Vì sao những bộ phim bạo lực, tăm tối lập kỷ lục rating năm 2020?

Với 'The Penthouse: War in Life', truyền hình Hàn năm nay có thêm một tựa phim 19+ nổi bật ngoài 'Thế giới hôn nhân'. Sự táo bạo là yếu tố làm nên thành công cho tác phẩm.

Nếu như hồi đầu năm, The World of the Married, Kingdom, Extracurricular - loạt phim dài tập gắn mác 19+, mác R làm nên chuyện trên màn ảnh nhỏ thì cuối 2020, The Penthouse: War in Life (Cuộc chiến thượng lưu) tiếp tục chứng minh sức hút của những tác phẩm chứa nội dung bạo lực, trần trụi, tăm tối.

Thành tích đáng nể

Ngày 12/12, Good Data Corporation công bố bảng thống kê phim truyền hình và diễn viên được quan tâm nhất tuần đầu tháng 12. Theo đó, Cuộc chiến thượng lưu là tác phẩm thu hút nhiều sự chú ý nhất, còn Eugene - nữ chính của phim, đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng 10 diễn viên nổi bật nhất tuần.

Trên thực tế, Cuộc chiến thượng lưu đã duy trì thành tích tương tự trong nhiều tuần của tháng 11. Không có gì khó hiểu khi bộ phim đạt được vị trí như trên. Tác phẩm của đài SBS vừa lập kỷ lục rating ở tập 13 (ra mắt vào ngày 8/12) với 22,1% tỷ suất người xem trên toàn quốc.

 Cuộc chiến thượng lưu là phim nổi bật nhất màn ảnh nhỏ Hàn Quốc hiện tại.

Cuộc chiến thượng lưu là phim nổi bật nhất màn ảnh nhỏ Hàn Quốc hiện tại.

Đó là con số đáng nể khi xét đến thời điểm phát sóng và đặt lên bàn cân so sánh với các bộ phim truyền hình thuộc đài SBS khác trong năm qua.

Cuộc chiến thượng lưu lên sóng vào tối đầu tuần (thứ 2 và thứ 3). Các tác phẩm chiếu vào khoảng thời gian này thường có rating khiêm tốn so với phim phát sóng dịp tối cuối tuần. Bất chấp thiệt thòi đó, Cuộc chiến thượng lưu vẫn bứt phá về rating.

Tỷ suất người xem khởi điểm của tác phẩm là 6,7%. Trải qua 13 tập, phim đã chạm ngưỡng 22,1%. Cuộc chiến thượng lưu áp đảo loạt đối thủ phát sóng cùng khung giờ gồm Kairos của đài MBC, Live On của đài jTBC, Awaken của đài tvN (có mặt bằng chung rating rơi vào mốc 1-4%).

Bù lại thiệt thòi về khung giờ chiếu, Cuộc chiến thượng lưu được phát sóng trên đài trung ương (không mất phí) với khả năng tiếp cận khán giả rộng rãi. Do đó, không khó để phim đạt mức rating 2 chữ số. Song, đây là tác phẩm hiếm hoi cán mốc tỷ suất người xem trên 20% của SBS trong năm qua, bên cạnh Dr.Romantic 2 (Người thầy y đức 2).

Cuộc chiến thượng lưu là bộ phim hiếm hoi đạt rating trên 20% của đài SBS trong năm nay.

Năm 2020, một loạt tác phẩm truyền hình quy tụ sao lớn của SBS thất bại về rating. Alice do Joo Won, Kim Hee Sun đóng chính quanh quẩn ở mốc 6-7%. The King: Eternal Monarch (Lee Min Ho), Backstreet Rookie (Ji Chang Wook) chịu số phận tương tự. Khá hơn một chút là Hyena, Good Casting, Nobody Knows với tỷ suất người xem nhiều tập đạt trên 10%.

Thành tích ấy của Cuộc chiến thượng lưu càng đáng ghi nhận hơn khi xét đến nội dung. Phim khai thác góc khuất tăm tối của giới nhà giàu Hàn Quốc, chứa đầy yếu tố bạo lực, ngoại tình, bị gắn mác 19+. Rõ ràng, Cuộc chiến thượng lưu kén người xem hơn tác phẩm xoay quanh đề tài y khoa như Dr.Romantic 2.

Chứa đựng bóng dáng của “Lâu đài trên không”, “Thế giới hôn nhân”

Chuyện phim Cuộc chiến thượng lưu xoay quanh Oh Yoon Hee (Eugene) - một cô gái nghèo nuôi tham vọng gia nhập giới nhà giàu. Sau khi bước chân vào ngôi penthouse 100 tầng (Hera Palace) - biểu tượng cho quyền lực ở khu nhà giàu Gangnam, Hàn Quốc, Yoon Hee đụng độ với những thành viên “có máu mặt” của tòa nhà. Một khi leo lên đến tầng trên cùng của penthouse, cô sẽ được phong là nữ hoàng.

Cuộc chiến thượng lưu, khán giả và các nhà phê bình bắt gặp bóng dáng của hai tựa phim nổi tiếng gồm SKY Castle (Lâu đài trên không) The World of the Married (Thế giới hôn nhân).

Ở Cuộc chiến thượng lưu có bóng dáng của hai tựa phim khai thác cuộc sống của giới thượng lưu khác là Lâu đài trên không và Thế giới hôn nhân.

Lâu đài trên không là tác phẩm của đài jTBC, từng dẫn đầu rating trên màn ảnh nhỏ Hàn năm 2018-2019. Thế giới hôn nhân cũng là một tựa phim của jTBC, gây bão đầu năm 2020, hiện nắm giữ ngôi vương về rating trong lịch sử các đài cáp.

Ba tác phẩm này có điểm chung, đều mang lại bầu không khí ngột ngạt, bức bối, chứa đựng nhiều tình tiết bạo lực và xoáy sâu vào xung đột, bi kịch của tầng lớp thượng lưu.

Lâu đài trên không khắc họa cuộc ganh đua khốc liệt giữa những gia đình giàu có, giữa các cậu ấm cô chiêu nhằm giành được một suất vào trường đại học hàng đầu. Cuộc chiến thượng lưu lại là nỗi ám ảnh địa vị của giới nhà giàu với những trận chiến vừa công khai, vừa âm thầm để thỏa mãn lòng hư vinh, đồng thời, làm sâu sắc thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Hàn Quốc. Toàn bộ mâu thuẫn ở hai bộ phim đều xuất phát từ tiền bạc và địa vị.

Cuộc chiến thượng lưu chứa đựng nhiều cảnh quay bạo lực và nhạy cảm tương tự Thế giới hôn nhân.

Cuộc chiến thượng lưu cũng có nét tương tự với Thế giới hôn nhân. Bên cạnh xung đột ở phạm vi rộng ngoài xã hội, màn tranh đấu trong không gian chật hẹp là gia đình, mối quan hệ vợ - chồng, bố mẹ - con cái cũng là trung tâm của bộ phim. Điểm khác biệt ở Cuộc chiến thượng lưu so với Thế giới hôn nhân là makjang - cụm từ dùng để chỉ những cảnh quay làm quá, phóng đại hoặc không có mục đích rõ ràng, theo Korea Joongang Daily.

Trong Cuộc chiến thượng lưu, những tình huống ghê rợn như ngoại tình, bắt cóc cho tới giết người đều xảy ra. Các chi tiết bạo lực xuất hiện dày đặc hơn so với Thế giới hôn nhân.

Vì sao những tác phẩm tăm tối dễ lập kỷ lục rating?

Lâu đài trên không, Thế giới hôn nhân từng được nhiều tờ báo Hàn và quốc tế khen ngợi vì tính hiện thực trần trụi, cái nhìn gai góc về cuộc sống của giới thượng lưu (mối quan hệ giữa vợ - chồng, bố mẹ - con cái, người giàu - người giàu, người có tiền - kẻ không tài sản), cách phản ánh sự tha hóa của con người vì tham địa vị, đồng tiền, sự bất bình đẳng trong xã hội và lối sống đạo đức giả.

Cuộc chiến thượng lưu theo chân những tựa phim trên, tiếp tục xoáy sâu vào những khía cạnh đó. Tác phẩm nắm bắt tốt những ham muốn và sự tha hóa của con người.

Phim đem đến cái nhìn gai góc về cuộc sống của giới thượng lưu.

“Biên kịch Kim Soon Ok có biệt tài nắm bắt những ham muốn bản năng của con người. Thứ bậc trong tòa Hera Palace ở Cuộc chiến thượng lưu được xác định bởi việc người đó, gia đình đó đang sinh sống ở căn hộ nào, tầng lầu nào. Đó là phép ẩn dụ cho ham muốn chinh phục từng nấc thang địa vị trong xã hội của con người”, Yun Suk Jin - giáo sư Văn học Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Chungnam nói với tờ Korea Joongang Daily.

Nhà phê bình phim truyền hình Gong Hee Jung nhận định rằng các nhân vật trong Cuộc chiến thượng lưu không tỏ ra tốt đẹp hẳn, hoặc xấu xa hẳn. Người tốt và kẻ xấu không được phân biệt rõ ràng. Bất kỳ ai cũng có đôi lúc “sống lỗi”. Nếu không như vậy, thật khó để họ có thể tồn tại trong bức tranh xã hội mà bộ phim đã khắc họa.

Ông bổ sung: “Cuộc chiến thượng lưu khiến người xem nảy sinh cảm xúc mâu thuẫn. Họ vừa muốn có cuộc sống giàu sang như các nhân vật trong phim, vừa không muốn liều lĩnh tranh giành để rồi phải thận trọng từng bước”.

Lâu đài trên không, Thế giới hôn nhân hay Cuộc chiến thượng lưu đều đã thành công khi nỗ lực đa dạng hóa nội dung cho màn ảnh Hàn những năm qua. Hai trong số ba tựa phim ấy bị gắn mác 19+, hạn chế độ tuổi người xem và đôi lúc gây tranh cãi về tính chất bạo lực, nhạy cảm. Song, những tranh cãi đó không thể ngăn Thế giới hôn nhân hay Cuộc chiến thượng lưu chiếm ưu thế trên mặt trận truyền hình 2020.

Thành công của loạt phim 19+ cho thấy khán giả Hàn đã có cái nhìn thoáng hơn với những tác phẩm chứa nội dung "người lớn".

Theo lời nhà phê bình Jung Duk Hyun, giờ đây, khán giả Hàn đã có cái nhìn thoáng hơn đối với những bộ phim gắn mác R, 19+. Điều này xuất phát từ sự bùng nổ của các nền tảng chiếu phim trực tuyến như Netflix. Ở đó, người xem xứ kim chi làm quen dần với những tác phẩm đầy rẫy chi tiết “người lớn”, phác họa một cuộc sống tăm tối và bạo lực.

Các nhà sản xuất phim truyền hình Hàn cũng không còn hạn chế, đóng khung trong một vài thể loại quen thuộc như lãng mạn, hài hước nhẹ nhàng. Họ buộc phải sáng tạo hơn, thử nghiệm những ý tưởng táo bạo hơn để thu hút khán giả trên thế giới.

Kết quả, những “món ăn tinh thần” mới mẻ như Thế giới hôn nhân, Cuộc chiến thượng lưu ra đời và trở nên ăn khách, không chỉ ở quốc tế mà ngay tại quê nhà - nơi phim truyền hình 19+ từng không được chào đón.

Nguyên Hạnh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vi-sao-nhung-bo-phim-bao-luc-tam-toi-lap-ky-luc-rating-nam-2020-post1162843.html