Vì sao nói Tổng thống Trump châm ngòi khủng hoảng ngoại giao, quân sự Trung Đông?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phá vỡ truyền thống của bao đời Tổng thống Mỹ trước đó về việc luôn giữ vị thế và quan điểm trung lập trong vấn đề Jerusalem.

Ảnh: Conservative Review

Tại sao việc Tổng tống Donald Trump thông báo rằng Jerusalem là thủ đô của Israel lại khiến cộng đồng nhiều nước tức giận đến vậy? Tại sao nhiều chuyên gia cảnh báo về khả năng bạo động lan rộng dẫn đến khủng hoảng ngoại giao, quân sự tại Trung Đông?

Bài viết này trên New York Times sẽ đi sâu vào những điểm căn bản nhất để lý giải tại sao quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại gây ra nhiều tranh cãi như hiện nay.

Jerusalem thuộc về bên nào?

Thứ nhất, cả người Israel và Palestine đều coi Jerusalem là thủ đô chính trị và miền đất thánh của họ. Bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đều cần phải tính đến yếu tố ấy.

Vị thế của Jerusalem luôn gây tranh cãi, ít nhất tính từ cuộc chiến Arab-Israel vào năm 1948. Trước đó, Liên hợp quốc (UN) coi Jerusalem như một khu vực quốc tế đặc biệt. Trong cuộc chiến này, Israel chiếm được phần phía Tây của Jerusalem. Trong cuộc chiến tranh Arab-Israel lần tiếp theo vào năm 1967, Israel đã chiếm nốt được phần phía Đông.

Phần lớn các thỏa thuận hòa bình cho đến nay đều dành phía Tây Jerusalem cho Israel còn phía Đông cho nhà nước Palestine trong tương lai.

Từ vị thế của nước Mỹ, để ngăn cho xung đột và tranh cãi có thể xảy ra, phía Mỹ luôn coi chủ quyền của Jerusalem như vấn đề gây tranh cãi và vận mệnh của nó tự do phía Israel và Palestine quyết định. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phá vỡ truyền thống này của bao đời Tổng thống Mỹ trước đó.

Phía Israel chưa bao giờ chấp nhận một thủ đô bị chia cắt. Theo một đạo luật thông qua năm 1980, Israel coi Jerusalem là thủ đô không thể bị tách rời, như vậy Israel chưa bao giờ chấp nhận việc mình không có quyền kiểm soát phần phía Đông Jerusalem.

Tổng thống Donald Trump, khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel nhưng lại không nói gì đến phía Đông hay phía Tây, ông cũng không bác bỏ quan điểm đó và cũng không bao giờ nói rằng Jerusalem nên là thủ đô của Palestine.

Như vậy, rõ ràng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ủng hộ cho quan điểm của Israel – điều này sẽ có thể khiến bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào trong tương lai trở nên bế tắc.

Tại sao việc Mỹ đưa ra quan điểm chính thức lại quan trọng?

Suốt nhiều thập kỷ nay, chính phủ Mỹ đã luôn tự định vị cho mình là bên trung gian kết nối giữa Israel và Palestine. Sự trung lập giúp cho Mỹ được biết đến như một bên điều phối đáng tin cậy và giúp cả hai bên Palestine và Israel cùng ngồi vào bàn đàm phán trong hòa bình.

Các nhà ngoại giao Mỹ bao đời này cũng như vậy, không phá vỡ nguyên tắc trung lập vốn vô cùng cần thiết cho hòa bình, chính vì vậy họ sốc khi Tổng thống Donald Trump làm ngược lại truyền thống từ trước đến nay.

Việc công khai ủng hộ Israel đã khiến nước Mỹ từ vị thế của một nước trung lập chuyển thành đồng minh công khai với Israel. Tuy nhiên nhiều người đặt câu hỏi: Trên lý thuyết là như vậy nhưng nước Mỹ có trung lập thật không?

Nhiều chính trị gia thuộc chính phủ các nước châu Âu và Trung Đông không nghĩ vậy. Trong suy nghĩ của họ, đã từ lâu nước Mỹ chỉ luôn ủng hộ Israel và bảo vệ cho quyền lợi của nước này, chính vì vậy Mỹ cũng chẳng thể giúp được gì nhiều cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Chênh lệch về sức mạnh giữa Israel và Palestine quá cao. Khi mà người Israel luôn bị coi như những kẻ chiếm đóng, tất nhiên người ta thừa hiểu ai đứng đằng sau đó.

Trong dài hạn, quyết định của Tổng thống Donald Trump có ý nghĩa gì?

Nhiều người đang lo ngại rằng khi nước Mỹ mất đi sự trung lập thì cũng sẽ mất đi sức ảnh hưởng lên các vòng đàm phán hòa bình ở Trung Đông.

Tất nhiên Mỹ có sức ảnh hưởng lên Israel, khi mà Mỹ đang hỗ trợ cả tài chính và quân sự cho nước này. Và bởi Israel hưởng lợi từ mỹ, chính vì vậy nước này cũng sẽ không quá làm khó trong các vòng đàm phán.

Thế nhưng cùng lúc đó, Mỹ cũng vẫn có ảnh hưởng lên lãnh đạo của Palestine bởi một số nguồn hỗ trợ tài chính Mỹ dành cho Palestine. Còn chính lãnh đạo Palestine giờ đang gặp rắc rối với người dân của họ. Sự bất đồng có thể lên cao đến nỗi một ngày nào đó chính quyền đối diện với rủi ro sụp đổ, xung đột quân sự tăng cao. Hamas có thể sẽ chiếm đóng Palestine.

Vậy khả năng hòa bình sẽ ngày một xa hơn, một chính phủ Palestine thống nhất khó có thể được thành lập. Còn Israel cũng sẽ chỉ có thể chọn một trong hai: hoặc là người Do Thái hoặc dân chủ.

Động thái mới nhất của Tổng thống Donald Trump sẽ đẩy hai nước đến kịch bản đó, nhưng thực ra từ trước quyết định của ông Trump, mọi chuyện đã diễn biến theo hướng đó rồi.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/vi-sao-noi-tong-thong-trump-cham-ngoi-khung-hoang-ngoai-giao-quan-su-trung-dong-3424791.html