Vì sao nữ tiếp viên Vietnam Airlines kháng cáo bản án?

Chị Nguyễn Thị Bích Hường đề nghị tòa phúc thẩm tăng án với bị cáo Phong, truy cứu trách nhiệm của 2 công ty cho Phong thuê xe Mercedes và xem xét dấu hiệu tẩu tán tài sản.

Tháng 12/2020, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) đã tuyên Nguyễn Trần Hoàng Phong (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) 7 năm 6 tháng tù về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Phong là tài xế lái xe Mercedes gây tai nạn khiến ông Lê Mạnh Thường chết và chị Nguyễn Thị Bích Hường bị thương tật 79% vào sáng 30/1/2020.

Sau bản án sơ thẩm, chị Hường đã kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm được mở vào sáng nay, 9/4.

Bỏ trốn nhưng "thành khẩn khai báo"?

Trong đơn kháng cáo, nữ tiếp viên hàng không cho rằng mức hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên là chưa phù hợp, chưa tương ứng với hành vi, hậu quả mà Phong đã gây ra.

 Nguyễn Trần Hoàng Phong tại tòa sơ thẩm. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nguyễn Trần Hoàng Phong tại tòa sơ thẩm. Ảnh: Phạm Ngôn.

Với hành vi của bị cáo trong vụ án, HĐXX cấp sơ thẩm nhận định sau khi gây tai nạn, Phong đã tự ý lén lút rời bỏ hiện trường và có một loạt hành vi liên tục về sau: Bỏ trốn tại các tỉnh, thành khác nhau, vứt bỏ sim điện thoại để tránh bị định vị... nhằm cản trở việc điều tra của cơ quan chức năng. Do đó, tòa sơ thẩm cho rằng cần áp dụng tình tiết định khung "Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm".

Trong quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Phong xác định trước ngày xảy ra tai nạn, bị cáo có sử dụng ma túy và khi đầu thú, công an đã xét nghiệm cho bị cáo ra kết quả dương tính với ma túy. Vì vậy, HĐXX áp dụng thêm tình tiết định khung nữa là "Tham gia giao thông đường bộ trong tình trạng có sử dụng chất ma túy".

Tòa sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng nào cho bị cáo. Còn về tình tiết giảm nhẹ, HĐXX cho rằng bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo (nhưng chưa thật sự tỏ ra ăn năn, hối cãi, thể hiện qua việc sau khi gây tai nạn không có hành động bồi thường cho các bị hại), bị cáo đã đầu thú và gia đình Phong cũng đã bồi thường cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM.

Do đó, HĐXX áp dụng Điểm s, Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo. Đồng thời, bị cáo được miễn áp dụng hình phạt bổ sung.

Đòi công ty cho thuê xe liên đới bồi thường

Về phần dân sự, theo chị Hường, TAND quận Phú Nhuận buộc bị cáo Phong phải bồi thường số tiền hơn 1,4 tỷ đồng là phù hợp. Tuy nhiên, bị hại cho rằng bản án sơ thẩm chỉ buộc mỗi bị cáo Phong bồi thường là chưa đúng.

Theo chị Hường, việc giao chiếc Mercedes cho bị cáo sử dụng gây tai nạn còn liên quan đến Công ty TNHH TM du lịch vận tải Khang Gia (Công ty Khang Gia) và Công ty TNHH Fumita. Cụ thể, chiếc Mercedes mà Phong lái dẫn đến tai nạn là của ông Võ Văn Phúc cho Công ty Fumita thuê. Sau đó, Công ty Fumita lại cho Công ty Khang Gia thuê lại và Phong tiếp tục thuê từ công ty này.

Vì vậy, theo chị Hường, hai công ty này phải cùng có trách nhiệm liên đới bồi thường cho những tổn thất của 2 bị hại.

Chị Nguyễn Thị Bích Hường. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tại tòa sơ thẩm, đại diện Công ty Fumita cho biết họ chỉ thuê xe của ông Phúc qua lời nói vì 2 người có quan hệ cha con, không có hợp đồng cho thuê xe. Thế nhưng, trong hồ sơ vụ án lại có hợp đồng thuê xe giữa hai bên.

"Hợp đồng này có phải là ký 'giả tạo' sau khi tai nạn xảy ra để chứng minh có việc cho thuê xe giữa ông Phúc với Công ty Fumita hay không?", chị Hường đặt câu hỏi trong bản kháng cáo.

Nhận định về trách nhiệm bồi thường, TAND quận Phú Nhuận cho rằng Công ty Khang Gia giao xe cho bị cáo Phong sử dụng thông qua hợp đồng cho thuê xe. Hợp đồng này được thiết lập trên cơ sở tự nguyện giữa các bên.

Quá trình Phong sử dụng xe gây tai nạn không có lỗi của người cho thuê xe và không có mối quan hệ nhân quả giữa việc Công ty Khang Gia cho thuê xe với việc bị cáo điều khiển xe gây thiệt hại cho các nạn nhân. Do đó, tòa không có cơ sở buộc công ty này phải liên đới chịu trách nhiệm với Phong.

Tòa không xem xét việc tẩu tán tài sản

Tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư của bị hại chất vấn bị cáo về việc ký giấy tờ công chứng sang tên căn chung cư cho mẹ đẻ trong thời gian bị tạm giam.

Chị Hường cho rằng hành vi này nhằm mục đích tẩu tán tài sản để tránh né trách nhiệm bồi thường. Nữ tiếp viên hàng không phản đối việc tòa không áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên căn hộ của bị cáo để đảm bảo việc thi hành án.

Về yêu cầu này, trong bản án sơ thẩm, HĐXX xét thấy các bên liên quan có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền tuyên bố giao dịch dân sự trên là vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 khi xuất trình yêu cầu và chứng cứ. Sau đó đề nghị cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền hoặc tòa án có thẩm quyền kê biên các tài sản thuộc quyền sở hữu của bị cáo để đảm bảo việc thi hành đối với phần bồi thường thiệt hại thực tế đã phát sinh.

Theo cáo buộc, rạng sáng 30/1/2020, Phong lái xe Mercedes lao ôtô sang làn đường ngược chiều, tông vào xe máy của ông Lê Mạnh Thường chở chị Nguyễn Thị Bích Hường.

Vụ tai nạn làm ông Thường tử vong, chị Hường bị thương tật 79%. Sau khi xảy ra tai nạn, Phong rời đi rồi đến cơ quan công an đầu thú vào ngày 1/2/2020.

Cơ quan điều tra xác định Phong không có giấy phép lái xe, lưu thông tốc độ 84 km/h (vượt quá tốc độ cho phép 50 km/h).

Hoài Thanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nu-tiep-vien-vietnam-airlines-khang-cao-ban-an-post1202100.html