Vì sao Nhật Bản kiên quyết không tấn công Trân Châu Cảng đợt 3?

Ngày 7/12/1941, Nhật Bản bất ngờ tấn công căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương ở Hawaii. Trong trận chiến Trân Châu Cảng, Nhật Bản mở cuộc tấn công bao gồm 2 đợt không kích. Vì sao Nhật Bản không mở đợt không kích thứ 3 để giành thắng lợi lớn hơn?

7h40 Chủ nhật ngày 7/12/1941 trở thành dấu mốc lớn trong Thế chiến 2 khi Nhật Bản bất ngờ tấn công vào Trân Châu Cảng. Hậu quả là căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii bị tổn thất lớn.

7h40 Chủ nhật ngày 7/12/1941 trở thành dấu mốc lớn trong Thế chiến 2 khi Nhật Bản bất ngờ tấn công vào Trân Châu Cảng. Hậu quả là căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii bị tổn thất lớn.

Cuộc tấn công Trân Châu Cảng của Nhật Bản bao gồm 2 đợt không kích với tổng cộng 353 máy bay xuất kích từ 6 tàu sân bay Nhật Bản. Do bị tấn công bất ngờ nên Mỹ có khoảng 2.400 binh sĩ và thủy thủ Mỹ thiệt mạng, hơn 1.000 người khác bị thương.

Cuộc tấn công của Nhật Bản cũng đánh chìm và gây hư hỏng toàn bộ 8 tàu chiến, 3 tàu tuần dương, 3 tàu khu trục và 1 tàu rải thủy lôi của hải quân Mỹ. Gần 200 chiến đấu cơ của Mỹ bị phá hủy trong 2 đợt không kích. Trong khi đó, Nhật Bản tổn thất rất nhỏ với việc mất 29 máy bay, 5 tàu ngầm nhỏ và 64 người thiệt mạng.

Sau khi sự kiện Trân Châu Cảng xảy ra, nhiều chuyên gia cho rằng dù Nhật Bản giáng một đòn mạnh vào Mỹ nhưng phần lớn cơ sở vật chất, kho bãi và cơ sở hạ tầng của xứ sở cờ hoa vẫn tồn tại. Vì sao Nhật Bản không mở đợt không kích thứ 3 khiến Mỹ tổn thất lớn hơn?

Trước câu hỏi này, giới chuyên gia đã đưa ra một số nhận định để lý giải vì sao Nhật Bản không mở đợt tấn công thứ 3. Theo các chuyên gia, do bị tấn công bất ngờ ở đợt thứ nhất nên Mỹ tổn thất không nhỏ. Đổi lại, Nhật Bản mất 9 máy bay.

Sang đến đợt tấn công thứ 2, dù khiến Mỹ tiếp tục tổn thất nhưng thiệt hại của Nhật Bản tăng lên với 20 máy bay bị bắn rơi và 74 chiếc khác bị hư hại. Điều này cho thấy lực lượng Mỹ tại Trân Châu Cảng đã có khả năng phòng thủ. Nếu Nhật Bản thực hiện đợt không kích thứ 3 thì nước này sẽ khó có thể đảm bảo giành thắng lợi trước Mỹ.

Một lý do khác khiến Nhật Bản không thể mở đợt tấn công thứ 3 là vì giới chức Tokyo biết được các tàu sân bay mạnh của Mỹ không có mặt ở Trân Châu Cảng vào thời điểm đó. Nếu trên đường trở về Nhật Bản mà các máy bay của họ gặp phải các tàu sân bay của Mỹ như USS Saratoga, Enterprise hoặc Lexington thì hậu quả khó lường.

Lý do tiếp theo là để chuẩn bị cho đợt tấn công thứ 3, Nhật Bản cần có thêm thời gian. Theo đó, khi sẵn sàng mở đợt tấn công tiếp theo thì cũng là lúc tối. Vào thời điểm trên, máy bay của Nhật Bản chưa có khả năng hạ cánh xuống các tàu sân bay lúc đêm tối sau khi làm nhiệm vụ đánh bom.

Nguyên nhân nữa khiến Nhật Bản không mở đợt tấn công thứ ba là vì nguồn cung cấp nhiên liệu của nước này không dồi dào. Do đó, nếu mạo hiểm thực hiện một đợt tấn công nữa thì nhiều tàu chiến, máy bay cạn kiệt nhiên liệu và không thể trở về căn cứ an toàn. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng lớn cho Nhật Bản trong các cuộc chiến tiếp theo.

Cuối cùng, quan chức Hải quân Nhật Bản tin rằng đã giành thắng lợi lớn trước Mỹ ở Trân Châu Cảng. Vì vậy, họ quyết định không mạo hiểm để hy sinh thêm binh sĩ, máy bay trong cuộc chiến tại đây.

Mời độc giả xem video: Tàu chiến Mỹ phát nổ và cháy dữ dội ngay tại Cảng. Nguồn: THDT.

Tâm Anh (theo WAM)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/vi-sao-nhat-ban-kien-quyet-khong-tan-cong-tran-chau-cang-dot-3-1578595.html