Vì sao 'ông trùm' hàng hải - Vinalines chưa thể đại hội cổ đông lần đầu?

Sau 18 tháng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đến nay, Tổng Công ty hàng hải Việt Nam (Vinanlines) vẫn chưa thể tiến hành Đại hội cổ đông. Đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trên?

Phát sinh tình tiết mới

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) cho biết: Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 20/6/2018. Sau khi Vinalines chuyển về CMSC, Ủy ban đã thực hiện rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục, thông qua phương án nhân sự tại công ty cổ phần xem xét giới thiệu Người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Cụ thể, để tổ chức được Đại hội đồng cổ đông, Ủy ban phải phê duyệt hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép Ủy ban phê duyệt quy mô, cơ cấu vốn của Vinalines trước khi tổ chức Đại hội. Việc phê duyệt quy mô và điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Cho đến ngày 11/6/2019, Bộ Tài chính mới ban hành Thông tư số 34/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2018/TT-BTC ngày 4 tháng 5 năm 2018 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần và có hiệu lực vào ngày 29/7/2019 (tức là mất đến 11 tháng sau IPO). Chính vì vậy, Ủy ban và Vinalines đã đặt mục tiêu tổ chức Đại hội vào tháng 8/2019.

Tuy nhiên, từ tháng 6/2019 đến nay Ủy ban liên tục nhận được nhiều văn bản Vinalines hoặc Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xử lý nhiều nội dung tồn tại, phát sinh từ trước khi Vinalines chuyển về Ủy ban. Các tồn tại này đều liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp, thậm chí làm giảm giá trị vốn nhà nước,… khi đi vào quyết toán giá trị doanh nghiệp.

Các vấn đề phát sinh này đều phải báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, như điều chỉnh giảm quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp (DN) như: giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đưa vào bản cáo bạch đầy đủ các vấn đề còn vướng mắc khi quyết toán giá trị doanh nghiệp trong Đại hội đồng cổ đông.

Bên cạnh đó, còn xuất hiện thêm tình huống mới khi Tổng công ty bỏ hơn 400 tỷ đồng mua lại 75,01% cổ phần của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Hợp Thành để nắm chi phối Công ty CP Cảng Quy Nhơn - đơn vị không có tên trong danh mục công ty con, công ty liên kết trong phương án cổ phần hóa.

Ngoài ra, Vinalines cũng phải chờ ý kiến của các bộ, ngành liên quan đến việc xử lý chuyển giao cảng trung chuyển Vân Phong; đề xuất vay trả lương người lao động tại Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin - hai vấn đề cũng không có trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.

“Những tình huống phát sinh này vẫn đang chờ cấp có thẩm quyền cho ý kiến, chúng tôi cũng đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan để xin ý kiến cụ thể”, lãnh đạo CMSC nói.

Đề nghị các Bộ ngành cử người tham gia Ban chỉ đạo cổ phần hóa

Ngoài ra, để chuẩn bị cho việc hoàn thiện các thủ tục cổ phần hóa, quyết toán giá trị doanh nghiệp, sau khi tiếp nhận Vinalines, CMSC đã có văn bản gửi 4 cơ quan gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải và Vinalines đề nghị các cơ quan xác nhận và cử thành viên Ban Chỉ đạo do một số thành viên trong Ban chỉ đạo đã nghỉ hưu theo chế độ.

“Đến nay, các cơ quan đều có văn bản cử thành viên Ban Chỉ đạo, riêng Bộ GTVT không cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo và rút toàn bộ cán bộ của Bộ đã được phân công. Trong khi đó, tại các doanh nghiệp đang cổ phần hóa khác (VNPT, MobiFone, TKV,…), cơ quan đại diện chủ sở hữu trước đây là Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công thương vẫn tiếp tục cử cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo cổ phần hóa”.

“Việc Bộ GTVT rút toàn bộ cán bộ khỏi Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Vinalines là không đúng quy định tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP và Quyết định số 1515/QĐ-TTg, gây khó khăn trong việc hoàn thành công tác cổ phần hóa Vinalines”.

“Ủy ban đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải tiếp tục cử cán bộ tham gia Ban chỉ đạo để phối hợp với Ủy ban giải quyết dứt điểm các tồn tại, phát sinh trong công tác cổ phần hóa Công ty mẹ - Vinalines quá nhiều và quyết toán giá trị doanh nghiệp theo đúng quy định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, phía CMSC ý kiến.

Chưa chốt thời gian đại hội cổ đông Vinalines

Tính đến ngày 2/4/2020, thời gian tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu của Công ty mẹ - Vinalines đã kéo dài 18 tháng kể từ thời điểm hoàn thành bán cổ phần lần đầu (ngày 5/9/2019).

Trong khi đó, khoản 1, Điều 14, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa phải tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần và thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thể chốt thời gian Đại hội cổ đông lần đầu, đồng nghĩa với việc Vinalines vẫn chưa thể hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, nhưng cũng không phải công ty nhà nước (do có các cổ đông khác tham gia).

Điều này khiến các kịch bản trong xây dựng bộ nhận diện sản phẩm thương hiệu mới, các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn.

Đức Thọ

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vi-sao-ong-trum-hang-hai-vinalines-chua-the-dai-hoi-co-dong-lan-dau-20180504224236758.htm