Vì sao nhiều người liên tục ngoại tình mà không thể kiểm soát?

Serial cheater - tạm dịch kẻ lừa tình hàng loạt, ám chỉ những người nhiều lần gian dối người yêu, bạn đời và gần như bị nghiện, không thể kiểm soát việc ngoại tình của mình.

Thời gian gần đây, truyền thông Mỹ thường sử dụng cụm từ "serial cheater" (kẻ lừa đảo hàng loạt), bắt nguồn từ "serial killer (kẻ giết người hàng loạt), ám chỉ những người nhiều lần gian dối người yêu, bạn đời.

Nhiều người nổi tiếng như minh tinh Elizabeth Taylor, nam diễn viên Jack Nicholson, diễn viên Brad Pitt hay diễn viên hài Chris Rock... cũng được cho là có xu hướng phản bội bạn đời.

Nhà văn tiểu luận người Mexico, Octavio Paz, mô tả đa tình như là "sự thèm khát cái khác biệt". Trong nhiều trường hợp, "cái khác biệt" mà người ta tìm thấy trong một mối quan hệ lén lút không phải là một bạn tình mới, mà là một "bản thân" mới.

Có lẽ điều này lý giải tại sao nhiều người tin vào thuyết triệu chứng. Đổ lỗi cho một cuộc tình thất bại sẽ dễ hơn là vật lộn với những câu hỏi hóc búa, với khát khao và sự buồn bực trong mình.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Plata, nhà tâm lý học ở Barcelona (Tây Ban Nha), giải thích: "Trong tâm lý học, không có khái niệm, thuật ngữ nào như vậy, nhưng có những đặc điểm tính cách khiến một số người dễ trở nên thiếu chung thủy hơn".

Theo Plata, hành vi này thậm chí có thể do một số bệnh lý tâm lý.

"Chứng rối loạn nhân cách ái kỷ có thể là một phần nguyên nhân. Những người ái kỷ sử dụng người khác để cảm thấy được yêu mến và ngưỡng mộ. Họ thích thử thách và liên tục chứng tỏ với bản thân rằng họ ở trên những người khác. Do đó, nhóm người này thích sống trong niềm đam mê được yêu. Họ cảm thấy được ngưỡng mộ và quý trọng trong những mối quan hệ chớp nhoáng hơn là sự gắn bó lâu dài".

Người ái kỷ không hài lòng với một mối quan hệ ổn định, bởi vì theo thời gian, nửa kia đã có được sự độc lập và ngừng thần tượng họ. Sự không chung thủy sau đó giúp thỏa mãn nhu cầu của người ái kỷ, nhà tâm lý học giải thích.

Còn Bárcenas, người có bằng tâm lý học tại Đại học CEU San Pablo, cho rằng người ái kỷ cũng có xu hướng mắc chứng rối loạn nhân cách theo thời gian, có nghĩa là họ rất coi trọng sức hấp dẫn về thể chất và tình dục.

"Ngoại tình không hoàn toàn khiến họ thấy thỏa mãn nhưng họ thích được quan tâm và tán tỉnh. Họ không thể duy trì một mối quan hệ tình cảm quá lâu với một ai đó và cũng không thể có tình bạn thuần túy với người khác giới", nhà tâm lý phân tích.

Bên cạnh đó, lòng tự trọng thấp là một trong những động cơ thúc đẩy xu hướng không chung thủy gia tăng. Những người này luôn cố gắng tìm mọi cách để cảm thấy bản thân hấp dẫn với người khác. Họ thường là người được đánh giá cao dựa trên vẻ bề ngoài cuốn hút, thành đạt hoặc tài ăn nói khéo léo.

Ảnh minh họa

Xã hội ngày nay đang cho chúng ta quá nhiều lựa chọn với internet bùng nổ, ứng dụng hẹn hò (Tinder), hay đơn giản chỉ là đi tập gym thôi. Mà khổ nỗi khi bạn có nhiều lựa chọn, khả năng ngoại tình cũng tăng lên.

Mối quan hệ của bạn vẫn rất tốt, nhưng vì có nhiều lựa chọn mà bạn cảm thấy tò mò, muốn chinh phục nhiều hơn, và rồi trở thành một kẻ ngoại tình.

Theo một nghiên cứu năm 2014 ở Anh, mạng xã hội được coi là lý do dẫn đến sự xa cách trong một phần ba tổng số trường hợp ly hôn. Kể từ đó các con số thống kê khác liên tục nhấn mạnh nguyên nhân này và còn cho thấy sự gia tăng.

Nghiên cứu năm 2021 tại Đại học Prince Sattam bin Abdulaziz ở Saudi Arabia phát hiện ra rằng hơn một nửa (59%) trong số 300 người tham gia cho biết việc sử dụng mạng xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ gia đình.

"Chuyện gì đã xảy ra?" "Cổ có chồng chưa nhỉ?" "Có thật là ảnh đang gặp rắc rối trong mối quan hệ không ta?" "Em ấy có còn dễ thương như hồi trước không nhỉ?" Câu trả lời chỉ cách ta một cú click.

Một ngày, Dwayne tìm trang cá nhân của Keisha. Bất ngờ làm sao, họ ở chung một thành phố. Cô ta đã ly dị, vẫn còn rất tươi tắn. Anh thì ngược lại, đã có gia đình, nhưng chỉ trong một phút yếu lòng, từ nút "Kết Bạn", họ đã trở thành bồ nhí.

Có vẻ như trong thập kỉ vừa qua, mạng xã hội đã ươm mầm cho biết bao cuộc ngoại tình với người yêu cũ. Nó là kết quả của sự giao thoa giữa cái biết và cái chưa biết – mang lại cảm giác thân thuộc ngày nào kèm với sự mới lạ qua thời gian. Tia sáng lung linh từ ngọn lửa đã cũ nhen nhóm một niềm tin, một sự liều lĩnh cùng chút yếu mềm. Thêm vào đó, nó như một nam châm hút lấy những hoài niệm đã đem cất từ lâu. Con người từng có trong tôi, chính là con người mà bạn từng khoác vai đồng hành.

Cách để tránh khỏi tình huống này không gì khác ngoài việc phải tự kiểm soát bản thân. Còn với đối phương, hãy để ý những đặc điểm của họ ngay từ khi bắt đầu mối quan hệ. Nếu đối phương quá chú ý đến những người xung quanh, đó là một dấu hiệu "không lành" nếu bạn muốn có một mối quan hệ nghiêm túc và chung thủy.

"Không có phương pháp điều trị nhanh chóng, dứt điểm. Việc bạn cần làm là xây dựng lòng tự trọng, xem xét các mối quan hệ để bản thân và bạn đời trở nên tốt hơn", nhà tâm lý Bárcenas kết luận.

Tường Vy (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vi-sao-nhieu-nguoi-lien-tuc-ngoai-tinh-ma-khong-the-kiem-soat-172221120205509929.htm