Vì sao nước sạch ở Tổng Đình vẫn chảy?

Trong quá trình sử dụng do không phân công ai quản lý các công trình nước sạch, bà con đã tự ý mở rộng hệ thống ống nước về đến từng hộ, nhiều nơi mở khóa dùng xong không ai khóa...

Mặc dầu trời nắng nóng nhưng nguồn nước sạch ở Tổng Đình vẫn chảy phục vụ bà con. Ảnh: PVM

Nhà nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng xây lắp hệ thống nước sạch, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho bà con ở các vùng nông thôn sử dụng. Từ khi có hệ thống nước sạch, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nên các dịch bệnh, như tả, lỵ, sốt rét... đã được ngăn chặn, đẩy lùi.

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng do không phân công ai quản lý các công trình nước sạch, bà con đã tự ý mở rộng hệ thống ống nước về đến từng hộ, nhiều nơi mở khóa dùng xong không ai khóa, để nước chảy lênh láng nên các công trình nước sạch tự chảy nhanh chóng hư hỏng.

Ngoài ra, công trình nước sạch tự chảy do ngân sách Nhà nước đầu tư, không ảnh hưởng đến "túi tiền" của ai nên ý thức tự quản rất kém. Chưa kể, việc lắp đặt chồng chéo đường ống, tranh giành nước giữa các nhóm hộ... cũng là nguyên nhân làm cho các công trình nước sạch tự chảy ở miền núi sớm xuống cấp, hư hỏng.

Riêng tại huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An), nếu như trước đây các xã đều có hệ thống nước sạch tự chảy, thì nay chỉ vài điểm còn hoạt động. Qua tìm hiểu công trình nước sạch tự chảy tại bản Tổng Đình, xã Chi Khê được biết, ban đầu bà con bầu ra BQL công trình nước sạch gồm 3 người do ông Lô Văn Thái làm tổ trưởng. Ngoài trách nhiệm quản lý công trình, 3 người này thường xuyên kiểm tra, xử lý, dọn vớt rác tại đầu nguồn, nhắc nhở bà con dùng nước tiết kiệm.

Hàng năm BQL quyết toán công khai, minh bạch nguồn kinh phí dân đóng góp. Đề xuất những giải pháp kịp thời nhằm bảo vệ công trình nước sạch, nhất là khi bị mưa lũ làm hư hỏng. Để có kinh phí cho BQL hoạt động, mỗi tháng mỗi hộ dùng nước phải đóng 10.000 đồng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Thành Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Chi Khê cho biết: Để có dòng nước sạch tự chảy phục vụ bà con, ngoài nâng cao trách nhiệm toàn dân bảo vệ công trình, việc bà con bầu ra BQL là tối quan trọng để quản lý công trình, đi thu tiền sử dụng nước sạch. Do được người dân bầu ra nên họ rất có trách nhiệm, nhờ vậy đến nay đã gần 20 năm công trình nước sạch tự chảy ở bản Tổng Đình vẫn đủ nước phục vụ người dân.

Ngoài phụ cấp bồi dưỡng cho BQL 2,1 triệu/tháng, số tiền thu của hơn 400 hộ được bổ sung vào quỹ để khi có hư hỏng thì mua ống nước thay thế. Ông Hà Văn Thụ, một người dân thường xuyên dùng nước sạch cho biết, trước đây công trình bỏ bê, kiểu "cha chung không ai khóc", hơn nữa việc dùng nước không mất tiền nên ngoài nước dùng cho sinh hoạt, ai cũng "khai thác" tối đa làm cho nguồn nước sinh hoạt bị thiếu hụt.

Ảnh: PVM

Từ khi có BQL đứng ra gánh vác, ngoài việc mỗi hộ gia đình xây bể đựng nước dung tích từ 3- 5m3, khi nước bơm vào bể đầy gia đình tự khóa lại thì BQL có trách nhiệm nạo vét, khai thông ở thượng nguồn, ai dùng nước lãng phí, sẽ bị nhắc nhở, nêu tên nên bà con có ý thức, và thôn luôn có đủ nước dùng.

Một mùa hè nắng nóng đang đổ lửa, nhu cầu nước sinh hoạt đang rất cần cho bà con, thì hầu hết các công trình nước sạch tự chảy đều đã ngừng chảy, riêng nguồn nước sạch ở bản Tổng Đình vẫn đủ đầy phục vụ hơn 400 hộ. Câu hỏi vì sao dòng nước sạch ở bản Tổng Đình vẫn chảy rất đơn giản, là bởi ý thức, sự đóng góp của bà con; sự chỉ đạo của chính quyền, tất cả cùng chung tay vì dòng nước mát.

PHÙNG VĂN MÙI- PHẠM VIỆT KHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vi-sao-nuoc-sach-o-tong-dinh-van-chay-post225719.html