Vì sao Panasonic ngừng sản xuất tivi ở Việt Nam?

Không chỉ ở Việt Nam, Panasonic cũng ngừng sản xuất tivi ở thị trường Ấn Độ.

Panasonic đang muốn cắt giảm chi phí trong lĩnh vực sản xuất tivi (TV) - nơi mà dấu ấn thương hiệu của họ đã trở nên mờ nhạt. Do đó, việc sản xuất TV sẽ kết thúc trong năm tài chính này, tại các nhà máy ở Ấn Độ và Việt Nam, theo Nikkei Asia. Việc phát triển TV dòng bình dân, vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp cũng sẽ được tập đoàn này thuê ngoài để cắt giảm chi phí. Panasonic cho biết, vào năm 2019, họ sẽ tìm cách hợp tác với các công ty khác trong việc sản xuất TV như một cách để cắt giảm chi phí. Sau khi xem xét nhiều nhà sản xuất TV lớn, Panasonic lựa chọn TCL.

 Panasonic ngừng sản xuất TV ở Việt Nam.

Panasonic ngừng sản xuất TV ở Việt Nam.

Panasonic đã theo chân các thương hiệu hàng đầu khác của Nhật Bản trong việc bỏ hoặc thu nhỏ hoạt động sản xuất TV - lĩnh vực từng là thế mạnh cạnh tranh lớn của ngành công nghiệp điện tử nước này. Panasonic sẽ tiếp tục sản xuất TV cao cấp của riêng mình, chủ yếu để bán tại Nhật Bản. Tuy nhiên, công ty cũng sẽ xem xét việc hợp nhất hoặc thu hẹp các địa điểm sản xuất ở trong và ngoài nước.

Panasonic từng nắm 10% thị phần TV toàn cầu nhưng dần mất đi sức hút khi các đối thủ giá rẻ từ Trung Quốc xuất hiện. Trước đó, Panasonic đã rút khỏi mảng TV Plasma, ngừng hoạt động sản xuất tại Mỹ và Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu Omdia của Anh, năm 2020, Panasonic chiếm 1,8% thị phần TV toàn cầu, xếp vị trí thứ 12.

Kinh doanh và sản xuất TV chiếm chưa đến 10% tổng doanh thu của Panasonic. Mảng này có lãi trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2021 nhờ thị trường nội địa phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, công ty cũng sớm nhận thấy cơ hội thu lãi dài hạn từ TV không còn ổn định. Vì vậy, họ buộc phải tái cơ cấu các hoạt động kinh doanh, tương tự nhiều thương hiệu Nhật Bản khác.

Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 vừa qua, Panasonic báo lãi ròng 165 tỷ yên, giảm 27%. Lợi nhuận hoạt động giảm 12% trên doanh thu 6,7 nghìn tỷ yên, giảm 11%.

Dưới thời CEO Kazuhiro Tsuga, Panasonic tập trung vào việc tái cơ cấu, sau khi báo cáo khoản lỗ hơn 7 tỷ USD trong hai năm liên tiếp (trong năm tài chính 2011 và 2012). Công ty đã từ bỏ các hoạt động kinh doanh không có lãi, bao gồm sản xuất tấm pin mặt trời, chất bán dẫn, màn hình TV plasma và tấm nền LCD.

Một liên doanh sản xuất pin Gigafactory với Tesla cũng lần đầu tiên có lãi kể từ khi bắt đầu sản xuất vào năm 2017. Năm ngoái, Panasonic đã đầu tư để mở rộng sản xuất pin tại nhà máy ở Nevada, nhưng họ đang tránh cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ của Trung Quốc và Hàn Quốc, tập trung vào quan hệ đối tác thay vì chấp nhận rủi ro đầu tư lớn. Giám đốc tài chính Panasonic Umeda cho biết Gigafactory sẽ tạo ra lợi nhuận khoảng 20 tỷ JPY trong năm nay.

Panasonic cũng đang chạy đua với việc phát triển sản phẩm pin mới, có mã "4680" mà Tesla đã công bố vào năm ngoái, được kỳ vọng sẽ tăng tầm "phủ sóng" của xe điện Tesla và giúp giá cả phải chăng hơn. Một trong những thách thức là đạt được mức độ an toàn thích hợp.

Thu Hà (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/vi-sao-panasonic-ngung-san-xuat-tivi-o-viet-nam-d186734.html