Vì sao ông John Bolton thất sủng?

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10-9 đã tuyên bố sa thải đột ngột vị cố vấn an ninh quốc gia thứ ba, ông John Bolton. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao ông John Bolton lại bị thất sủng như vậy?

Tôi đã thông báo cho John Bolton đêm qua rằng ông không còn cần thiết ở Nhà Trắng nữa", ông Trump đã tweet vào chiều thứ Ba 10-9, ngay trước khi ông Bolton dự kiến tham gia một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. "Cũng như những người khác trong Chính quyền, tôi không đồng ý với nhiều lời đề nghị của ông ấy, và do đó tôi đã yêu cầu John nộp đơn từ chức cho tôi sáng nay".

Quá cứng rắn

Ông Bolton, một quan chức diều hâu kỳ cựu từ thời chính quyền George W. Bush, ngay lập tức tranh cãi về trường hợp sa thải của ông trên Twitter. "Tôi đã đề nghị từ chức tối qua và Tổng thống Trump nói, "Hãy nói chuyện về nó vào ngày mai", ông viết.

Người phát ngôn Nhà Trắng Hogan Gidley nói sau đó vào buổi chiều rằng Charles Kupperman, Phó Cố vấn an ninh quốc gia, sẽ giữ vai trò quyền Cố vấn an ninh quốc gia, Peter Alexander của NBC News đưa tin.

Tin đồn về việc ông Bolton đang sắp phải nghỉ việc đã được bàn tán ở Washington trong nhiều tháng. Mặc dù 2 ông Bolton và Trump có chung thái độ khinh miệt đối với chủ nghĩa đa phương, nhưng cố vấn diều hâu thường đụng độ với quan điểm "không can thiệp" của ông Trump. Tổng thống đã công khai ám chỉ những ý kiến khác nhau của ông với Bolton, nhưng đã kiềm chế việc bày tỏ sự bực tức trước công chúng. Ông đã nói đùa trong hậu trường về tính cách diều hâu của Bolton rằng "John chưa bao giờ thấy cuộc chiến nào mà ông ta không thích".

Bolton đã công khai bị gạt qua một bên trong một số chính sách đối ngoại quan trọng và các sáng kiến an ninh quốc gia, bao gồm các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban mà ông Trump đã bãi bỏ vào ngày 7-9. Trước khi bị bãi bỏ, các nhà đàm phán đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc rằng Bolton, người phản đối thỏa thuận này, được xem các nội dung thỏa thuận nhưng không được mang nó về nhà. Vào tháng 6, ông được phái đến Mông Cổ trong khi ông Trump gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trên lãnh thổ Triều Tiên.

Là Cố vấn an ninh quốc gia, ông Bolton đã chủ trì một quy trình của Hội đồng An ninh Quốc gia mà các nhà phê b́nh chế giễu là khép kín và lập dị, ngăn chặn thay vì tạo điều kiện chia sẻ thông tin và ra quyết định giữa các cơ quan.

Ông đã để lại một dấu ấn rõ ràng về chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, ít nhất là trong những ngày đầu của nhiệm kỳ. Ông đã đi đầu trong chính sách áp lực tối đa của phe cứng rắn đối với Iran, bắt đầu từ việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5-2018.

Ông đã thúc đẩy Mỹ công nhận một nhà lập pháp đối lập là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, và, trong những gì Bolton có thể xem xét thành tựu quan trọng nhất của mình, chứng kiến Tòa án Hình sự Quốc tế từ chối điều tra các tội ác chiến tranh ở Afghanistan của Mỹ và các đồng minh trong những ngày đầu của Cuộc chiến chống khủng bố.

Bolton từ lâu đã ghê tởm ICC và gọi chiến thắng là "ngày hạnh phúc thứ hai" của ông, sau "ngày hạnh phúc nhất" là khi ông từ chối ký điều luật đã tạo ra tổ chức này vào năm 2002.

Nhưng kể từ mùa hè năm ngoái, ảnh hưởng của Bolton dường như đã suy yếu dần, đặc biệt trái ngược với Ngoại trưởng Mike Pompeo, người ngày càng thân thiết hơn với Tổng thống Trump. Ông Trump đã thất vọng khi nhà lãnh đạo độc đoán của Venezuela, Nicholas Maduro, đã không từ chức nhanh như mong đợi dưới áp lực từ Mỹ; và ông cũng lo ngại Bolton đang dẫn ông vào một cuộc chiến với Iran.

Tổng thống Trump hiện đã sa thải hoặc chấp nhận đơn từ chức của ba cố vấn an ninh quốc gia, bao gồm Michael Flynn và H.R. McMaster. Ba năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống cũng chứng kiến sự ra đi của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Pat Shanahan, Giám đốc FBI James Comey và Tổng chưởng lý Jeff Sessions. Ông Trump nói sẽ sớm chỉ định một Cố vấn an ninh quốc gia mới.

Vấn đề Afghanistan

Một trong những bất đồng lớn gần đây giữa ông Bolton và Tổng thống Trump là vấn đề Afghanistan. Ông Trump muốn Mỹ rút quân khỏi Afghanistan để không bị sa lầy thêm tại đó. Taliban đã bị đánh bại, năm 2004, Afghanistan đã tổ chức bầu cử phổ biến và Hamid Karzai được bầu làm tổng thống của đất nước Cộng Hòa Hồi giáo Afghanistan. Mặc dù Taliban đã bị đánh bại nhưng gốc rễ của nó còn len lỏi khắp Afghanistan.

Đặc biệt Taliban đã liên kết với tổ chức khủng bố IS tấn công lại NATO và chính quyền hợp pháp Afghanistan để hiện nay Taliban kiểm soát tới 70% diện tích lãnh thổ của Afghanistan trong khi chính phủ của tổng thống Ashraf Ghani chỉ kiểm soát 30% diện tích lãnh thổ của Afghanistan dù được sự hậu thuẫn của NATO thông qua Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thành lập.

Theo số liệu thống kê, từ khi Tổng thống Bush mở Chiến dịch Tự do Bền vững đến nay, đã có 31.000 thường dân bị chết, hơn 4.000 binh sĩ của ISAF và các nhà thầu dân sự bị giết, hơn 15.000 binh sĩ của lực lượng An ninh quốc gia Afghanistan bị thiệt mạng.

Ông John Bolton muốn hoàn tất những việc làm dang dở của tổng thống Bush con và ông ta tại Trung cận Đông, tức quân đội Mỹ vẫn phải tiếp tục ở lại tại tử địa Trung Đông để tảo thanh khủng bố và đánh dập đầu nhà nước Hồi giáo Iran. Nhưng tư duy chiến lược của ông John Bolton đã ngược lại với tư duy chiến lược của tổng thống Donald Trump.

Vì vậy, việc ông Trump nhận lời hội đàm với khủng bố Taliban ở trại David theo đề xuất của ngoại trưởng Mike Pompeo đã bị ông John Bolton phản đối gay gắt.

Sau đó, khi khủng bố Taliban đánh bom gây áp lực cho vòng đàm phán, ông Trump đã hủy hòa đàm.

Ông Bolton lại lấy điều này để thể hiện mình có cái nhìn viễn kiến, đã can gián mà ông Trump không nghe để rồi cuối cùng cũng phải hủy hạ đàm. Đây là một trong số những lý do để ông Trump sa thải ông John Bolton.

Nhưng sâu xa hơn, việc sa thải ông John Bolton còn có nhiều mục đích khác của ông Trump, bởi vì với cá tánh bộc trực, nóng nảy của mình, ông John Bolton nghiễm nhiên trở thành vật cản cho những thế lực đối đầu muốn ngồi chung bàn với ông Trump, bất kể họ có thể thu phục hay không.

Điều này hoàn toàn đi ngược với quyết sách của Donald Trump, đó là "mèo đen mèo trắng không quan trọng miễn là mèo nào bắt được chuột là OK", sách lược của Donald Trump là "cửa luôn rộng mở theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen". Sa thải ông John Bolton là hàm ý này.

Bởi vì nếu không sa thải ông John Bolton thì hằng ngày ông Donald Trump sẽ phải nghe những đề xuất dai dẳng từ ông John Bolton là phải ném bom rải thảm trên toàn bộ 70% diện tích lãnh thổ của Afghanistan như Chiến dịch Linebacker năm 1972 còn gọi là chiến dịch 12 ngày đêm ở Hà Nội.

Với thực tế ở Afghanistan cũng vậy, một khi tiến trình hòa bình bị đổ vỡ thì khả năng cố vấn an ninh quốc gia John Bolton sẽ giẫm lên vết xe đổ của Chiến dịch Linebacker năm 1972 là không tránh khỏi.

Điều này là một sai lầm nếu trong những tình huống bất đắc dĩ do nghe theo mưu thần John Bolton mà ông Trump lại trở thành một Nixon thời đại hôm nay.

Vì vậy ông Trump sớm loại ngay ông John Bolton để tránh phiền phức về sau, bởi vì nếu lập lại sai lầm của Nixon - Kissinger trong chiến dịch Linebacker 1972 ngay tại tử địa Afghanistan ông Trump sẽ đối diện với 2 điều tồi tệ.

Thứ nhất, hơn 10 triệu thường dân phải trả giá chỉ mỗi việc xóa sổ khủng bố Taliban. Thứ hai, khoảng trống ủng hộ của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tháng 11-2020 sẽ bị phe Dân chủ Mỹ khoét rộng ra như thời Nixon đã vấp phải hậu Chiến dịch Linebacker 1972.

Trọng Nhân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/vi-sao-ong-john-bolton-that-sung-563615/