Vì sao ông Trump không thể khiến ông Kim Jong-un thay đổi?

Bình Nhưỡng đã đe dọa cho các căn cứ quân sự của Mỹ và lãnh thổ Nhật biến mất bằng một đòn tấn công.

Hai nhà lãnh đạo Triều Tiên - Mỹ

Theo nhận định của một nhà báo Mỹ có tiếng, sự khác biệt trong tư duy, sách lược và cách nhìn nhận vấn đề giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un có thể sẽ tiếp tục đưa quan hệ Mỹ - Triều rơi vào vòng xoáy căng thẳng liên miên, thậm chí là vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh Mỹ vừa liệt Triều Tiên trở lại danh sách đen “Các quốc gia bảo trợ khủng bố”.

Triều Tiên chỉ trích Mỹ

Thông tấn Mỹ AP ngày 23/11 đưa tin, trong một tuyên bố mới nhất nhằm đáp trả việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách mà Washington gọi là “Các quốc gia bảo trợ khủng bố”, Bình Nhưỡng đã cáo buộc rằng, việc làm của nhà lãnh đạo Mỹ là hành động “khiêu khích nghiêm trọng”.

Triều Tiên cũng khẳng định rằng, hành động của Hoa Kỳ đã một lần nữa chứng minh rằng, các chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân của nước này là hoàn toàn đúng đắn. Trong thông điệp đáp trả mới nhất được Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, Bình Nhưỡng tuyên bố Mỹ đã sai lầm vì Triều Tiên không có liên kết nào với chủ nghĩa khủng bố và Bình Nhưỡng “không cần quan tâm đến việc Hoa Kỳ có “chụp mũ cực đoan cho nước này hay không”.

“Hành động của Mỹ cho thấy, Triều Tiên cần phải tiếp tục duy trì “thanh kiếm báu hạt nhân” trong tay một cách chắc chắn nhằm tự vệ trước sự thù địch từ phía Mỹ. Bằng cách đưa Triều Tiên trở lại cái gọi là danh sách “Các quốc gia bảo trợ khủng bố”, Mỹ đã công khai với thế giới về ý định hủy diệt hệ thống chính trị - tư tưởng của Triều Tiên bằng mọi phương tiện và kế sách”, hãng truyền thông Nhà nước Triều Tiên dẫn một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này cho hay.

“Quân đội và nhân dân Triều Tiên đang phẫn nộ cực đỉnh với những tên găng tơ dám đặt tên đất nước thiêng liêng của chúng ta vào danh sách khốn khổ được gọi là “khủng bố”. Việc làm này chỉ làm cho ý chí của chúng ta thêm cứng rắn, sẵn sàng đối phó với những kẻ ngạo ngược vào bất cứ thời điểm, cách thức nào...”, cảnh báo từ phía Triều Tiên nêu rõ.

Một thông điệp khác do phát ngôn viên của Ủy ban Hòa bình châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức do Nhà nước Triều Tiên bảo trợ cũng đã chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng những bình luận mỉa mai, đồng thời khẳng định, hành động của ông chủ Nhà Trắng sẽ chỉ khiến quân đội và nhân dân Triều Tiên càng bùng nổ tinh thần căm ghét, muốn chiến đấu chống lại kẻ thù.

Răn đe bằng vũ khí hạt nhân

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un

Ngay sau khi đưa Triều Tiên trở lại danh sách “Các quốc gia bảo trợ khủng bố”, chỉ 24 giờ sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiếp tục tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Triều Tiên thông qua hành động trừng phạt các công ty vận tải đường biển của Triều Tiên và các công ty thương mại của Trung Quốc có liên quan nhằm tăng áp lực chống lại Bình Nhưỡng.

Trong vòng 2 tuần qua, quân đội Mỹ liên tục điều động các tài sản chiến lược như hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom chiến lược tầm xa tham gia các cuộc tập trận với các đồng minh là Nhật Bản và Hàn Quốc để gửi đi thông điệp cứng rắn với Triều Tiên.

Ngày 23/11, hãng tin Reuters của Anh dẫn lời một phát ngôn viên của Ủy ban An ninh quốc gia ở Nhà Trắng lên tiếng phủ nhận thông tin cho rằng, Tổng thống Donald Trump hiện nay không đủ kinh nghiệm và kỹ năng để có thể kiểm soát được kho vũ khí hạt nhân vào hạng lớn và mạnh nhất thế giới của Lầu Năm Góc.

Thông điệp cũng có mục đích cảnh báo với Triều Tiên và các đối thủ của Mỹ nói rằng, “Tổng thống Trump hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt trong việc sẵn sàng đưa ra những quyết định quan trọng có liên quan đến các lực lượng hạt nhân của chúng tôi”.

Vấn đề duy nhất hiện nay quân đội Mỹ đang phải đối mặt là trong trường hợp họ muốn tấn công Triều Tiên bằng các tên lửa đạn đạo bố trí trên đất liền (từ các hầm phóng silo) mà không dùng đến lực lượng không quân hay hải quân thì tên lửa sau khi bắn đi, trước khi chạm đến các mục tiêu trên lãnh thổ Triều Tiên đều phải bay qua Nga. Trong các tình huống khẩn cấp, quân đội Nga có thể hiểu nhầm và đáp trả thì lúc đó sẽ có thảm họa lớn.

Tư duy của hai lãnh đạo Mỹ - Triều

Dù bị Mỹ và các đồng minh, cộng đồng quốc tế trừng phạt, Triều Tiên dường như không có dấu hiệu sợ hãi, bằng chứng là ngay chiều 20/11, Bình Nhưỡng đã lên tiếng đe dọa sẽ cho các căn cứ quân sự của Mỹ và toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản biến mất bằng một đòn tấn công hạt nhân nếu như Tokyo vẫn tiếp tục “kích động chiến tranh” nhằm vào Triều Tiên, theo Japan Times.

Ông Ian Buruma, chủ biên trang Review of Books của báo The New York, tác giả của hàng loạt cuốn sách, trong đó có cuốn A History of 1945 gần đây đã có nhận định rằng, xuất phát từ tư duy, chiến thuật, hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Triều Tiên chắc chắn sẽ không có bất cứ tiếng nói chung nào trong thời gian tới, cụ thể là khả năng đàm phán và đối thoại.

Lực lượng pháo binh hùng hậu của Triều Tiên

Buruma cho rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất thân từ một doanh nhân bất động sản, người luôn tin rằng mọi thứ đều có thể mang ra thương lượng. Trong kinh doanh, với ông Trump, không có điều gì là thiêng liêng cả. Tư tưởng để tạo nên một thỏa thuận của ông Trump đó lấn áp, đe dọa và kể cả lừa lọc.

Vì thế mà ông Trump đã từng hứa sẽ “hủy diệt Triều Tiên hoàn toàn” nếu cần. Nếu lời cam kết này trở thành hiện thực, có thể đồng nghĩa với cái chết của ít nhất hơn 20 triệu người và rất nhiều leo thang không thể lường hết được.

Khó có thể tưởng tượng được rằng, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, với tư cách là người bảo vệ, được nhân dân của ông coi như “thần thánh”, sẽ có thể bị thuyết phục ngồi xuống bàn đàm phán vì những lời hăm dọa to tiếng như vậy từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, có một rủi ro khác mà nhiều khả năng sẽ xảy ra. Bởi lẽ, các dòng trạng thái nhuốm màu thù địch trên mạng xã hội Twitter và những lời phát biểu công khai đầy hăm dọa của ông Trump thường được đính chính sau đó bởi các thành viên cấp cao trong Nội các Mỹ thông qua các phát biểu thận trọng hơn.

Vì thế, ông Kim Jong-un có lẽ chắc chắn sẽ coi thường những lời đe dọa đó, thậm chí, Chủ tịch trẻ tuổi của Triều Tiên có thể nghĩ rằng, những lời ông Trump nói chỉ là dọa dẫm, lừa bịp và ông Donald Trump sẽ không bao giờ thực hiện những lời cam kết của mình.

Suy nghĩ này có thể thúc đẩy ông Kim Jong-un tiến hành những hành động thiếu thận trọng, chẳng hạn, trong một bối cảnh căng thẳng tột cùng, Triều Tiên có thể phóng một tên lửa vào một vùng lãnh thổ Mỹ trên Thái Bình Dương, hành động sẽ khiến Mỹ cảm thấy phải đáp trả tương xứng. Hậu quả gây ra sẽ rất thảm khốc đối với không chỉ những người dân Triều Tiên tin vào sứ mệnh thiêng liêng của ông Kim Jong-un, mà còn đối với hàng triệu người dân Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.

Lê Cường

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vi-sao-ong-trump-khong-the-khien-ong-kim-jong-un-thay-doi-d234139.html