Vì sao phải đốn ngọn, hạ cành cây cổ thụ ở các tuyến phố?

Nhiều người dân TP. Vũng Tàu tỏ ra băn khoăn khi hàng trăm cây cổ thụ trên địa bàn được cắt tỉa cành, nhánh, hạ độ cao. Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, việc làm này nhằm phòng, chống nguy cơ gãy, đổ mà vẫn bảo đảm quá trình sinh trưởng của cây.

Một số cây xanh trên đường Lý Thường Kiệt đã ra chồi mới.

Một số cây xanh trên đường Lý Thường Kiệt đã ra chồi mới.

Mới đây, sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Công ty CP Phát triển cây xanh và Đô thị Vũng Tàu (UPC) đã huy động hơn 50 công nhân và các phương tiện máy cẩu, máy cưa, cắt… để cắt tỉa cành, nhánh, hạ tán, hạ độ cao cho hàng chục cây cổ thụ trên các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Thống Nhất, Nguyễn Du… Tính từ đầu mùa mưa năm 2019 đến nay, công ty đã cắt tỉa cành, nhánh, tạo vòm, tán, hạ độ cao cho 65 cây cổ thụ loại 2 (có đường kính dưới 50cm; cao từ 6-12m) và 173 cây cổ thụ loại 3 (có đường kính từ 50cm trở lên; cao từ 12m trở lên) tập trung trên 17 tuyến đường chính của thành phố. Các cây cổ thụ trên địa bàn TP. Vũng Tàu chủ yếu là sao đen, bằng lăng, giáng hương, lim xẹt, xà cừ, điệp, dầu… có tuổi đời từ 50 năm tuổi trở lên dọc các tuyến đường Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, khu vực gần nhà thờ Vũng Tàu…

Ông Nguyễn Ngọc Lang (105/18, Lê Lợi, TP. Vũng Tàu) tỏ ra tiếc nuối: “Những hàng cổ thụ trên các tuyến đường Trương Công Định, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du… mang đến vẻ đẹp rất riêng cho TP. Vũng Tàu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên đường Trương Công Định, đoạn mới mở rộng lộ giới, hàng cây cổ thụ bị cắt gần như mất ngọn, làm giảm độ che phủ vẻ đẹp vốn có”.

Theo Tiến sĩ Trương Thành Công, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH-KT tỉnh, nguyên Giám đốc Sở KH-CN, việc thi công tuyến đường Trương Công Định đào sâu khiến rễ cây bị cắt bớt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cây. “Cắt tỉa cành, nhánh, hạ độ cao cho cây để làm giảm nguy cơ gãy, đổ là cần thiết nhưng tránh tình trạng lạm dụng việc này để cắt tỉa quá mức cần thiết. Đây là hàng cây có tuổi đời gần 100 năm, không những có giá trị về mặt lịch sử mà còn có ý nghĩa về mặt cảnh quan, môi trường, điều hòa không khí, tạo bóng mát, làm đẹp mỹ quan đô thị…”, ông Công nói.

Trước những băn khoăn của người dân và giới chuyên môn, trao đổi vấn đề này, ông Trịnh Trọng Tấn, Phó Phòng Kế hoạch Công ty UPC cho biết, trong việc duy trì và bảo vệ cây xanh, đặc biệt là cây cổ thụ trên các tuyến đường có sửa chữa hoặc mở rộng lộ giới thì cần thiết phải thực hiện cắt tỉa cành, nhánh, tạo vòm tán, hạ độ cao cho cây. Theo đó, đối với cây cổ thụ trong khu vực đô thị thường duy trì chiều cao hợp lý (cây loại 2 không quá 12m, cây loại 3, cao hơn hoặc bằng 12m tùy theo không gian đô thị); tán cây trong vòng bán kính 5-10m. Nếu những cây tán quá lớn thì phải bo tán lại để thông luồng gió, giảm sức cản gió, tránh hiệu ứng đường hầm trong đô thị khi có gió lớn, lốc xoáy. Những cây già cỗi lâu năm sau khi cắt tỉa sẽ tạo chồi mới, bảo đảm cây vẫn khỏe, sinh trưởng tốt, giúp tái sinh chồi non mới khỏe hơn. “Quá trình thực hiện, công ty luôn tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật. Việc làm này là để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, hạn chế đến mức tối đa nguy cơ gãy đổ của cây, đặc biệt là hệ thống cây cổ thụ”, ông Trịnh Trọng Tấn cho biết thêm.

Ông Nguyễn Trọng Thụy, Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu cho biết, việc cắt tỉa cành nhánh, hạ độ cao cho hệ thống cây cổ thụ là theo kế hoạch hàng năm của thành phố. Theo đó, từ đầu mùa mưa 2019, thành phố cấp phép cho Công ty UPC cắt tỉa cành, nhánh, hạ độ cao cho 238 cây cổ thụ trên các tuyến đường chính (duy trì đến đầu mùa mưa năm 2020). “Bản thân cây xanh trong đô thị cần phải chỉnh sửa nếu vượt quá chiều cao, tán vòm quá rộng ảnh hưởng đến nhà dân, trụ sở thì phải cắt tỉa bớt nhưng phải bảo đảm an toàn về mặt mỹ quan và sinh trưởng cho cây. Lượng gỗ từ việc cắt, hạ tán cây xanh được thu gom và đấu giá, ông Thụy nói.

Đối với tuyến cây cổ thụ trên đường Trương Công Định, năm 2019 việc thi công mở rộng lộ giới có ảnh hưởng nhất định đến bộ rễ của cây. Cụ thể, trên tuyến đường này có 64 cây xanh, trong đó có 35 cây cổ thụ (nhiều nhất là cây xà cừ) có đường kính từ 0,5 -1,5m, cao 12-15m. Do đó, để bảo đảm an toàn cho cây, công ty buộc phải làm quang vòm, nhẹ tán và có chế độ chăm sóc đặc biệt như truyền dịch, đổ thêm đất mới. Hiện sức khỏe của cây đã phát triển ổn định, cho lộc mới và dự kiến sau mùa mưa năm 2020 tán cây sẽ trở lại như trước.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/ban-doc/202002/vi-sao-phai-don-ngon-ha-canh-cay-co-thu-o-cac-tuyen-pho-891768/