Vì sao ông Zelensky có 'hai cuộc chiến' cùng lúc?

Tân Tổng thống Ukraine tuyên bố đang phải tiến hành đồng thời hai cuộc chiến: chống Nga và chống tham nhũng.

Ngày 30/5, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã có cuộc gặp với Thượng Nghị sĩ Mỹ Robert Portman. Tại đây, ông đã tuyên bố Ukraine đang phải cùng lúc tiến hành hai cuộc chiến.

Tổng thống Zelensky cho biết: "Quyết định giải tán Quốc hội được đưa ra vì họ làm việc không hiệu quả và làm chậm quá trình thành lập Nội các mới. Chúng tôi không thể chờ đợi lâu hơn".

"Có hai cuộc chiến - đối đầu với Nga và đối đầu với nạn tham nhũng trong nước, vốn là mối đe dọa lớn nhất với nền kinh tế của Ukraine. Nếu Quốc hội này tiếp tục tồn tại, chúng tôi sẽ phải chờ đến tháng 12 mới có thể thành lập chính phủ. Ukraine không còn thời gian để chờ đợi" - ông Zelensky nhấn mạnh.

Trước đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine đã đưa ra thông báo, đề nghị Quốc hội Ukraine cách chức vụ ba vị trí quan trọng của Nội các cũ gồm: Ngoại trưởng Pavel Klimkin, Bộ trưởng Quốc phòng Stepan Poltorak, Giám đốc An ninh Ukraine (SBU) Vasyl Hrytsak.

Quốc hội Ukraine đang công khai đối đầu với Tổng thống Zelensky và không Tổng tuyển cử sớm

Quốc hội Ukraine đang công khai đối đầu với Tổng thống Zelensky và không Tổng tuyển cử sớm

Ngay trong ngày nhậm chức 21/5, sau khi có một bài phát biểu "đi vào lòng người", Tổng thống Ukraine tuyên bố giải tán Quốc hội và kêu gọi Tổng tuyển cử sớm hơn hạn định (cuối tháng 10/2019).

Tổng thống Zelensky, người không có kinh nghiệm chính trị nhưng có ảnh hưởng tới cử tri Ukraine. Ông đã chiến thắng áp đảo với người tiền nhiệm Petro Poroshenko với tỉ lệ lên tới 73% phiếu ủng hộ.

Tuy nhiên, Đảng Người phục vụ nhân dân của ông Zelensky chỉ mới thành lập trong giai đoạn tiến hành tranh cử Tổng thống, và tất nhiên đang không có bất kỳ ghế nào trong Quốc hội. Ngược lại, Quốc hội đang tồn tại ở Kiev có đại đa số là các Nghị sĩ trong liên minh cầm quyền thân với cựu Tổng thống Poroshenko.

Giới phân tích cho rằng việc Đảng của ông Zelensky không có ghế trong Quốc hội sẽ là một trở ngại rất lớn trong các chính sách của Tổng thống này. Các vị trí trong Nội các cũ không được bãi bỏ (như trường hợp của 3 vị trí nêu trên) và Tổng thống không có người của đảng mình để bổ nhiệm các vị trí quan trọng.

Ngoài ra, Quốc hội hiện tại của Ukraine đã công khai đối đầu với ông Zelensky. Động thái mới nhất, Thủ tướng Volodymyr Groysman đã đệ đơn từ chức, nhưng Quốc hội nước này đã bác đơn và yêu cầu ông Groysman tiếp tục nhiệm vụ hôm 30/5.

Ngay sau khi đắc cử Tổng thống, hàng loạt biện pháp được cho là "chống tham nhũng" đã được ông Zelensky tiến hành. Đáng chú ý nhất trong đó là việc yêu cầu Quốc hội bỏ phiếu thông qua việc bãi bỏ quyền được miễn trừ hình sự với một số vị trí Nghị sĩ quan trọng trong Quốc hội.

Tân Tổng thống Vladimir Zelensky chưa thể thành lập được nội các mới

Đồng thời, Tòa án Tối cao Ukraine đang tiến hành cuộc điều tra nhằm vào cựu Tổng thống Poroshenko với các cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ, bố trí nhân sự không phù hợp, lợi dụng chức vụ để biển thủ công quỹ...

Như vậy, cuộc thanh trừng tàn dư thời kỳ cũ của ông Zelensky đã được diễn ra một cách công khai và rầm rộ. Hành động này của ông Zelensky được lòng dân, nhưng lại động chạm đến quyền lợi của đại đa số Nghị sĩ thời kỳ Tổng thống tiền nhiệm.

Từ đó để thấy, trước mặt Thượng Nghị sĩ nước Mỹ, đương kim Tổng thống Ukraine đã chọn hai vấn đề mà Mỹ và EU luôn nhắc nhở, đốc thúc cũng như thất vọng với chính quyền cựu Tổng thống Prochenco. Một sự lấy lòng khá lộ liễu hay một sự tuyên xưng sẽ xứng đáng với từng đồng đô la của Mỹ và EU sẽ sớm viện trợ.

Tiếp đến là cuộc chiến chống tham nhũng. Hay nói cách khác, chính quyền mới của Tổng thống Zelensky đang đưa ra đề nghị với Mỹ: "Kiev mới" cần sự hậu thuẫn của Mỹ trong cuộc chiến chống tham nhũng, hay nói cách khác là sự giúp đỡ của Washington trong cuộc chiến quyền lực nhằm đảm bảo ông Zelensky có đầy đủ những phương tiện hỗ trợ cho những quyết sách của mình, từ Nội các cho đến Quốc hội.

Tổng thống Zelensky đang theo đuổi cùng lúc hai cuộc chiến? Thực tế, chỉ có một cuộc chiến duy nhất, mang tính quyết chiến chiến lược với tương lai chính trị của ông vào thời điểm này: thanh trừ tàn dư của chính quyền cũ và gia tăng quyền lực của mình.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/vi-sao-ong-zelensky-co-hai-cuoc-chien-cung-luc-3381095/