thủ.

Không tuân thủ có khả năng xảy ra cao hơn trong quá trình chuyển đổi sang liệu trình điều trị mới hoặc có sự thay đổi trong quá trình điều trị, chẳng hạn như cuối tuần, ngày lễ, ngày nghỉ hoặc trong thời kỳ bệnh cấp tính. Kết quả là lãng phí thuốc, bệnh nặng hơn, tăng tỷ lệ nhập viện và giảm chất lượng của cuộc sống và kéo theo gánh nặng trong chi phí không tuân thủ hàng năm trong hệ thống y tế cao.

Các đối tượng cần quan tâm đặc biệt

Trẻ em: Ít tuân thủ chế độ điều trị hơn so với người lớn. Sự tuân thủ là kém nhất ở các bệnh mạn tính cần điều trị phức tạp, lâu dài (ví dụ như bệnh đái tháo đường vị thành niên, hen phế quản). Cha mẹ có thể không hiểu rõ các hướng dẫn theo đơn thuốc và trong vòng 15 phút đã quên đi một nửa thông tin do bác sĩ cung cấp.

Người cao tuổi: Tuân thủ các phác đồ điều trị tốt như những người lớn khác. Tuy nhiên, các yếu tố làm giảm sự tuân thủ (ví dụ như không đủ tài chính, sử dụng nhiều loại thuốc hoặc thuốc phải sử dụng nhiều lần trong ngày) phổ biến hơn ở người cao tuổi. Sự suy giảm nhận thức có thể làm giảm sự tuân thủ. Đôi khi một bác sĩ phải sáng tạo bằng cách chọn một loại thuốc dễ sử dụng hơn mặc dù nó không phải là sự lựa chọn đầu tiên.

Lời khuyên của thầy thuốc

Sự tuân thủ điều trị giúp đem lại nhiều lợi ích hơn bất kỳ phương pháp điều trị nào. Bởi vì dù đã có nhiều loại thuốc công nghệ cao, tân tiến ra đời, nhưng nếu bệnh nhân không dùng thuốc đúng cách cũng không mang lại hiệu quả điều trị. Vì vậy phải luôn ghi nhớ: dùng đúng thuốc, vào đúng thời điểm, với liều lượng thích hợp, trong đúng thời gian chỉ định và không tự dùng thêm bất kỳ thuốc nào.

Nếu thực hiện tối ưu và kiên trì điều trị sẽ giúp bệnh nhân đạt được kết quả lâm sàng tốt hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 5 yếu tố ảnh hưởng đến sự tuân thủ thuốc, đó là:

Các yếu tố liên quan đến trị liệu: Thời gian điều trị, thất bại điều trị trước đó và thời gian biểu hiện các tác dụng có lợi.

Các yếu tố liên quan đến tình trạng bệnh: Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, mức độ tổn thương và khả năng điều trị hiệu quả.

Các yếu tố liên quan đến bệnh nhân: Không tin vào chẩn đoán, quên và động lực khỏi bệnh thấp…

Các yếu tố liên quan đến kinh tế và xã hội: Ðiều kiện kinh tế, xã hội kém, trình độ học vấn thấp...

Hệ thống chăm sóc sức khỏe/các yếu tố liên quan đến nhóm chăm sóc sức khỏe: hệ thống phân phối thuốc kém và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị quá tải.

DS. Vũ Thùy Dương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-phai-tuan-thu-dung-thuoc-trong-dieu-tri-n187524.html