Vì sao nhiều địa phương không bầu đại biểu HĐND cấp phường, quận?

Ngày 14/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhấn mạnh việc: tại quận, phường của TP HCM, Đà Nẵng và tại phường của TP Hà Nội sẽ không tổ chức bầu đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng.

Hà Nội, Đà Nẵng tổ chức thí điểm

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, với 392/447 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đáng chú ý, tại Nghị quyết số 97/2019/QH14 việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được quy định như sau: “Chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại TP Hà Nội là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã”.

Điều đó đồng nghĩa, các phường tại Hà Nội sẽ không có HĐND. Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các công chức khác. UBND phường loại I và loại II có không quá 2 Phó Chủ tịch; phường loại III có 1 Phó Chủ tịch. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường là công chức giữ chức danh lãnh đạo, quản lý của UBND phường. Chế độ làm việc của UBND phường theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng. Theo đó, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng được tổ chức như sau: Chính quyền địa phương ở TP Đà Nẵng là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND TP và UBND thành phố; Chính quyền địa phương ở các quận thuộc TP Đà Nẵng là UBND quận. Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận tại TP Đà Nẵng là UBND phường. Như vậy, tại các quận, phường tại Đà Nẵng chỉ có UBND còn cấp TP cấu trúc như các tỉnh, thành khác vẫn gồm có HĐND và UBND.

Theo Nghị quyết, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

TP HCM thực hiện luôn mô hình chính quyền đô thị

Riêng đối với TP HCM, ngày 16/11/2020, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM với 87,14% đại biểu tán thành. Theo đó, chính quyền đô thị tại thành phố này gồm: Chính quyền địa phương ở TP HCM có HĐND và UBND. Ở cấp quận và phường không có HĐND mà chỉ có UBND. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TP được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tức là vẫn còn HĐND. Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM cũng sẽ được thực hiện từ ngày 1/7/2021.

Trước đó, TP HCM đã có 7 năm thực hiện đề án không tổ chức HĐND quận, phường (từ năm 2009 đến năm 2016). Đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện đề án, TP HCM cho biết, việc không tổ chức HĐND cấp quận, cấp phường đã tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đảm bảo tính thống nhất, xuyên suốt, nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy hành chính nhà nước. Trong khi đó, quyền dân chủ của nhân dân vẫn được đảm bảo hiệu quả.

Đặc biệt, TP HCM nhận thấy khi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường đã không ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân thành phố. Từ kết quả của quá trình thực hiện thí điểm, có thể sơ bộ đúc kết ra một vấn đề, đó là hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền không phụ thuộc quá nhiều vào việc tổ chức HĐND ở cấp quận, phường.

Hải Thanh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/vi-sao-nhieu-dia-phuong-khong-bau-dai-bieu-hdnd-cap-phuong-quan-d146669.html