Vì sao nhiều giáo viên không vui trước thông tin khai tử chứng chỉ ngoại ngữ?

Khi nhu cầu về chứng chỉ của giáo viên quá lớn, buộc các trung tâm ngoại ngữ phải tìm cách để 'lách' và kịch bản học cấp tốc lấy chứng chỉ ngay sẽ được lặp lại

Khi nghe tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ quy định kiểm tra, cấp chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C những tưởng giáo viên phải là người hồ hởi, phải hò reo vui mừng nhiều nhất.

Chứng chỉ tiếng Anh khung Châu âu có thực chuẩn?(Ảnh Báo An ninh thủ đô)

Chứng chỉ tiếng Anh khung Châu âu có thực chuẩn?(Ảnh Báo An ninh thủ đô)

Trái ngược, nhiều thầy cô giáo tỏ ra dửng dưng, không quan tâm như chẳng hề liên quan đến mình.

Thái độ này khác hẳn với trước đây, câu chuyện về chứng chỉ ngoại ngữ luôn là đề tài nóng, là nỗi bức xúc bất bình của tất cả giáo viên.

Vậy lý do gì khi chứng chỉ ngoại ngữ bị khai tử nhiều giáo viên lại không vui?

Nhiều thầy cô giáo than rằng: “Sao không bỏ quy định này sớm hơn cho chúng tôi đỡ mất một khoản tiền vô ích?”.

Để có được chứng chỉ A, B ngoại ngữ, giáo viên đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ. Mỗi địa phương có một mức giá khác nhau, chỉ tiền nộp lệ phí “thi” nơi ít nhất gần 2 triệu đồng, nơi nhiều từ 4-5 triệu đồng.

Riêng chứng chỉ C số tiền chi ra là gấp đôi. Nếu tính cả số tiền ăn ở, đi lại đặc biệt đối với giáo viên miền núi xuống đồng bằng để “thi”, sau khi cầm được chứng chỉ số tiền chi phí bỏ ra phải đến gần chục triệu đồng.

Cách đây vài năm, khi có quy định thăng hạng, giữ hạng ra đời thì các trường học đã ráo riết đốc thúc giáo viên đi học lấy chứng chỉ bằng được.

Vậy nên, nếu về các trường học hiện nay ở nhiều địa phương làm một cuộc khảo sát: “Bạn có chứng chỉ ngoại ngữ chưa?”

Chúng tôi khẳng định có nhiều trường 100% giáo viên đã có chứng chỉ. Một số trường khác, tỉ lệ có chứng chỉ cũng luôn ở mức 80-90%.

Chuẩn ngoại ngữ mới cho giáo viên

10% (hoặc hơn một chút) còn lại không có sẽ rơi vào trường hợp giáo viên chỉ còn 1-2 năm công tác nữa là về hưu.

Thời gian nghỉ hưu cận kề nên những thầy cô giáo này đã nhất quyết không chịu đăng ký “mua” chứng chỉ dù bị sức ép không nhỏ từ nhà trường.

Giáo viên đã có chứng chỉ gần hết nên giờ Bộ có bãi bỏ thì thầy cô giáo cũng chẳng thấy mừng mà còn thấy tiếc nuối vì mất tiền nhiều hơn.

Liệu có “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa?”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Dinh, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng:"Bỏ chứng chỉ là điều rất đáng mừng, nhưng cũng nên có cách đánh giá mới về năng lực và trình độ ngoại ngữ của giáo viên.

Không thể bỏ khoảng trống này được, vì bản thân giáo viên là người gương mẫu đi đầu, trình độ kém hơn học sinh là điều không nên.

Đặc biệt cách đánh giá mới phải xuất phát từ chính nhu cầu của mỗi giáo viên, phải linh hoạt không nên đặt ra một quy định cứng nhắc, không để tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”.

Ngày 19/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức” nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí, việc làm và khung năng lực theo quy định.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, có 60 phần trăm viên chức và 50 phần trăm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) trở lên;

Hướng đến năm 2030 sẽ đảm bảo 70 phần trăm viên chức và 60 phần trăm viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 (tương đương với trình độ B2 khung châu Âu) trở lên.

Trước Đề án “Chương trình quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức” nhiều giáo viên lại lo ngại viễn cảnh mua chứng chỉ A,B,C lại xảy ra nhưng lần này số tiền phải bỏ ra để “học, thi” nhiều hơn rất nhiều.

Giáo viên mẫu giáo, tiểu học có cần ngoại ngữ không?

Đôi điều suy nghĩ đề chuẩn ngoại ngữ mới

Giáo viên mẫu giáo suốt ngày dỗ trẻ, đút cho trẻ ăn, dọn vệ sinh rồi tập múa hát...

Giáo viên tiểu học cũng chẳng cần bằng ngoại ngữ để dạy ai trong khi thầy cô chỉ lo cho trẻ đọc viết thành thạo.

Với người có chút vốn liếng ngoại ngữ nhưng thường xuyên sống trong môi trường không bao giờ cần một chút kiến thức ngoại ngữ giao tiếp cũng sẽ mai một dần.

Nay yêu cầu giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ bậc 4 có phải là điều viển vông hay không? Với tấm chứng chỉ này, chỉ giúp làm đẹp hồ sơ chứ chẳng giúp gì cho chất lượng giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh.

Trong khi đó, nhiều thầy cô giáo là giáo viên dạy ngoại ngữ đã khẳng định: “Giáo viên chuyên ngành tiếng Anh thi B2 còn rớt như sung.... vậy mà đòi giáo viên đỗ B2 liệu có thực tế?”

Chỉ nên áp dụng cho những giáo viên sẽ tuyển mới sau này

Với những giáo viên thế hệ trước, đòi hỏi phải có trình độ ngoại ngữ bậc 4 là điều không tưởng. Điều này, sẽ buộc giáo viên tìm kiếm cách mua chứng chỉ như trước đây vì có cho học miễn phí 10 năm mà tổ chức thi nghiêm túc cũng khó đạt được.

Khi nhu cầu về chứng chỉ của giáo viên quá lớn, buộc các trung tâm ngoại ngữ phải tìm cách để “lách” và kịch bản học cấp tốc lấy chứng chỉ ngay sẽ được lặp lại.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu giáo viên nhất định phải có chứng chỉ thì chỉ nên áp dụng cho những sinh viên sư phạm mới ra trường trong giai đoạn này.

Như việc quy định, tất cả sinh viên sư phạm khi ra trường phải có trình độ ngoại ngữ bậc 4 mới được tuyển dụng.

Khi đã có quy định rõ ràng như thế, những sinh viên sư phạm sẽ biết cách trang bị vốn ngoại ngữ cho mình ngay từ khi đang ngồi học trên ghế nhà trường.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/can-bo/quyet-dinh-1659-qd-ttg-2019-chuong-trinh-hoc-ngoai-ngu-cho-can-bo-cong-chuc-178389-d1.html

https://vtc.vn/bo-thi-chung-chi-ngoai-ngu-viec-nen-lam-tu-lau-d512983.html

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/vi-sao-nhieu-giao-vien-khong-vui-truoc-thong-tin-khai-tu-chung-chi-ngoai-ngu-post204946.gd