Vì sao ông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị án tử?

Tự bào chữa, ông Son xin giảm nhẹ, khoan hồng và án treo cho các bị cáo vì cho rằng họ là những người rất tâm huyết với ngành nghề, công việc.

Ngày 20-12, phiên tòa xử hai cựu bộ trưởng và các bị cáo trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG tiếp tục với phần luận tội của đại diện VKS. 14 bị cáo trong vụ án bị đưa ra truy tố, xét xử về ba tội danh. Đáng chú ý, VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt cựu bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son tổng hình phạt chung cho hai tội là tử hình, cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn 14-16 năm tù.

Biểu hiện suy thoái về đạo đức công vụ

Đại diện VKS nhấn mạnh: “Tại phiên tòa, các bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng công bố, do đó bản cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố đối với các bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

Theo VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các bị cáo trong vụ án hầu hết là những người có chức vụ cao, giữ cương vị quan trọng trong cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước nhưng đã không giữ được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, kỷ luật. Vì những động cơ cá nhân, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, các bị cáo đã thực hiện các hành vi sai phạm nghiêm trọng.

Theo VKS, hành vi của các bị cáo xâm hại đến sự đúng đắn, liêm chính, trách nhiệm quản lý tài sản nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức. “Hành vi phạm tội của các bị cáo là một trong các biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức, một phần của tệ nạn tham nhũng, thể hiện lợi ích cục bộ của cá nhân, doanh nghiệp” - đại diện VKS nói.

Việc đưa vụ án ra xét xử tiếp tục khẳng định quan điểm, quyết tâm của Đảng và Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng, chống tham nhũng. Nó thể hiện nguyên tắc thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhằm loại trừ tội phạm tham nhũng, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TP

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TP

Ông Son chưa ăn năn, hối lỗi

Đại diện VKS cho rằng cựu bộ trưởng Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong các bị cáo đã bị phát hiện, khởi tố. Với chức vụ là bộ trưởng TT&TT, bị cáo Son là người có chức vụ, quyền hạn cao nhất ở bộ này, đồng thời là cơ quan đại diện vốn nhà nước tại MobiFone. Bị cáo có vai trò quyết định trong việc triển khai thực hiện dự án để MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

VKS nêu: “Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, bị cáo đã định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới và các thành viên chủ chốt tại MobiFone sai phạm trong việc mua cổ phần của AVG”. Ông Son là người được hưởng lợi nhiều nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ mua bán trái pháp luật này và phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã xảy ra.

Nêu ra tình tiết giảm nhẹ nhưng đại diện VKS cho rằng với cương vị là người đứng đầu một bộ, lẽ ra bị cáo phải là tấm gương về đạo đức, sự trung thực, tận tâm phục vụ đất nước và nhân dân. Nhưng vì hám lợi vật chất, tha hóa, bị cáo đã có những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn hại uy tín của những cán bộ chân chính.

Quá trình điều tra, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, thừa nhận vai trò của mình. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo phủ nhận, sau đó lại thừa nhận một phần hành vi phạm tội. “Điều này cho thấy bị cáo chưa thật sự ăn năn, hối lỗi về hành vi phạm tội của mình, chưa thấy rõ trách nhiệm, vai trò của mình đối với hậu quả của vụ án và với các bị cáo cấp dưới” - đại diện VKS nhấn mạnh.

Mặt khác, do chưa nộp lại số tiền đã chiếm đoạt là 3 triệu USD nên mặc dù có những tình tiết giảm nhẹ nhưng chừng đó chưa đủ để bị cáo được hưởng mức khoan hồng. Cần có mức hình phạt thật nghiêm khắc để xử lý bị cáo, bảo đảm sự răn đe và phòng ngừa chung.

Cần giảm nhẹ đáng kể cho ông Tuấn

Theo luận tội của VKS, bị cáo Tuấn với trách nhiệm là thứ trưởng Bộ TT&TT đã đồng ý với đề xuất của Phạm Đình Trọng. Theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, bị cáo đã ký nhiều văn bản triển khai dự án dù biết dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG phải tuân theo các quy định của Luật 67, 69 và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng…

Thực hiện sự chỉ đạo của ông Son, bị cáo vẫn ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone khi chưa có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Bị cáo ký duyệt khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư dự án…, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. Sau khi MobiFone chuyển tiền mua cổ phần của AVG, ông Tuấn đã nhận từ Phạm Nhật Vũ 200.000 USD (tương đương hơn 4 tỉ đồng).

Quá trình điều tra cũng như xét hỏi tại tòa đã làm rõ thời điểm bị cáo ký Quyết định 236 (phê duyệt dự án đầu tư) là trong hoàn cảnh thụ động, bắt buộc do không thuộc lĩnh vực phân công phụ trách và đã có ý kiến với bộ trưởng Son. Tuy nhiên, bị cáo Son không đồng ý nên bị cáo Tuấn buộc phải ký quyết định nêu trên.

VKS nhận định: “Bị cáo là người chủ động, tích cực trong việc chỉ đạo khắc phục hậu quả. Đây là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể, giảm đi tính nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra, làm cơ sở để xem xét giảm nhẹ đáng kể trách nhiệm hình sự của các bị cáo về hành vi này”.

Theo VKS, bị cáo Tuấn là người nhận số tiền ít nhất trong các bị cáo nhận hối lộ (200.000 USD). Quá trình điều tra, bị cáo đã tự thú trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện, thành khẩn khai báo, cùng gia đình nộp lại toàn bộ hơn 4 tỉ đồng đã nhận hối lộ.

Bị cáo là người có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng. Ban cán sự đảng Bộ TT&TT đã có văn bản xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Vì vậy, cần áp dụng các quy định của BLHS để giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho bị cáo.

Cụ thể mức án VKS đề nghị với 14 bị cáo

Nhóm tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ:

1. Ông Nguyễn Bắc Son, cựu bộ trưởng Bộ TT&TT: 16-18 năm tù và tử hình (hình phạt chung là tử hình).

2. Ông Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng TT&TT, cựu phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: 6-7 năm tù và 8-9 năm tù (hình phạt 14-16 năm tù).

3. Ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Viễn thông MobiFone: 7-8 năm tù và 16-17 năm tù (hình phạt 23-25 năm tù).

4. Ông Cao Duy Hải, cựu tổng giám đốc MobiFone: 4-5 năm tù và 10-11 năm tù (hình phạt chung là 14-16 năm tù).

Nhóm tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng:

5. Ông Phạm Đình Trọng, cựu vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT: 5-6 năm tù về tội vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

6. Bà Phan Thị Hoa Mai, cựu thành viên Hội đồng thành viên MobiFone: 3-3 năm sáu tháng tù.

7. Ông Hồ Tuấn, cựu thành viên Hội đồng thành viên MobiFone: Hai năm sáu tháng đến ba năm tù.

8. Bà Phạm Thị Phương Anh, cựu phó tổng giám đốc MobiFone: Hai năm sáu tháng đến ba năm tù.

9. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, cựu phó tổng giám đốc MobiFone: Hai năm sáu tháng đến ba năm tù.

10. Ông Nguyễn Bảo Long, cựu phó tổng giám đốc MobiFone: Hai năm sáu tháng đến ba năm tù.

11. Ông Nguyễn Đăng Nguyên, cựu phó tổng giám đốc MobiFone: Hai năm đến hai năm sáu tháng tù.

12. Ông Võ Văn Mạnh, giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định giá AMAX: 4-5 năm tù.

13. Ông Hoàng Duy Quang, giám đốc Chi nhánh phía bắc, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và thẩm định giá AMAX: 3-4 năm tù.

Tội đưa hối lộ:

14. Ông Phạm Nhật Vũ, cựu chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG: 3-4 năm tù về tội đưa hối lộ.

Cựu chủ tịch AVG được đề nghị án nhẹ

VKS đề nghị cần áp dụng đầy đủ, triệt để các quy định của BLHS 2015 để giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho ông Phạm Nhật Vũ. Vì trước khi khởi tố vụ án, bị cáo đã chủ động khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại. Bị cáo tự thú việc đưa hối lộ, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo khác, ăn năn hối lỗi về hành vi. Ngoài ra, bị cáo có nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam… Vì thế, VKS đề nghị phạt ông Vũ 3-4 năm tù.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vi-sao-ong-nguyen-bac-son-bi-de-nghi-an-tu-878985.html