Vì sao nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động?

Sau khi tăng lãi suất huy động trước và sau Tết Nguyên đán để thu hút tiền nhàn rỗi, mới đây, nhiều ngân hàng lại lần lượt giảm lãi suất tiền gửi.

Cụ thể, trong tháng 3/2018, ngân hàng VIB có 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất. Theo đó, giảm từ 0,3-0,5 điểm phần trăm so với hồi tháng 1 ở các kỳ hạn 1-3 tháng xuống còn 5-5,1%. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng đã giảm 0,2-0,4 điểm phần trăm. Hiện lãi suất của kỳ hạn 6 tháng là 6% đến 6,3%.

Ngân hàng VPBank áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới từ 30/3, điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Giảm 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 12-36 tháng, giảm 0,3 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6-7 tháng và giảm 0,4 điểm phần trăm kỳ hạn 8-11 tháng.

Tại ngân hàng MB, lãi suất ở nhiều kỳ hạn ngắn giảm từ 0,1 đến 0,2 điểm phần trăm so với đầu tháng 2; lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2% xuống còn 5,5%. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn giữ nguyên ở mức 7,2%.

Ở khối Ngân hàng thương mại có vốn chi phối của Nhà nước, lãi suất giảm xuống sâu hơn. Tại VietinBank, trần lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng hiện chỉ còn 4,8%, giảm tới 0,5 điểm phần trăm so với trước đây…

Việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất đầu vào được cho là do thanh khoản hệ thống dồi dào, tín dụng tăng chậm lại trong khi nguồn huy động vẫn đang tăng trưởng tốt.

Giảm lãi suất huy động là để giảm bớt chi phí lãi đầu vào, đảm bảo khả năng sinh lời. (Ảnh minh họa: KT)

Giảm lãi suất huy động là để giảm bớt chi phí lãi đầu vào, đảm bảo khả năng sinh lời. (Ảnh minh họa: KT)

Theo phân tích của ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, lý do nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động thời gian qua là do muốn điều chỉnh cơ cấu kỳ hạn để tăng vốn huy động trung và dài hạn, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng như đáp ứng được yêu cầu của thông tư 36 của NHNN quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng. Một lý do nữa là trong quý I vừa qua, lượng tín dụng đẩy ra nền kinh tế chưa nhiều, vì vậy các ngân hàng phải tạm thời giảm đi phần huy động vốn ngắn hạn, thay vào đó là tăng huy động nguồn vốn dài hạn.

Ông Cấn Văn Lực nhận định, trong những tháng tới, lãi suất đầu vào cơ bản sẽ ổn định, mặc dù cũng có thời điểm xảy ra biến động nhưng không tác động nhiều đến việc tăng hay giảm lãi suất. Các ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh đồng bộ đối với cơ cấu huy động vốn, tuy nhiên điều này không phải là xu thế dài hạn hoặc cả năm mà chỉ xảy ra tại một thời điểm nhất định. Về lâu dài, xu hướng giảm lãi suất đầu vào rất khó xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát năm nay tăng khá rõ, cùng với đó các kênh khác như: vàng, bất động sản đã và đang trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, đến hết tháng 3, tỷ lệ tín dụng so với vốn huy động ở mức 88,2%, cao hơn so với cuối năm 2017 (87,8%). Thanh khoản hệ thống ổn định một phần do NHNN tăng mua ngoại tệ và giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ chậm.

Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân đến hết quý đầu năm tăng 3% so với cuối năm 2017, cao hơn mức cùng kỳ năm ngoái 2,6%. Như vậy, với tình hình thanh khoản dồi dào trong khi hoạt động cho vay đã bớt tăng thì việc các NHTM giảm lãi suất huy động là để giảm bớt chi phí lãi đầu vào, đảm bảo khả năng sinh lời./.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/vi-sao-nhieu-ngan-hang-giam-lai-suat-huy-dong-750474.vov