Vì sao nhà văn Việt Nam không có tiểu thuyết hay?

Những tiếng chuông báo động đang gióng lên khi một cuốn tiểu thuyết của tác giả Việt dù hay nhưng in ra với số lượng vỏn vẹn 1.000 bản vẫn khó bán hết trong một năm. Điều này khiến những người cầm bút không khỏi băn khoăn…

Tiểu thuyết của nhà văn Việt Nam vẫn chưa thuyết phục được bạn đọc trong nước

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng nhận định, tại Việt Nam, văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng đang trong cuộc cạnh tranh gay gắt với truyền hình và điện ảnh. Đây là một thực tế không thể làm ngơ. Ông hài hước so sánh: “Văn hóa nghe nhìn như con khủng long đang ngoạm dần thị phần tinh thần của xã hội”.

Cũng theo nhà phê bình Bùi Việt Thắng, phim ảnh với chức năng giải trí cao ngất đang giành giật công chúng trong tay các nhà văn ngày càng quyết liệt. Văn học đang bị đẩy xa khỏi trung tâm văn hóa. Do đó, tiểu thuyết đang đi về đâu là một câu hỏi lớn không dễ trả lời ngay lập tức.

Chờ độc giả chán ngôn tình

Chưa nói tới độc giả, việc tìm ra một cuốn tiểu thuyết hay để đọc cũng khiến chính những người cầm bút băn khoăn. Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên quan ngại về đời sống của tiểu thuyết hiện nay, quá hiếm hoi để ông tìm được một cuốn tiểu thuyết thực sự thú vị như cách đây 10-15 năm để đọc, trong khi ông chẳng thể nào đọc truyện ngôn tình như giới trẻ.

Đối với nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên, truyện ngôn tình là dành cho lớp trẻ, khó trách hay cấm cản được. Về vấn đề những nhà văn trẻ chọn viết tiểu thuyết ngôn tình, nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên lý giải, tiểu thuyết ngôn tình không kèm theo những thách thức, không có những vấn đề gai góc về lịch sử, chính trị, xã hội, nhận thức, triết học.

Nếu có một chút triết học thì chỉ là rơi rớt của triết học hiện sinh, tức: sống gấp, sống tại chỗ, sống ngay lập tức. Với tư cách là người quan sát, nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên bày tỏ niềm tin những người đọc ngôn tình sẽ vượt qua giai đoạn này. “Một lúc nào đó họ sẽ chán truyện ngôn tình, nếu không yêu văn chương họ sẽ không đến với những tiểu thuyết kinh điển, mà từ bỏ con đường đọc”, nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên nhận định.

Tuy nhiên, bất cứ ai tới một độ tuổi, có thâm niên, vốn sống, bề dày kiến thức văn học đều mong mỏi chờ đợi được đọc những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Việt Nam chứa đựng nội dung lôi cuốn, sâu sắc, có thông điệp. Ông hy vọng các nhà văn sẽ mở rộng biên độ, tìm kiếm các vấn đề thời cuộc đang được công chúng quan tâm.

Nhà văn không nên mặc cảm

Chia sẻ với phóng viên Báo An ninh Thủ đô lý do trong số các tiểu thuyết Việt Nam hiện nay, quá ít cuốn đọng lại ấn tượng, nhà văn Lê Hoài Nam nói, trong những năm trở lại đây, tại Việt Nam nổi lên một trường phái nhà văn luôn mặc cảm về cái chất “nhà quê” trong tiểu thuyết, họ muốn vươn lên một cái gì đó khác, tân tiến hơn. Ông cho rằng, những nhà văn này mặc dù khao khát đòi hỏi cái mới, tránh trùng lặp - lẽ đương nhiên của những người cầm bút - tuy nhiên đôi khi khao khát này trở thành cực đoan.

Nhà văn Lê Hoài Nam cụ thể, có những nhà văn Việt Nam hiện nay học phương Tây, nói học nhưng lại mang tính chất sao chép, họ thiếu khả năng chọn lọc. Nhà văn cũng khẳng định, dù học hỏi nền văn hóa nào cũng không được đạo văn, rập khuôn mà nên chắt lọc, tiếp thu những điều hay, đẹp để làm giàu nền văn hóa nước mình.

Một điều nữa cũng khiến những nhà văn chọn “dấn thân” trên hành trình viết tiểu thuyết cần lưu ý, một bài thơ nhỏ cũng phải chuyển tải một nội dung nào đó, huống hồ một tiểu thuyết. Nhà văn cần nắm bắt được tâm lý của bạn đọc. Người đọc tiểu thuyết không chỉ là theo dõi một câu chuyện qua sự dẫn dắt bằng ngôn từ nghệ thuật điêu luyện, mà còn qua câu chuyện, họ muốn được rút ra bài học nhân sinh, có thể là từ ý nghĩa triết lý qua câu chuyện, có thể là vấn đề đạo đức thiết thân với mỗi con người, và có thể là bài học về nhân cách.

Vì vậy, điều cốt lõi khiến tiểu thuyết Việt Nam không thuyết phục được người đọc là nhà văn thiếu tính tư tưởng. Thiếu tính tư tưởng nên văn học nói chung, tiểu thuyết nói riêng chỉ còn là phiên bản của những “bóng” và “hình” của những câu chuyện khi thì quá ư rắc rối, bế tắc, khi thì quá nông cạn.

Nguyễn Ngọc Trâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/vi-sao-nha-van-viet-nam-khong-co-tieu-thuyet-hay/759402.antd