Vì sao ổ dịch tại Tp.Hải Dương phức tạp hơn Cẩm Giàng

Ổ dịch tại Tp.Hải Dương được đánh giá có tính chất phức tạp, thậm chí còn hơn Cẩm Giàng, do thời gian ủ bệnh đã lâu nên các F0 tiếp xúc với nhiều người, việc truy vết gặp khó khăn...

Bệnh viện dã chiến tại Hải Dương tiếp tục nâng công suất điều trị bệnh nhân Covid-19 gia tăng. Ảnh - Bộ Y tế.

Bệnh viện dã chiến tại Hải Dương tiếp tục nâng công suất điều trị bệnh nhân Covid-19 gia tăng. Ảnh - Bộ Y tế.

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hải Dương (Ban Chỉ đạo) ngày 17/2 cho biết, ổ dịch tại Tp.Hải Dương đến nay đã ghi nhận 24 ca mắc, trong đó 7 ngày gần đây phát sinh 19 ca (8 ca mắc trong cộng đồng).

Ban Chỉ đạo nhận định đây là ổ dịch có tính chất phức tạp, thậm chí còn hơn Cẩm Giàng, do thời gian ủ bệnh đã lâu nên các F0 tiếp xúc với nhiều người. Việc truy vết cũng gặp khó khăn vì vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 ổ dịch lớn tại các địa phương gồm: Chí Linh, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Nam Sách và Tp.Hải Dương. Riêng ổ dịch tại Cẩm Giàng vẫn diễn biến phức tạp.

Ổ dịch Cẩm Giàng đã ghi nhận 66 ca mắc, trong đó 7 ngày đây phát sinh 52 ca. Ổ dịch này đã có 21 ca mắc liên quan đến Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam, ngoài Cẩm Giàng còn liên đới các địa phương khác như: Tp Hải Dương 4 ca, Bình Giang và Thanh Hà mỗi nơi 3 ca, các huyện Kim Thành, Tứ Kỳ và Gia Lộc mỗi nơi 1 ca.

Toàn tỉnh Hải Dương đã có 3.928 F1 hoàn thành cách ly tập trung, 31.613 F2 hoàn thành cách ly tại nhà.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tp.Hải Dương ngày 16/2 đã ban hành hướng dẫn tạm thời khi lưu thông qua các chốt kiểm soát trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố đề nghị người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Công nhân, người lao động làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp ở huyện Cẩm Giàng đang cư trú trên địa bàn thành phố được yêu cầu cách ly tại nhà, tạm thời chưa quay lại làm việc.

Đồng thời, không cho phép công nhân cư trú, tạm trú ở huyện Cẩm Giàng đến làm việc tại thành phố. Đối với các trường hợp làm việc trên địa bàn thành phố và các địa phương khác phải đeo thẻ công nhân, cán bộ, công chức, viên chức khi qua các chốt kiểm soát.

Với xe chuyên chở công nhân của các khu công nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của công an tỉnh. Xe vận tải chở hàng hóa thiết yếu thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và ký cam kết.

Tp Hải Dương hiện có 38 chốt kiểm soát dịch Covid-19, gồm 7 chốt của tỉnh, 13 chốt của thành phố và 18 chốt của các xã, phường. Ngoài ra, các xã, phường còn dựng 74 rào chắn ở các vị trí có thể ra vào địa bàn.

Tại Tp.Chí Linh, nhằm đảm bảo tối đa tình trạng lây nhiễm Covid-19, thành phố đã yêu cầu các xã, phường có chợ cần phải cấp thẻ ra vào chợ cho các hộ kinh doanh cố định và bán cố định trong chợ.

Đối với hộ kinh doanh bán cố định thì cấp thẻ ra vào chợ phải có giới hạn thời gian cụ thể. Các xã, phường dựa vào tình hình thực tế tại địa phương để cho phép bán hàng từ 2 -3 ngày luân phiên trong 1 tuần.

Các thẻ phát ra sẽ có thời gian lưu hành trong vòng 15 ngày. Cụ thể, mỗi một hộ dân được phát 5 phiếu ra vào chợ, mỗi phiếu có giá trị 1 lượt ra, vào. Các tiểu thương, người bán hàng sẽ được phát 3 phiếu, mỗi phiếu có giá trị 3 lượt ra, vào.

Theo đó, các tiểu thương sẽ không được bán hàng trong 3 ngày liên tiếp. Đối với người dân việc ra vào phải áp dụng theo ngày chẵn/lẻ không sát nhau. Để tránh tụ tập đông người, các phiếu ra vào chợ dân sinh được chính quyền các xã, phường phát trực tiếp cho người dân tại gia đình.

Sáng nay, Hải Dương không ghi nhận thêm ca mắc mới, số ca mắc trong toàn tỉnh vẫn giữ ở mức 539 ca. Hiện dịch đã xuất hiện tại tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/vi-sao-o-dich-tai-tp-hai-duong-phuc-tap-hon-cam-giang-20210217141454872.htm