Vì sao nhiều địa phương không dám cam kết?

VH- Hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng khách du lịch rõ ràng đã và đang tác động xấu đến hình ảnh du lịch của địa phương và du lịch của cả nước, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Nhưng đến nay, vẫn rất ít tỉnh, thành phố kiên quyết trong việc cải thiện môi trường du lịch và cam kết không để xảy ra tình trạng nói trên.

Khách nước ngoài xua tay vì bị làm phiền

Hạ nhiệt những “điểm nóng”

Hiện nay, công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách còn nhiều bất cập, yếu kém, đùn đẩy trách nhiệm, chưa thể hiện đúng mức vai trò và trách nhiệm trực tiếp của chính quyền địa phương trong việc bảo đảm môi trường, văn minh du lịch, an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch.

Thực tế cho thấy, có những tỉnh, thành phố quyết liệt trong chỉ đạo thì môi trường du lịch sẽ thay đổi rõ rệt. Trước đây, Sầm Sơn (Thanh Hóa) gần như lúc nào cũng đeo đẳng cái tiếng là “máy chém”, thậm chí còn bị cộng đồng mạng tẩy chay vì quá nhiều khách bị lừa đảo, bắt chẹt, “chặt chém”, ứng xử thiếu văn minh với khách. Nhưng liên tục trong nhiều năm, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, văn hóa ứng xử, cơ sở hạ tầng du lịch để đón khách. Hệ thống camera an ninh được lắp đặt tại những địa bàn trọng điểm và đội quản lý liên ngành gồm Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, dân phòng... tiến hành trực 24/24h để hạn chế tối đa việc ép khách, chèo kéo, lừa đảo khách. Số điện thoại đường dây nóng được niêm yết tại các nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi công cộng để du khách phản ánh và cam kết xử lý kịp thời.

Quảng Ninh, một trung tâm du lịch lớn của cả nước trước đây cũng không ít điều tiếng về môi trường du lịch, đặc biệt là “điểm nóng” vịnh Hạ Long. Theo thống kê của thành phố Hạ Long, mặc dù đến nay còn 505 tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long (gồm 314 tàu tham quan, 189 tàu lưu trú, 2 tàu nhà hàng), đã giảm 34 tàu du lịch (do không đáp ứng được các điều kiện, tiêu chí hoạt động và các quy định khác có liên quan) nhưng năng lực vận chuyển khách tham quan vẫn tăng. Để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch và xây dựng môi trường du lịch trong sạch, thân thiện, ngoài các quy định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính, tỉnh Quảng Ninh còn quy định chế tài riêng và có cam kết với các chủ tàu. Theo đó, nếu chủ tàu, thuyền viên cố tình vi phạm các quy định về ATGT, môi trường kinh doanh du lịch như để tàu nhỏ đeo bám bán hàng rong, “chặt chém” du khách, bán hàng hóa, dịch vụ không niêm yết rõ ràng thì Cảng vụ sẽ từ chối cấp phép hoạt động đối với phương tiện vi phạm từ 10 ngày đến 6 tháng hoặc Ban Quản lý cảng, BQL Vịnh từ chối ký hợp đồng neo đậu, hoạt động tại các điểm tham quan, cảng, bến vĩnh viễn. Nhờ đó, các vi phạm đã giảm nhiều, các chủ tàu, thuyền viên có ý thức, trách nhiệm hơn.

Chính quyền và ngành cùng giữ sạch môi trường du lịch

Từ tháng 1 - 4.2018, Trung tâm Hỗ trợ Du khách tỉnh Quảng Nam (đặt tại TP Hội An) tiếp nhận 113 cuộc gọi qua số điện thoại đường dây nóng 02353.666.333; tiếp nhận và liên hệ, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý 102 trường hợp du khách đề nghị hỗ trợ thông tin, phản ánh về những tồn tại, bất cập môi trường du lịch ở Quảng Nam. Trong đó, nổi cộm là các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, an toàn và quyền lợi hợp pháp của du khách như: phàn nàn về môi trường du lịch, chất lượng dịch vụ, nâng giá, chèo kéo; mất giấy tờ, đồ đạc cá nhân và các vấn đề khác.

Ông Nguyễn Hai, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam (Sở VHTTDL Quảng Nam) cho biết: Hằng tháng đơn vị đều có báo cáo gửi các cơ quan hữu quan trên địa bàn tỉnh, TP Hội An. Thông thường, lượng du khách vẫn tăng đều khiến nhiều địa phương chủ quan nghĩ rằng “khách tăng là do môi trường du lịch tốt”, hoặc “không có vấn đề nổi cộm gì trong môi trường du lịch. Tuy nhiên, môi trường du lịch ngày càng phức tạp, nhất là việc đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách”.

Sở VHTTDL Quảng Nam cũng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý và đề xuất UBND TP Hội An có những chấn chỉnh quyết liệt về tình trạng ồn ào, huyên náo tại các quầy bar, “chặt chém” du khách trên xe buýt, trong kinh doanh, xe ôm xô xát với du khách người Australia khiến du khách phải nhập viện… TP Hội An cũng tổ chức đối thoại với các doanh nghiệp, cơ sở liên quan và kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng mất trật tự ở các cơ sở nhà hàng-bar trên địa bàn thành phố. Quán nào không chấp hành đúng quy định về âm thanh, gây ồn ào, mất trật tự dù một phút cũng sẽ bị đóng cửa.

Tuy nhiên, tình trạng đeo bám, chèo kéo, lừa đảo, gian lận, xâm hại tài sản, tính mạng của du khách vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là những trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Sa Pa… Rất ít nơi hoàn thành việc 100% khu, điểm du lịch có nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ du khách. Nhiều nơi có đường dây nóng, trung tâm hỗ trợ du khách nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc khách không biết để gọi. Vì thế, chính quyền các cấp ở các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn, mạnh tay xử lý dứt điểm những tồn tại trong hoạt động du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách và phải cam kết cải thiện môi trường du lịch thì mới bảo vệ được thương hiệu du lịch của địa phương và của quốc gia.

Qua những sự việc đáng tiếc xảy ra với khách du lịch quốc tế và trong nước thời gian vừa qua, có thể thấy rằng dù Chính phủ đã ban hành nhiều Chỉ thị, văn bản để đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, Bộ VHTTDL cũng có nhiều chỉ đạo sát sao, Luật Du lịch cũng đã đi vào cuộc sống nhưng cuối cùng những hình ảnh xấu vẫn xảy ra. Một phần là do ý thức của người dân, của những người tham gia vào công tác du lịch, trách nhiệm quản lý của các địa phương, nơi xảy ra sự việc còn chưa tốt. Khi xảy ra sự cố đáng tiếc thì còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Muốn Du lịch phát triển bền vững thì ngay trong ý thức của mỗi người dân nói riêng, các địa phương nói chung phải thấy được trách nhiệm của mình để phục vụ du khách cho thật tốt, sao cho khách đi rồi trở lại chứ không phải một đi không trở lại. Nói chung chúng ta phải hình thành được văn hóa ứng xử văn minh của người dân đối với du khách, trong sự quản lý, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để làm sao cho vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Phải ứng xử làm sao để khách du lịch thấy được những nét đẹp về văn hóa, về đất nước, con người Việt Nam cùng ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường Du lịch. Có như thế Du lịch Việt Nam mới hoàn thành được mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của kinh tế nước nhà.

(Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển, Lâm Đồng)

NHÓM PV

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-l%E1%BB%8Bch/v236-sao-nhi%E1%BB%81u-%C4%91%E1%BB%8Ba-ph%C6%B0%C6%A1ng-kh244ng-d225m-cam-k%E1%BA%BFt