Vì sao nhiều người trẻ Trung Quốc lại ghét Tết đến thế?

Không còn thích thú với lì xì như lúc nhỏ, nhiều bạn trẻ cảm thấy mệt mỏi mỗi dịp Tết đến bởi hàng loạt lễ nghi cùng những câu hỏi dồn dập về đời tư tới từ họ hàng.

Tại Trung Quốc, người ta gọi những cô gái quá 27 tuổi mà vẫn chưa có chồng là Sheng Nu - những người phụ nữ bị bỏ lại phía sau. Vì những định kiến khắt khe như thế, nhiều cô gái Trung Quốc chọn cách thuê bạn trai để không phải về nhà ăn Tết một mình, che mắt cha mẹ và họ hàng.

Zhang Li - một chàng trai làm nghề "bạn trai cho thuê" - nói anh rất mong chờ công việc dịp Tết này bởi chính anh chàng cũng không muốn về nhà.

Trên các trang web "thuê bạn trai", các anh chàng ghi đầy đủ thông tin cá nhân và các dịch vụ mình có thể làm như gặp gỡ gia đình khách hàng, đi hẹn hò cùng khách hàng... Ảnh: Daily Mail.

Tết làm thay đổi cuộc sống thường ngày của người trẻ

Tết âm lịch chính là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Đây là dịp mọi người đều trở về bên gia đình, gặp gỡ họ hàng và gửi đến họ những lời chúc tốt đẹp nhất.

Người ta quan niệm Tết là sự khởi đầu của năm mới, nếu không muốn giông cả năm thì nên tránh đổ vỡ, mếu máo, khóc lóc, giận dỗi. Ai mà ngờ chính những điều này lại khiến nhiều bạn trẻ ghét dịp lễ truyền thống này.

Giống như ở Việt Nam, cứ mỗi khi Tết đến, sinh viên xa nhà thường tất bật sửa soạn, mua vé tàu để kịp về quê. Nhưng với một nước đông dân như Trung Quốc, những lần về quê như vậy khó khăn hơn rất nhiều.

Theo HKFP, vào năm ngoái, có hơn 410 triệu người Trung Quốc đã rời khỏi các thành phố lớn để đón chuyến tàu về quê hương đoàn tụ với gia đình.

Hàng trăm triệu người đổ về ga tàu tại thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) để về quê đón Tết cùng gia đình. Ảnh: Gilles Sabríe.

Trái ngược hoàn toàn với lúc còn nhỏ, ai cũng mong đến Tết để được mua quần áo mới, nghỉ học, đi chúc Tết cả ngày và nhận lì xì. Khi đã lớn, suy nghĩ cũng theo đó mà thay đổi, người trẻ thường thích được tự do.

Tài khoản có tên Seaya bình luận trên Weibo: "Thực sự là từ nhỏ tôi đã ghét ăn Tết rồi. Nó làm gián đoạn cuộc sống thường ngày của tôi, đã vậy cứ mỗi khi đến Tết lại phải giằng co xem nên ở nhà nội hay nhà ngoại. Chúng ta có thể đoàn viên mọi thời điểm trong năm mà, việc gì cứ phải là đến Tết".

Chưa hết, một tài khoản Weibo khác bình luận thêm: "Tết sắp đến và tôi cảm thấy rất tồi tệ. Tôi còn nhớ cha tôi từng nhắc đừng làm rơi vỡ bát đĩa vào dịp đầu năm, nếu không sẽ đem đến vận xui sẽ theo cả năm. Thế là cả mấy ngày Tết, cứ mỗi lần đến giờ ăn, chúng tôi lại đứng ngồi không yên thành ra ăn cái gì cũng không thấy ngon. Tôi ghét đủ loại nghi thức sáng sớm ngày Tết, ghét tiếng pháo hoa, mạt chược, ghét cả tiệc tùng nữa".

Kết thúc bình luận, người dùng này không quên nhấn mạnh mình thực sự rất ghét ngày Tết chứ không hề nói đùa.

Vì thế, nhiều bạn trẻ còn chọn cách đi du lịch xuyên Tết, không cùng gia đình xum vầy, quây quần bên mâm cỗ.

Thuê bạn trai, bạn gái về nhà ăn Tết

Không chỉ những luật lệ cấm túc ngày Tết, giới trẻ còn đau đầu hơn với hàng loạt thắc mắc của họ hàng.

Khoảng cách giữa các thế hệ quá lớn, khác biệt trong suy nghĩ, cách nhìn cuộc sống chính là lý do hàng đầu khiến các bạn trẻ cảm thấy không thoải mái khi họ hàng hỏi về vấn đề hôn nhân, sự nghiệp của bản thân.

Mỗi lần gặp gỡ họ hàng vào dịp Tết, chắc chắn không thể trách khỏi những câu nói đùa như thật thế này: "Bác mai mối cho con nhé", "Giảm cân đi con ơi", "Thế lương tháng bao nhiêu?", "Muốn đến chỗ bác làm không?"...

Nhưng có lẽ thế hệ trước không biết chính những câu hỏi quan tâm như thế lại khiến giới trẻ khó xử, ngượng ngùng.

Họ thực sự không biết việc cưới xin trước ngưỡng 30, sinh con đẻ cái hay có vị trí danh giá trong công ty đã không còn là vấn đề thế hệ ngày nay đặt nặng, lại càng không phải tiêu chuẩn làm nên "cuộc đời tốt đẹp, an nhàn" như thế hệ đi trước luôn nghĩ.

VIDEO: Hợp xướng 'Điều bác làm chỉ tốt cho cháu thôi' khiến dân mạng đồng cảm

Mỗi lần Tết đến, các bạn trẻ lại chán nản khi phải đối diện với hàng loạt câu hỏi đến từ họ hàng.

Vậy nên, nhiều bạn trẻ nghĩ rằng việc thuê bạn trai, bạn gái về nhà mỗi dịp Tết là cách duy nhất kết thúc chuỗi câu hỏi không hồi kết đến từ họ hàng. Họ sẵn sàng bỏ ra 1.000-1.500 tệ (khoảng 3,5-5,5 triệu đồng) để đổi lấy một ngày bình yên.

Trên các trang web hay các trang mạng xã hội lớn Tencent có vô số quảng cáo về những chàng trai với đầy đủ thông tin cần thiết như chiều cao, cân nặng, học thức.

Thậm chí có cả các "chiêu trò" họ có thể làm được giúp khách hàng có màn kịch hoàn hảo như trả lời những câu hỏi về cưới xin của họ hàng và cha mẹ, ăn tối gặp gỡ gia đình khách hàng,...

Guo Yi đã làm công việc bạn trai cho thuê được một khoảng thời gian dài. Trả lời China Daily, anh cho biết khi có khách hàng gửi yêu cầu đến, nếu cả hai bên thương lượng và thấy phù hợp thì sẽ ký hợp đồng.

Để tránh bị phát hiện, anh và khách hàng phải gặp gỡ nhau vài lần để tìm hiểu về đối phương.

"Tôi đóng kịch rất giỏi, chưa từng bị bại lộ lần nào cả" - Guo nói.

Zhou Xiaopeng - chuyên gia về hôn nhân và hẹn hò trên trang web Baihe.com - cho biết việc thuê bạn trai, bạn gái có thể giúp các bạn trẻ tránh được những tình huống khó xử, cãi vã với gia đình trong dịp đầu năm.

Tuy vậy, vài người khác lại cho rằng việc này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm và còn có thể vi phạm pháp luật.

Khánh Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-tre-trung-quoc-lai-ghet-tet-den-the-post813963.html