Vì sao nhiều mẫu xe thường sử dụng chung một Platform?

Việc nhiều hãng xe chia sẻ Platform với nhau không phải là hiếm thấy, nhằm giảm thiểu chi phí và giá thành.

Nếu như động cơ được coi như trái tim của chiếc xe thì Platform (nền tảng) được coi như bộ khung xương, nó sẽ quyết định hình thù, sức mạnh, độ an toàn, hấp thụ xung lực khi xảy ra va chạm...Hiểu một cách đơn giản, Platform cơ bản là kết cấu khung sàn, hệ thống truyền động, hệ thống treo và các trục. Chính vì vậy việc phát triển Platform chiếm rất nhiều thời gian và tiền bạc của các hãng xe.

Để tiết kiệm chi phí này, nhiều hãng xe hướng đến việc mua lại Platform của các hãng khác để giảm giá thành sản xuất cũng như giảm chi phí đầu tư. Ngoài ra, chưa chắc việc nghiên cứu một Platform mới đã cho một sản phẩm tốt hơn.

Hệ thống Platform trên ô tô.

Hệ thống Platform trên ô tô.

Giá bán của chiếc xe đắt hay rẻ phần nhiều sẽ phụ thuộc vào Platform mà chiếc xe đó sử dụng. Mặc dù quan trọng như vậy nhưng đây lại là thứ mà người ta khó có thể nhìn thấy được. Đơn cử với 2 chiếc xe có ngoại hình tương tự, nhưng mức giá chênh nhau cả tỷ đồng là do Platform quyết định, giá càng cao Platform càng tốt và càng an toàn.

Tại Việt Nam, không khó để thấy những mẫu xe dùng chung nền tảng như Lux Toyota Fortuner 2020 và Toyota Hilux, hay Toyota Avalon dùng chung khung gầm với Camry và Lexus ES. Hay như Hyundai Tucson dùng chung platform với Hyundai Elantra, Kia Sportage. Hai mẫu xe đình đám VinFast Lux A2.0, Lux SA.20 cũng dùng chung nền tảng của BMW 5 series, và BMW X5.

Việc phát triển Platform tốn kém ra sao có thể nhìn vào hãng xe Mỹ - Ford. Năm 2015, hãng này đã quyết định giảm từ 27 Platform xuống còn 8 Platform trên toàn cầu để cắt giảm chi phí cũng như làm tăng tính linh hoạt cho hãng xe. Phát biểu tại Hội nghị Công nghiệp toàn cầu của Deutsche Bank, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Ford Mark Fields nói: “Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc cải thiện thời gian chúng tôi giới thiệu các mẫu xe mới".

Không những mua đi, bán lại Platform, nhiều hãng xe còn bắt tay hợp tác để cùng phát triển Platform. Điển hình như 2 đối thủ "truyền kiếp" là BMW và BMW Group và Daimler AG (tập đoàn sở hữu hãng xe Mercedes-Ben) cách đây chưa lâu đã cho biết đang lên kế hoạch hợp tác để sản xuất BMW 1-Series và Mercedes-Benz A-Class. Ước tính việc kết hợp này sẽ giúp 2 hãng xe có thể tiết kiệm từ 7-8 tỷ USD trong tương lai.

Trên thế giới, nhiều mẫu xe/ thương hiệu sử dụng chung một hệ thống Platform như Audi TT và Volskwagen Golf, hoặc đến những mẫu xe khá không liên quan như Audi Q7 và Bentley Bentayga, hoặc Roll Royce Ghost và BMW 7 serie, Ford Mondeo và Mazda 6….

Nhiều mẫu xe được phát triển chung trên một nền tảng.

Với mỗi dòng xe, mẫu xe hay đối tượng khách hàng nhắm đến mà các nhà sản xuất sẽ nghiên cứu những Platform khác nhau. Ví dụ như một chiếc Mazda CX5 sẽ có Platform khác với chiếc BMW X5, hay một chiếc sedan phân khúc B nhắm vào đối tượng khách hàng là chạy dịch vụ sẽ có nền tảng đơn giản hơn, hệ thống treo đơn giản và sẽ bền hơn những chiếc sedan ở phân khúc cao hơn như BMW, Mercedes hay VW, VinFast... vì những mẫu xe này nhắm đến khách hàng thiên về trải nghiệm, hưởng thụ và sự an toàn.

Ngọc Khánh

Nguồn VTC: https://vtc.vn/tu-van/vi-sao-nhieu-mau-xe-thuong-su-dung-chung-mot-platform-ar539939.html