Vì sao nhiều bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng trở nặng quá nhanh?

Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, các bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng lần này có diễn tiến nhanh, nặng hơn do phần lớn họ cao tuổi và mắc kèm nhiều bệnh lý nền.

Đến ngày 30/7, ngoài các bệnh nhân COVID-19 tiên lượng rất nặng được ghi nhận như: BN416, BN418, BN428, BN431, BN436, BN437, BN438, Việt Nam có một số ca tiên lượng nặng lên: BN429, BN426, BN427, BN430, BN422, BN433...

So với đợt dịch trước, đợt này các bệnh nhân COVID-19 có xu hướng diễn tiến nhanh hơn, nhiều ca nặng hơn. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có bệnh nhân lớn tuổi, mắc các bệnh nền phức tạp, nhiều người đang chạy thận nhân tạo, mắc các bệnh lý tim mạch, thận, thậm chí ung thư.

“Bệnh nhân giai đoạn này nặng hơn, tiến triển nguy kịch nhanh hơn giai đoạn trước. Do nhiều người cao tuổi, lại mắc nhiều bệnh lý nền”, ông Khuê nói.

PGS. TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). (Ảnh: SKĐS).

PGS. TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). (Ảnh: SKĐS).

Cũng theo ông Khuê, quá trình giải trình tự gene của các nhà khoa học cho thấy, chủng SARS-CoV-2 mới (chủng thứ 6 ở Việt Nam) được phát hiện ở Đà Nẵng có khả năng lây lan nhanh hơn. Vì thế, tình hình dịch bệnh cũng khó lường trước.

Đến nay, trong số các ca nặng, có 2 bệnh nhân phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo), thở máy, lọc máu liên tục là BN416 và BN437. Còn một số bệnh nhân khác như BN436, BN438 và BN418 sau khi chuyển ra Bệnh viện Trung ương Huễ vẫn đang phải thở máy.

Dù BN416 vẫn còn rất nặng, nhưng tình trạng đã khá hơn, giảm các triệu chứng.

Còn BN437 đang trong tình trạng nguy kịch. Người này có tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, tiểu đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc COVID-19.

Để điều trị cho bệnh nhân này, các chuyên gia hàng đầu đã liên tục hội chẩn, hỗ trợ trực tiếp bệnh viện Đà Nẵng chăm sóc và điều trị. "Dù các chuyên gia, thầy thuốc vẫn tổ chức hội chẩn liên tục nhưng bệnh nhân 437 vẫn rất nặng, tiên lượng dè dặt", ông Khuê nói.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng thông tin, để hỗ trợ điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng, chỉ trong 6 ngày, Hội đồng chuyên môn (Bộ Y tế) tổ chức 5 cuộc hội chẩn toàn quốc về ca bệnh nặng, bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, trước tình hình nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng như hiện nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các cơ sở y tế ngoài việc tập trung nguồn lực, dốc sức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, các đơn vị cũng phải chú trọng bảo vệ nhân viên y tế.

"Cuộc chiến phòng, chống COVID-19 còn dài, phía trước còn nhiều thách thức. Do đó, trước tiên, chúng ta phải bảo vệ các y bác sĩ và nhân viên y tế để có người điều trị cho bệnh nhân. Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19.

Vì căn bệnh này rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể diễn biến xấu rất nhanh. Chúng ta phải nỗ lực cao nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ thiệt mạng của bệnh nhân COVID-19 nặng và rất nặng", ông Khuê nói.

Video: Ca mắc COVID-19 ở Đà Nẵng có dấu hiệu giống bệnh nhân 91

Phạm Quý

Nguồn VTC: https://vtc.vn/vi-sao-nhieu-benh-nhan-covid-19-o-da-nang-tro-nang-qua-nhanh-ar560852.html