Vì sao Petrolimex lỗ nặng trong quý II/2022?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Petrolimex cho thấy, kết thúc quý II/2022, doanh thu thuần hợp nhất đạt 84.367,4 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế lỗ 140,8 tỷ đồng (trong khi quý II/2021 lãi 1.594 tỷ đồng).

Với kết quả trên, khiến lũy kế 6 tháng đầu năm, mặc dù doanh thu thuần đạt 151.387 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 87%, chỉ còn 301,7 tỷ đồng.

Kết quả thua lỗ của Petrolimex gây bất ngờ cho khá nhiều nhà đầu tư, vì tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức đầu tháng 6/2022, Ban lãnh đạo Công ty thông báo kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm khả quan với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.340 tỷ đồng.

Theo lý giải của ông Nguyễn Bá Tùng, Kế toán trưởng Petrolimex, trong quý II/2022, giá dầu thế giới (WTI) tăng từ 99,4 USD/thùng vào đầu quý lên mức 122 USD/thùng (tăng 23%), sau đó lại giảm sâu, còn 105,8 USD/thùng vào thời điểm cuối tháng 6/2022. Do giá xăng dầu từ đầu tháng 7/2022 được điều chỉnh giảm với biên độ lớn, Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày lập báo cáo tài chính, nên đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. Việc Petrolimex phải nhập khẩu xăng dầu trong chu kỳ giá thế giới tăng cao để đảm bảo cung ứng xăng dầu cũng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trong kỳ.

Tính đến 30/6/2022, giá trị hàng tồn kho của Petrolimex lên đến 23.478,8 tỷ đồng, giá trị trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 1.330,5 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 10.000 tỷ đồng và 1.106,8 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho cũng là khoản mục có giá trị lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Petrolimex với tỷ lệ 27,3%.

Theo ông Đào Nam Hải, Tổng giám đốc Petrolimex, từ năm 2021 về trước, nhập khẩu xăng dầu chỉ chiếm khoảng 30% tổng nguồn đầu vào của Tập đoàn, song 6 tháng đầu năm 2022, với diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu, cộng với việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vẫn đang gặp sự cố và chưa đảm bảo nguồn cung, nên Petrolimex phải tăng dự phòng, tạo nguồn để đảm bảo an ninh năng lượng, tỷ lệ nhập khẩu tăng lên 46%.

Việc tăng mạnh tồn kho cũng khiến giá trị nợ phải trả của Petrolimex tăng lên 53.671 tỷ đồng đến cuối tháng 6/2022, tăng 52,4% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay chiếm 18.200 tỷ đồng, tăng 2.831 tỷ đồng so với đầu năm.

Tính đến 30/6/2022, Petrolimex đang có 11 khoản đầu tư vào các công ty liên kết với giá trị 3.243,4 tỷ đồng, trong đó, lớn nhất là khoản đầu tư vào PGBank với 1.750,8 tỷ đồng, nắm giữ 40,57% vốn tại ngân hàng này.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, lãnh đạo Petrolimex cho biết, kế hoạch thoái vốn tại PGBank được dự kiến thực hiện vào nửa đầu quý IV/2022 theo hình thức đấu giá công khai. Kế hoạch thoái vốn nếu thành công sẽ có đóng góp đáng kể vào lợi nhuận và dòng tiền của Petrolimex trong năm nay.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/vi-sao-petrolimex-lo-nang-trong-quy-ii2022-662801.html