Vì sao nhiều người chọn cách giải quyết tiêu cực khi xảy ra những bế tắc trong cuộc sống?

Xung đột gia tăng nhưng không có cách nào giải quyết được triệt để đã dẫn đế những hành vi lệch chuẩn là nguyên nhân của những sự việc đau lòng trong xã hội hiện nay.

Những bi kịch từ bế tắc, thống khổ

Thời gian qua đã có rất nhiều những bi kịch gia đình xảy ra. Chồng giết vợ, vợ giết chồng, cha đâm con, con tẩm xăng đốt mẹ… khiến dư luận sửng sốt, bàng hoàng. Những mối quan hệ máu mủ, ruột thịt nhưng cuối cùng lại đi tới một kết cục đau lòng, đáng trách nhưng cũng đáng thương.

Gần đây nhất, vụ cô con gái ruột đang tâm phóng hỏa thiêu sống người mẹ gần 70 tuổi của mình rồi lạnh lùng chốt cửa bỏ đi chỉ vì một mâu thuẫn, cãi vã khiến nhiều người bàng hoàng, lo lắng về những giá trị đạo đức đã đảo lộn đến mức nghiệt ngã.

Hiện trường vụ con tẩm xăng đốt mẹ để khiến dư luận bàng hoàng

Hiện trường vụ con tẩm xăng đốt mẹ để khiến dư luận bàng hoàng

Và còn đáng phẫn nộ hơn, khi người phụ nữ hành xử mất nhân tính ấy lại ở độ tuổi tứ tuần chứ không phải những đứa trẻ vị thành niên để có thể biện minh, phân bua rằng chưa đủ chín chắn. Ở độ tuổi này, người phụ nữ ấy có lẽ đã trở thành mẹ, đã hiểu được công lao “mang nặng, đẻ đau”, hiểu được công sinh thành, dưỡng dục trời bể…

Hay có những người phụ nữ chân lấm tay bùn, chưa một lần son phấn chỉ cắm mặt nuôi gia đình, nhưng bỗng một ngày họ trở thành kẻ giết người. Đó là hệ quả của những năm tháng dài, thậm chí già nửa cuộc đời họ sống dưới những trận mưa đòn của chồng. Tới một ngày, những nỗi bế tắc lên tới đỉnh điểm, họ không thể thỏa hiệp với đối phương, thỏa hiệp với bản thân mình. Và họ đã lựa chọn bạo lực như một giải pháp kết thúc mọi chuyện.

Xung đột gia tăng nhưng không có cách giải quyết ắt sẽ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi) vén mái tóc đã bạc già nửa, lộ những vết sẹo chằng chịt. Có vết dài nửa gang, có vết sâu khiến tóc không thể mọc trở lại. Đó là hậu quả của những lần bị chồng dùng đòn gánh, có lúc đang tiện cầm dao, phạt luôn cho vợ một nhát, lại có lúc ông ta nhặt đòn đá ném vợ, may không mù mắt.

Đúng ngày mùng 2 Tết Bính Thân (2016), chồng bà Mai sau khi uống rượu về nhà bắt vợ đưa tiền rồi dọa đánh chửi. Như mọi lần, bà chui vào phòng và chèn két sắt lại rồi nằm im nghe ngóng.

Ở trong phòng gần 3 tiếng, bà buồn đi vệ sinh lén ra ngoài thì bị chồng phát hiện. Người chồng liền lao tới trút lên thân thể vợ mình những đòn chí mạng. Bà Mai chộp được con dao và chỉ kịp chạy vài bước, ông Ngự gục xuống, ngay trước mắt hai đứa cháu ngoại còn rất nhỏ.

Bà kể lại, lúc ông ấy bình thường nhất, tôi cũng thủ thỉ, thôi ông ạ, tôi già rồi, chả sống được mấy nữa, ông cứ giày vò tôi thế này tôi sống làm sao” cũng không làm lay chuyển được bản chất vũ phu của ông Ngự. Và điều xấu nhất đã xảy ra sau gần 40 năm chung sống.

Có thể thấy, những bế tắc trong cuộc sống ấy có thể kể tới bắt nguồn từ rất nhiều vấn đề, trong đó, phổ biến nhất phải kể tới những mâu thuẫn âm ỉ trong mỗi gia đình. Khi không giải quyết được mâu thuẫn, bế tắc, con người ta lựa chọn bạo lực. Và kết quả thật đau lòng.

Lệch chuẩn, mất định hướng và hành động bản năng khi bế tắc

Theo bà Trần Thu Hương - giảng viên khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, thì đây là vấn đề dễ hiểu và tất yếu. Khi con người rơi vào bế tắc xung đột không thể giải quyết được và chỉ có cách thức dùng bạo lực để có thể giải quyết mọi vấn đề, dẫn đến xung đột gây hấn. Hành vi gây hấn một góc độ nào đó mang tính bản năng. Những cái đấy dồn nén nhiều lâu ngày thì đến lúc nào đấy nó sẽ bung ra, khi bung ra thì mức độ gây hại sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc để dồn nén có cơ hội được giải tỏa, được giải phóng ra khỏi những năng lượng khó chịu.

Trong những trường hợp đấy, trong những tình huống như vậy, nếu có một nơi nào đó hoặc có một ai đấy có thể đứng ở giữa làm trung gian can thiệp và giúp cho người ta xả ra được những tiêu cực thì có lẽ, những hậu quả của những hành vi sẽ giảm đi, không nặng nề như những trường hợp vừa rồi.

Khi mỗi người đều xác định cho mình một giá trị, mỗi người có một quãng tự do riêng trong khuôn khổ, có nghĩa là để cho người ta một khoảng không gian riêng tư. Khi được tự do như vậy, con người sẽ không bị áp lực nhiều, ứng xử vời những người khác một cách hài hòa hơn.

Để giải quyết được mâu thuẫn, cần có những biện pháp can thiệp. Ví dụ, trong 2 người xung đột thì cần phải có 1 người đủ tỉnh táo để có thể dừng lại những cơn xung đột ấy. Nếu cứ để cho xung đột gia tăng thì tận cùng sẽ là những vấn đề tiêu cực không đáng có mà thôi.

Khi bắt đầu xảy ra các xung đột, tốt nhất, nên tìm kiếm những người nào mà có thể hỗ trợ được, thông thường sẽ tìm những người không ở trong gia đình hoặc những bạn bè thân để người ta cho những lời khuyên. Tuy nhiên, những lời khuyên ấy đôi khi chỉ là tính kinh nghiệm hay thậm chí là “đổ thêm dầu vào lửa”, vì thế cách tốt nhất là nên đến gặp các chuyên gia vì các chuyên gia được trang bị những kiến thức, kỹ năng về mặt khoa học và thực tiễn để họ có thể giúp cho những người có xung đột ấy giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực và đẩy những cảm xúc tích cực lên tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Gia đình là nơi trú ngụ của hạnh phúc, cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ thơ, nơi trở về sau mỗi lần vấp ngã đối với mỗi con người. Nhưng trong nhiều trường hợp, những bế tắc trong gia đình đang trở thành một trong những nguy cơ gây ra những phản ứng tiêu cực gây ra những hậu quả đáng tiếc kể trên.

Xem thêm: Clip thảm sát ở Bình Dương - hiện trường đau lòng

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/vi-sao-nhieu-nguoi-chon-cach-giai-quyet-tieu-cuc-khi-xay-ra-nhung-be-tac-trong-cuoc-song-d143111.html